Lần đầu tiên được mời dự hội nghị tổng kết năm của Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (SPC – Saigon Professional Chef’s Guild), tôi – một kẻ ngoại đạo bị lọt thỏm giữa một “rừng đầu bếp” cùng những chuyện bếp núc khá lạ lẫm. Chỉ lướt qua báo cáo tổng kết hoạt động là đã đủ thấy đây là một nghề khá “hot”, thu hút nhiều người theo đuổi con đường chuyên nghiệp.
Nhiều người nghĩ theo nghề này cũng sướng vì “mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu”, lại chẳng bao giờ sợ… đói! Có người còn ví đầu bếp là “nghệ sĩ chế biến món ăn” thật lãng mạn và nên thơ. Vì vậy, khi nghe các vị đầu bếp than đây là nghề cực nhọc, tôi vẫn còn mơ hồ. Thế nhưng, tình yêu mà họ dành cho nghề thì dễ hiểu, bởi nếu không yêu thì sẽ khó lòng chinh phục được biết bao thực khách vào ra quán xá hằng ngày.
SPC – sân chơi của đầu bếp chuyên nghiệp
Trong giờ giải lao, giữa bầu không khí sôi nổi, ồn ào bởi tình cảnh “dương thịnh, âm suy” – điểm đặc trưng dễ nhận thấy của nghề đầu bếp, tôi tranh thủ hỏi thăm ý kiến của vài người. Từ anh đầu bếp trẻ cho đến người có mấy mươi năm trong nghề, các câu trả lời dù có thể không tròn ý, nhưng tựu trung lại thì nghề bếp rất cực. Đòi hỏi cao về tay nghề và sức khỏe là hai chướng ngại khiến ít phụ nữ theo đuổi nghề đầu bếp chuyên nghiệp. Từ khi có sự ra đời của SPC, ai cũng phấn khởi vì có một nơi hỗ trợ nghề nghiệp, giúp anh em trong nghề gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều hơn, cả lúc làm và lúc chơi.
Các thành viên của SPC chụp hình lưu niệm cùng đầu bếp Martin Yan
Trên sân khấu, dù tiết mục văn nghệ đã được giới thiệu là “cây nhà lá vườn” , nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi có những giọng ca ngọt ngào không thua ca sĩ chuyên nghiệp là bao. Chị Hồng Phú nhận được nhiều tràng vỗ tay ngay từ khi được mời lên sân khấu đã vui vẻ chia sẻ suy nghĩ của mình trước khi hát: “Người đầu bếp không chỉ biết cái chảo cái bếp, mà còn biết hát ca cho đời thêm vui. Chúng ta chỉ già đi về tuổi đời nhưng vẫn tràn đầy tình yêu nghề, yêu đời!”. Hôm đó cũng là dịp mà các đầu bếp được cụng ly nhau một cách thoải mái, không phải tự kiểm soát gắt gao, giữ kỷ luật như khi đang làm việc. Những lần các thành viên của SPC gặp nhau đều kết thúc trong niềm vui như thế để rồi ai nấy lại trở về với công việc hằng ngày, tiếp tục tạo ra những món ăn ngon và lạ, đủ sức lôi kéo thực khách đến với các điểm ẩm thực.
Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương đang hướng dẫn các bạn học nghề đầu bếp thực hành món ăn
Ông Lý Sanh – Chủ tịch SPC cho biết rằng từ mong muốn có một tổ chức tập hợp anh chị em làm nghề đầu bếp lại để cùng chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, hỗ trợ nhau cũng như để quảng bá ẩm thực Việt sâu rộng hơn, từ năm 2005, một nhóm người tâm huyết với nghề đã làm hồ sơ xin phép thành lập SPC. Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Du lịch TP.HCM, SPC sau khi ra đời đã có những hoạt động tích cực, góp phần chuyên nghiệp hóa nghề bếp và nâng cao hình ảnh người đầu bếp. Từ khi có hội đoàn, các đầu bếp lành nghề cũng tự tin “mang chuông đi đánh xứ người” để giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt đến bạn bè thế giới, vừa giao lưu, vừa học hỏi kinh nghiệm.
Đối tác cung cấp nguyên liệu giới thiệu sản phẩm khoai tây nhập từ Mỹ cho các đầu bếp lựa chọn
Sau ba năm hoạt động, SPC chính thức được gia nhập Hiệp hội Đầu bếp thế giới – tổ chức nghề nghiệp lớn và uy tín nhất toàn cầu. Từ con số 150 hội viên ban đầu, đến nay SPC đã có khoảng 950 hội viên, hoạt động theo nhiều câu lạc bộ (Bếp Trẻ, Bếp Việt, Bếp Hoa, Bếp Âu, Bếp Bánh và Điêu khắc rau củ quả). Anh Phạm Ngọc Khôi – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Bếp Việt nhìn nhận: “Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, ẩm thực Việt cũng có cơ hội trở thành một đại sứ giới thiệu về những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam”.