Chúng ta có thể rèn luyện để cảm thấy bất hạnh nhưng cũng có thể rèn luyện để luôn cảm thấy hạnh phúc, bởi lẽ, hạnh phúc phụ thuộc vào cách trí não chúng ta tiếp nhận và xử lý thông tin.
Sự cầu toàn trong cuộc sống khiến ta trở nên ưa phán xét, trong đầu luôn vạch sẵn một danh sách những sai sót của bản thân và người khác. Điều này được thể hiện qua một trường hợp rất cụ thể, những người làm luật sư dễ rơi vào trầm cảm và tan vỡ gia đình gấp 3,6 lần so với người làm nghề khác. Với đặc thù công việc là luôn tìm kiếm những kẽ hở, những sai lầm, họ cũng dễ trở nên bi quan hơn trước cuộc đời.
Bộ não của bạn hoạt động theo quán tính, vì thế, hãy tập cho mình luôn hướng đến hạnh phúc theo 3 cách sau:
Liệt kê việc mình làm tốt mỗi ngày
Dành ra 10 phút trước khi đi ngủ để liệt kê ra ba điều bạn đã hoàn thành tốt trong ngày và lý giải tại sao. Bạn có thể viết tay hoặc viết trên máy tính, nhưng quan trọng là bạn nên lưu lại những gì mình đã viết. Cho dù đó một dấu mốc quan trọng hay chỉ là một việc đơn giản thì vẫn xứng đáng được lưu lại khi chúng làm cho bạn thấy hài lòng với bản thân.
So sánh với những người kém may mắn hơn
Có lẽ bạn hay nghe người khác khuyên là đừng so sánh mình với người khác. Tuy nhiên, đôi khi việc so sánh lại có ích nếu bạn chọn đối tượng để so sánh. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nếu cứ liên tục nhìn về những người thành công hơn, giỏi giang hơn rồi ghen tị với họ, bạn sẽ luôn cảm thấy mình là kẻ kém cỏi, tồi tệ và ghét lây sang những người quanh bạn.
Hãy so sánh mình với những người kém may mắn hơn để thấy bạn đang có một cuộc sống bình ổn như thế nào, các khó khăn của bạn sẽ thu nhỏ lại. Bên cạnh đó, đừng ngần ngại so sánh với những người tuy may mắn hơn nhưng lại từ chối việc chia sẻ hoặc cho đi. Hãy đưa ra những lựa chọn vị nhân sinh hơn những người có chung hoàn cảnh hoặc có điều kiện sống tốt hơn mình, đó là cách bạn khẳng định được giá trị bản thân.
Chọn kể cho mình những câu chuyện hay
Mỗi ngày, bất cứ khi nào bạn có thời gian một mình (như khi lái xe hay ăn trưa), hãy nhẩm trong đầu mình một câu chuyện vui, không tránh né các thử thách nhưng theo hướng tích cực. Hình dung hóa cuộc đời mình thành một câu chuyện ngụ ngôn, hoặc áp bản thân vào một nhân vật nào đó trong câu chuyện cười bạn đã từng đọc, bạn sẽ thấy thư giãn hơn. Đừng ngại ngần tự chế giễu bản thân vì những sai lầm nho nhỏ, nhưng để đi đến kết luận là lần tới bạn sẽ không làm thế nữa, và ban cho bản thân một viễn cảnh tốt đẹp. Đọc những cuốn sách với các nhân vật kém may mắn, hậu đậu, nhưng luôn có niềm tin và lạc quan trong cuộc sống sẽ giúp ích cho não bộ của bạn trong việc hình thành thói quen suy nghĩ tích cực