Nếu coi nền kinh tế của Trung Quốc (TQ) như một con bạch tuộc thì sau khai thác tài nguyên, bất động sản, công nghệ… thì nay xúc tu của nó đã chạm đến thời trang.
Không thể phủ nhận sức mạnh của kinh tế TQ những năm gần đây khi các nhà đầu tư không chỉ phát triển trong nước mà còn bắt đầu mở rộng hoạt động tại nhiều cường quốc. Tuy nhiên không phải tất cả đều mang theo mình sứ mệnh khẳng định chất lượng hàng TQ vốn đã bị thành kiến qua bao đời nay. TQ không thiếu tiền, thậm chí còn nhiều tiền đến mức nảy sinh tham vọng thâu tóm các thương hiệu phương Tây.
Fosun được biết đến như quỹ đầu tư vừa mua lại thương hiệu Lanvin nhưng thực tế đang là cổ đông lớn của Wolford, Caruso và St. John Knits. Ngoài ra còn có Shandong Ruyi đang sở hữu phần lớn thương hiệu Bally, hay Gansu Gangtai Holding có 85% cổ phần của thương hiệu trang sức Buccellati… Trong gần 10 năm trở lại đây, các quỹ đầu tư TQ đã bắt đầu thâm nhập và thu về phần lớn cổ phần của nhiều thương hiệu ở phương Tây. Liệu đây có phải là động thái tiêu tiền nhàn rỗi của giới nhà giàu TQ hay còn có một kế hoạch lớn hơn?
Điều đầu tiên cần nhìn nhận thời trang cũng là một kênh đầu tư có hiệu quả, đặc biệt với các thương hiệu đã có tiếng tăm trên thị trường. Theo số liệu của Walkthechat, tỷ lệ người TQ mua sắm hàng cao cấp ở phương Tây đang chiếm 32% và con số này sẽ lên đến 44% trong năm 2020. Tầng lớp trung lưu và trên trung lưu đang dần có thu nhập cao ở TQ lý giải cho con số trên. Giới đầu tư TQ đã nhận ra vấn đề và lập tức bước vào thế giới kinh doanh thời trang, bắt đầu từ việc thâu tóm cổ phần các thương hiệu lớn.
Đó là về phía TQ, trong khi sức mua ở các nước phương Tây không có dấu hiệu phát triển bởi khủng hoảng kinh tế và cung cách chi tiêu của người dân đang thay đổi, gây khó khăn cho không chỉ những thương hiệu non trẻ mà còn đối với những tập đoàn hoặc thương hiệu lâu đời. Thế nhưng định kiến về đẳng cấp khiến chủ các thương hiệu chần chừ bởi họ không muốn chia sẻ công việc làm ăn với một đối tác không hiểu rõ về ngành nghề lẫn sự tinh tế.
Song chẳng có gì là mãi mãi, dân trí và cách mua sắm đồ hiệu của TQ đang dần được cải thiện. Có thể nói những thương vụ đầu tư vào thời trang mang tính cảm xúc hơn là về tài chính bởi lẽ đó là sự liên kết và thấu hiểu giữa nhà đầu tư với nhà thiết kế thời tranh hay với các thương hiệu, như Wendy Yu – Giám đốc điều hành Tập đoàn Yu Holdings đang sở hữu tên tuổi Mary Katrantzou, nhà thiết kế thời trang người Hy Lạp đang sống tại London.
Sự có mặt của TQ trên đấu trường kinh doanh thời trang xa xỉ là một thách thức trong tương lai đối với các tập đoàn ở châu Âu như LVMH, Kering hay Puig. Mới đây, Icicle vừa hoàn tất việc mua lại thương hiệu lâu đời Carven. Có lẽ trên cả vấn đề kinh doanh thì việc thâu tóm những thương hiệu danh tiếng của phương Tây còn là vấn đề về danh dự, giống như một sự khẳng định và thách thức của người TQ đối với những tay giàu có tinh ranh ở châu Âu.