Nếu năng suất làm việc của mình chưa tốt, bạn không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng này. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của Trung tâm sức khỏe và môi trường toàn cầu thuộc Đại học Harvard, chất lượng không khí không tốt có thể khiến chúng ta khó tập trung, khó tư duy và khả năng giải quyết vấn đề cũng kém đi.
Kết quả này chứng tỏ sự nghi ngờ của mọi người là đúng: chất lượng không khí trong nhà, trong văn phòng đóng một vai trò ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Vì thế, hãy thực hành những bước sau đây để cải thiện chất lượng không khí môi trường sống và làm việc.
Đầu tư vào cây trồng trong nhà
Hầu hết mọi người biết rằng cây trồng trong nhà có thể cải thiện chất lượng không khí nhưng những lợi ích của cây xanh trong nhà còn lớn hơn nhiều so với hình dung của họ. Cây xanh trong nhà cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ đến 20%. Những cây đang ra hoa có thể làm tăng cảm giác an toàn, thư giãn và giảm khả năng bị trầm cảm do stress.
- Xem thêm: Trồng cây xanh trong nhà
Yếu tố thiên nhiên trong môi trường xung quanh giúp tăng năng lượng và sinh lực. Và sau hết, trồng cây là một cách giúp giảm stress. Chọn một loại cây trồng trong nhà có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí và bạn sẽ nhận được cả những lợi ích sức khỏe khác. Những loại cây có khả năng thanh lọc không khí tốt là: cây lô hội, cây thường xuân, cây lan ý, cây lưỡi hổ…
Lưu ý đến sàn nhà
Thảm có thể là một tác nhân chính gây ra dị ứng. Nên sử dụng sàn gỗ hoặc sàn linoleum vì chúng không bám bụi và bám những chất gây dị ứng xâm nhập từ bên ngoài, lại dễ làm sạch.
Lưu ý độ ẩm trong nhà
Độ ẩm trong nhà đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng không khí nói chung. Bụi mù, mốc là những chất gây dị ứng phổ biến dẫn đến bệnh hen suyễn ở nhiều người; cả hai đều hiện diện trong môi trường có độ ẩm cao.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives, độ ẩm tối ưu trong nhà nên được duy trì ở mức từ 40 – 60% để giảm thiểu mốc và bụi mù, giảm thiểu sự lan truyền nhiều mầm bệnh. Ngày nay chúng ta có lẽ gần như phải sử dụng máy điều hòa không khí quanh năm. Một cách để hạ thấp độ ẩm là lắp quạt thông gió trong nhà bếp và phòng tắm hoặc dùng máy hút ẩm.
Sử dụng sản phẩm tẩy rửa và khử mùi có nguồn gốc tự nhiên
Một số sản phẩm tẩy rửa trong nhà hoặc văn phòng có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng không khí. Nên tìm hiểu và thay thế sản phẩm có thể gây độc hại bằng các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên. Tự làm sản phẩm tẩy rửa là một giải pháp. Chỉ cần muối, giấm, chanh, borax, baking soda, xà phòng thực vật castile bạn đã có được giải pháp tẩy rửa “homemade” và cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong nhà.
Những chất khử mùi và sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm cũng đưa các thành phần độc hại vào không khí và làm cho một số người bị khó thở. Thay vào đó, chỉ cần một chậu nước sôi nhỏ thêm chút mùi hương tự nhiên như chanh, cam, sả chanh hay vỏ quế là bạn đã có thể tận hưởng được sự trong lành.
Thực hành hít thở sâu
Khi chất lượng không khí đã được cải thiện thì cũng là lúc thực hành các bài tập hít thở sâu để tăng năng suất làm việc. Thông thường, những vấn đề về năng suất là do lo âu hoặc stress. Hít thở sâu có thể giúp xoa dịu phản ứng stress cấp tính thường xảy ra do căng thẳng và lo âu thái quá. Có thể lúc đầu bạn sẽ cảm thấy không tự nhiên nhưng nếu thực hành đều đặn, nó sẽ dễ dàng hơn và là một trong những cách dễ nhất để tập trung trở lại.
Hãy tìm một chỗ ngồi thoải mái. Thở bình thường và sau đó chầm chậm hít vào bằng mũi. Để cho bụng dưới và ngực mở rộng ra và từ từ thở ra bằng miệng. Thực hành 5-10 phút cho tới khi stress dịu đi và bạn có thể tập trung trở lại. Nếu bạn có thể đưa bài tập này trở thành một thói quen hằng ngày thì rất lý tưởng, sẽ giúp giảm stress, tăng khả năng tập trung và năng suất làm việc.
Chất lượng không khí trong nhà, trong văn phòng làm việc có thể sút giảm dần dần và bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng ta hoàn toàn không nhận biết được ngay. Nếu bạn cảm thấy khó tập trung và không thể duy trì năng suất làm việc tốt, hãy dành thời gian để đánh giá lại không gian làm việc. Một vài thay đổi nhỏ có thể tạo nên thay đổi đáng kể, giúp bạn tìm lại sức sáng tạo.