Thoái vốn tại các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối luôn là một chủ đề hấp dẫn để đầu tư trên thị trường cổ phiếu. Theo kế hoạch ban đầu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cần thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp trong năm ngoái, nhưng một phần do thị trường diễn biến khó lường, từ quý II-2018 đã không như kỳ vọng, nên năm 2018 chưa có động thái thoái vốn cụ thể nào. Ðây chính là áp lực buộc Vinachem phải nỗ lực thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
Việc Vinachem thoái vốn được kỳ vọng là động lực hỗ trợ cho giá nhiều cổ phiếu. Theo lộ trình, Vinachem sẽ chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp bao gồm: Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Sao Vàng (SRC), Phân bón Bình Điền (BFC), Phân bón Miền Nam (SFG), Bột giặt Net (NET), Bột giặt Lix (LIX), Pin Ắc quy Miền Nam (PAC), Phân bón và Hóa chất Cần Thơ.
Đối với nhóm ngành săm lốp (vỏ, ruột) xe, sở dĩ CSM, DRC, SRC được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi đây là những doanh nghiệp có nền tảng hoạt động ổn định, được thị trường đánh giá là cổ phiếu cơ bản và có dư địa tăng trưởng. Với DRC và CSM, cả hai doanh nghiệp đều được xem là đầu ngành, có lợi thế về quy mô, thương hiệu, năng lực sản xuất cũng như hệ thống phân phối. Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cao su săm lốp với dự báo tiêu thụ ôtô tại Việt Nam tăng trưởng 22,6%/năm trong giai đoạn 2018-2025.
Thị trường săm lốp thế giới được dự báo tăng bình quân trên 6%/năm trong giai đoạn 2018-2020, tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương, là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho các doanh nghiệp săm lốp trong nước. Dù diễn biến giá nguyên liệu chính là cao su thiên nhiên và dầu thô thế giới biến động, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành, cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa cũng như lốp giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng cả DRC, CSM đều được đánh giá là cơ hội đầu tư đáng xem xét trong trung và dài hạn.
Ðối với PAC, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp FDI, thị phần của công ty vẫn duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Ðáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của PAC, Furukawa Battery (FB) là cổ đông lớn thứ hai, sở hữu khoảng 10,54% vốn điều lệ và được xem là đối tác chiến lược của công ty. Do đó, cổ đông này có thể trở thành người mua tiềm năng khi Vinachem thoái vốn tại PAC. Còn với doanh nghiệp phân bón SFG và BFC, hoạt động kinh doanh cũng tương đối ổn định.
SFG là một trong những doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón trong nước, vị thế của công ty được củng cố bởi thương hiệu “Phân bón Con Ó” được người tiêu dùng tín nhiệm.
Ngoài ra, SFG ít chịu tác động của thuế tự vệ áp lên phân DAP và MAP nhập khẩu do công ty có nguồn cung phân lân tự sản xuất thay thế. Với BFC, đây là doanh nghiệp sản xuất NPK có công suất lớn nhất toàn ngành, sản phẩm được đánh giá chất lượng cao với uy tín thương hiệu trên 30 năm hoạt động. Công ty duy trì mức trả cổ tức tiền mặt cao. Thị trường trọng điểm của BFC là khu vực phía Nam và Tây Nguyên với 28% thị phần, khu vực miền Trung và miền Bắc mỗi thị trường khoảng 10%.
Trong khi đó, ở các doanh nghiệp hóa chất như LIX, NET, có một số đánh giá không mấy tích cực. Chẳng hạn, LIX có rủi ro lớn khi phụ thuộc một vài khách hàng lớn như P&G, Unilever và cũng bởi đây là hai khách hàng có thị phần lớn nhất nhì trong ngành nên việc thương lượng về giá bán không thuộc về doanh nghiệp. Điều này có thể gây khó cho LIX trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược.
Đánh giá chung từ việc thoái vốn của Vinachem, cơ hội là có nhưng sẽ không chia đều cho các doanh nghiệp. Câu chuyện có lẽ chỉ thật sự nổi bật và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đang có sẵn đối tác hoặc có câu chuyện riêng. Dưới góc độ nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư ưa thích “game” thoái vốn vẫn có thể chọn lọc được cơ hội đầu tư ngắn hạn ở các cổ phiếu này. Đáng chú ý, tỷ lệ tự do chuyển nhượng của các cổ phiếu thấp nên giá cổ phiếu cũng dễ bị tác động.