Thời gian gần đây, nhiều chỗ bán hàng ở một số điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam đã thực hiện những hành vi lừa đảo trắng trợn.
Hiện nay nhiều du khách đi Phan Thiết về đã cảnh báo rằng nếu ai muốn ghé chợ Phan Thiết mua hải sản thì nên lưu ý: Đừng sử dụng dịch vụ đóng gói hải sản để mang về, không giao túi đồ đã mua cho bất kỳ ai trong chợ; tốt nhất nên nói là mua ăn liền, không cần đóng gói hay để người bán cho thêm nước đá vào, nếu cần thì có thể tự mua đá bên ngoài để tránh bị tráo hàng. Vừa qua, một gia đình từ TP. Hồ Chí Minh đến đây sau khi mua ghẹ và trả tiền xong, người bán hàng rất nhiệt tình giới thiệu qua chỗ dịch vụ đóng gói để đảm bảo hải sản tươi ngon khi về đến nhà. Gia đình du khách từ chối vì trên xe đã có thùng đá và chuyển sang đi mua mực. Dù vậy người ở dịch vụ đóng gói vẫn dai dẳng bám theo. Đến khi gia đình này trở ra, đi ngang qua chỗ bán ghẹ để chờ một người đi chung đoàn mua hàng thì người bán lại thuyết phục đóng thùng và hứa khuyến mãi chi phí đóng thùng. Thấy gia đình du khách chần chừ, từ người bán đến những người xung quanh đều hùa nhau nói họ keo kiệt, bủn xỉn, khó chịu một cách ầm ĩ… Gia đình này đành đồng ý cho đóng gói nhưng đề nghị phải làm trước mặt mình. Người bán hàng liền gọi một người đàn ông trông rất bặm trợn ra đóng gói hải sản trước sự chứng kiến của nhiều người. Tuy nhiên khi về đến nhà thì những con ghẹ tươi mà gia đình du khách lựa đã bị tráo bởi một đống ghẹ chết và không còn ăn được nữa. Không chỉ gia đình này bị lừa, trong đoàn của họ còn có người bị lừa mất cả ghẹ và mực tươi dù không đóng thùng mà chỉ đưa túi hàng cho người bán bỏ nước đá vào. Vị khách này bị tráo hàng ngay từ lúc đang loay hoay lấy tiền trả nên không để ý. Nhóm du khách trên cho biết rằng thủ đoạn tráo hàng của những người buôn bán không đàng hoàng trong chợ Phan Thiết rất tinh vi và rất nhanh: Họ tráo một gói hàng kém chất lượng có cùng trọng lượng và cho nhiều nước đá vào để khách không thể kiểm lại. Đây có thể gọi là trò lừa đảo có hệ thống vì từ người bán hàng, người làm dịch vụ đóng gói và cả những người bán hàng rong bu xung quanh đều cố gắng làm du khách mất tập trung. Những người bán hàng này nắm bắt tâm lý của khách du lịch thích hải sản tươi ngon, không thích vướng vào chuyện rắc rối, được khuyến mãi thêm dịch vụ… nên đã dùng từ lời nói ngon ngọt đến lớn tiếng xỉa xói để du khách sợ phiền hà mà thuận theo cho xong chuyện.
Du khách nên tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ mua sắm
Từ lâu, lễ hội vía Bà tại núi Sam, Châu Đốc đã nổi tiếng với đội quân bán hàng luôn chèo kéo du khách. Gần đây, trước cổng chùa Tân An, một trong ba ngôi chùa của khu miếu Bà còn xuất hiện tình trạng chèo kéo mua chim phóng sinh với giá 5.000 đồng một con. Tuy nhiên, đây là một hình thức lừa gạt bởi khi khách đồng ý mua thì người bán sẽ mở túi nylon cho chim bay hết và tính tiền cả túi. Bà Trần Ngọc Bích, quê ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, một trong những du khách bị lừa cho biết bà chỉ định mua vài con để thả, nhưng không ngờ người bán lại thả hết số chim trong túi nylon và ép bà trả 300.000 đồng.
Giữa tháng Tư vừa qua, trung tâm mua sắm đồ lưu niệm Thành Tâm tại số 668 Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh – một doanh nghiệp có tiếng ở tỉnh này đã phải trả lại tiền cho du khách do bị báo Người đưa tin vạch trần hành vi lừa đảo. Câu chuyện bắt đầu từ phản ánh của chị P.T.T (Đống Đa, Hà Nội). Ngày 30-3 vừa qua, chị T theo đoàn đi du lịch tại vịnh Hạ Long. Trên đường về Hà Nội, đoàn được hướng dẫn viên đưa vào Công ty Thành Tâm để nghỉ ngơi và mua đồ lưu niệm. Tại đây đoàn được nhân viên giới thiệu các sản phẩm đá quý, ngọc… có xuất xứ từ nước ngoài. Sau đó, một người phụ nữ tự xưng là con gái của Giám đốc Công ty Thành Tâm từ Đài Loan sang đi ra gặp đoàn. Sau khi giới thiệu sản phẩm, người phụ nữ này hạ giá các sản phẩm ngọc nước ngoài với giá rẻ bất ngờ: Dây chuyền niêm yết giá 98 triệu đồng được bán với giá 12 triệu đồng; nhẫn mặt ngọc niêm yết giá 62 triệu đồng được bán giá 8 triệu đồng… Các du khách trong đoàn đã mua khá nhiều sản phẩm. Riêng chị T. chi đến 40 triệu đồng mua hàng. Tuy nhiên, mang bộ trang sức này về Hà Nội định giá thì chị T mới biết đây là hàng giả và giá không quá nửa triệu đồng. Khi chị T đem sự việc này phản ánh với báo chí, chủ doanh nghiệp Thành Tâm mới đồng ý trả lại tiền cho khách hàng. Phóng viên tờNgười đưa tin cũng đã thông báo về tình trạng lừa đảo trên cho phía Công an huyện Đông Triều nhưng Công an huyện này vẫn không hề kiểm tra hay có động thái gì, và cho đến nay, trung tâm mua sắm đồ lưu niệm Thành Tâm vẫn cứ tồn tại để tiếp tục lừa gạt các du khách nhẹ dạ.
Thanh Hải