Nằm trong hệ thống hang động của vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), động Thiên Đường là một kỳ quan trong lòng núi đá vôi đang thu hút nhiều khách tham quan bởi vẻ đẹp kỳ ảo đúng như tên gọi.
Có thử một lần đến đây mới thấy rằng danh xưng ấy không hề phô trương và hoàn toàn xứng đáng với những câu thơ mà du khách dành tặng cho nơi này: “Non non nước nước đâu hơn nhỉ? Ở chốn trần gian ngỡ ở trời”.
Đường lên tiên cảnh
Cách thành phố Đồng Hới chừng 70 cây số về hướng tây bắc, động Thiên Đường nằm khuất sau những dãy núi đá vôi điệp trùng.
Con đường rừng quanh co dẫn vào nơi này mát rượi với một bên là những tán cổ thụ rợp lá, một bên là dòng suối nép mình dưới chân núi đá vôi xanh màu ngọc bích lung linh trong nắng sớm.
Cách cửa động chừng 300 mét là đoạn đường dốc mà du khách phải leo qua hơn năm trăm bậc thang đá để “bước lên thiên đường”.
Cửa động khá hẹp, như một căn hầm nhỏ cỡ chừng ba mét vuông, chỉ vừa đủ để từng người nép mình bước xuống. Thế nhưng đằng sau lối vào nhỏ bé ấy lại mở ra một khoảng không rộng lớn vô cùng.
Tại đây, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào trong hang với tuyến cầu thang gỗ được lắp đặt công phu dài hơn một cây số nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, cũng như duy trì được nguyên vẹn vết tích của tự nhiên.
Ngay khi bước xuống hang động, chúng tôi lặng người vì ngỡ ngàng trước một không gian kỳ vĩ đã ngủ vùi sâu trong lòng núi cả trăm triệu năm.
Những măng đá, nhũ đá tỏa khắp từ trên trần hang, dưới sàn động với đủ mọi hình dáng như được tạc bởi bàn tay của các nghệ sĩ.
Một số du khách đi ngược đường trở ra hào hứng báo: “Vào sâu bên trong còn đẹp hơn thế” khiến chúng tôi càng thêm tò mò.
Năm 2005, một người dân địa phương là ông Hồ Khanh (người được mệnh danh là “vua hang động” của Việt Nam vì đã tìm ra nhiều hang động ẩn sâu trong núi rừng) đã khám phá ra động Thiên Đường.
Sau đó, ông cùng Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đi sâu hơn vào khu động được xác định có niên đại hơn 350 triệu năm này.
Người dẫn đầu đoàn thám hiểm lúc ấy là TS Howard Limbert đã ngỡ ngàng trước chiều dài 31,4km của hang động và thốt lên rằng “Đây hẳn là hang động khô dài nhất châu Á hiện nay”.
Một điều khá lạ là dù được xếp vào loại động khô và nằm cách mặt nước biển 226m nhưng động Thiên Đường vẫn khá ẩm ướt.
Quan sát kỹ sẽ thấy nhiều mảng nền có đất và cát dợn sóng như bị nước lùa sau cơn mưa hoặc một số thạch đá mang dáng dấp của những bồn gạch trắng hay đài phun nước đang róc rách chảy.
Và trí tưởng tượng của con người tự do bay bổng, cho rằng nơi đây khi xưa ắt hẳn các tiên nữ từng giáng trần nghỉ ngơi, tắm gội.
Tên gọi Thiên Đường cũng từ đó mà ra, như một lời khen tặng cho vẻ đẹp hư ảo và không gian huyền bí nơi đây, gợi nhiều liên tưởng thú vị cho con người.
Bàn tay nghệ sĩ của tạo hóa
Đơn vị khai thác du lịch tại đây đã thắp sáng hang động hầu hết bằng ánh đèn trắng để giữ nguyên màu sắc vốn có của các thạch nhũ, măng đá, nhờ vậy người ta có thể chiêm ngưỡng rõ ràng từng hình thù được thiên nhiên chạm khắc.
Thả bộ trên con đường chỉ vỏn vẹn một cây số trong “thiên đường”, chúng tôi bị choáng ngợp bởi vô số thạch nhũ, măng đá được tạo hình hài hòa và bố trí công phu hệt như nghệ thuật sắp đặt đương đại.
Kể ra cũng lạ: bên cạnh một khối thạch nhũ sắp đổ nát do sự bào mòn của năm tháng luôn có những măng đá nhú lên như một sự tái sinh và tiếp nối vòng quay muôn đời của tạo hóa.
Người ta phân chia động thành nhiều khu vực với tên gọi khác nhau, nào là cung Quảng Hàn (vì nơi đó có khối thạch nhũ rũ xuống trông như bức rèm the của tiên nữ), cung Giao Trì (có những măng đá mang hình kỳ lân, phượng hoàng, hạc thần bay lên trời…), cung Quần Tiền hội tụ (có đủ hình tượng Phật A Di Đà, Phúc Lộc Thọ, thầy trò Đường Tăng được rùa chở qua sông…).
- Xem thêm: Khám phá thế giới hang động Tú Làn
Quả thật, có chiêm ngưỡng vẻ đẹp ở động Thiên Đường, người ta mới thấy mình như lạc vào chốn bồng lai, chìm đắm trong không gian bảng lảng với những câu chuyện thần thoại được khắc họa trên các tuyệt tác của thiên nhiên.
Chúng tôi dừng chân khá lâu để chiêm ngưỡng khối thạch nhủ mang tên tháp Liên Hoa có hình dáng như một đài sen đang nở rộ với những măng đá xòe ra như những búp hoa.
Khối thạch nhũ này được hình thành theo một cách kỳ lạ nhất, bởi những giọt nước tích tụ nên nó vì những nguyên nhân nào chẳng rõ đã không nhỏ giọt như những khối thạch thông thường, mà bắn tung tóe không theo quy luật nào, làm nên những măng đá tinh xảo như được điêu khắc bởi bàn tay một nghệ sĩ tài hoa.
Cùng với những hang động khác trong hệ thống Phong Nha – Kẻ Bàng, động Thiên Đường xứng đáng là một di sản thiên nhiên mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho dải đất miền Trung hiền hòa.