Rầm rộ tặng quà
Chị Cao Bảo Anh (TP.HCM) cho biết, chị mới nhận được tin nhắn khuyến mãi từ Ví điện tử MoMo. Theo tin nhắn thì MoMo liên kết với Ngân hàng Shinhan triển khai chương trình khuyến mãi. Theo đó, khi khách hàng thực hiện thanh toán thành công một giao dịch bất kỳ bằng Ví MoMo (trừ giao dịch Nạp/Rút/Chuyển tiền) trong thời gian khuyến mại bằng nguồn tiền Shinhan Bank sẽ được cấp một mã giao dịch hợp lệ gồm 10 chữ số trên Ví MoMo. Các mã này dùng để quay thưởng và khách hàng có cơ hội nhận tấm vé vi vu Hàn Quốc hoàn toàn miễn phí, hoặc các quà tặng có giá trị như Vali cao cấp trị giá 500.000 đồng/vali; thẻ quà tặng đa năng, dùng thanh toán các dịch vụ trên Ví MoMo trị giá 100.000 đồng…
Không lãng mạn được đi Hàn Quốc như MoMo nhưng những người sử dụng dịch vụ của Ví Payoo cũng không kém phần hấp dẫn trong những ngày nóng nực của mùa hè này là được nhận quà ngay khi thanh toán tại Auchan. Theo chia sẻ của chị Phạm Thu Phương (TP.HCM), sau mấy lần dùng Ví Payoo để đóng tiền điện thoại, thì nay, chị đã trở thành khách hàng thân thiết của Payoo. Theo chị Phương, Payoo không chỉ tiện lợi mà còn liên tục tặng quà, khuyến mãi, ưu đãi… khiến chị cảm thấy thích thú.
“Tôi sử dụng dịch vụ Ví để đóng tiền hóa đơn, dù mức phí hàng tháng chỉ vài chục đến vài trăm ngàn nhưng tôi vẫn được chăm sóc chu đáo. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với dịch vụ của Ví trong tương lai”, chị Phương chia sẻ.
Quả thực, hiện nay, khi đến hạn thanh toán các hóa đơn điện, nước, internet, truyền hình cáp… nhiều người dân (nhất là những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ) có xu hướng thích sử dụng Ví điện tử. Nhiều người chia sẻ việc dùng Ví không chỉ tiện lợi, đơn giản, thân thiện mà còn cảm thấy mình hiện đại, sang trọng hơn tiền mặt rất nhiều.
Nói như vậy vì những người kinh doanh nhỏ lẻ thường không có thời gian chạy đi ngân hàng giao dịch, nên từ trước đến giờ, họ đều sử dụng tiền mặt làm phương tiện thanh toán chính. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, Ví điện tử đã len lỏi đến tận nơi họ buôn bán để hướng dẫn (dù chỉ là những tờ rơi), khiến người bình dân cảm thấy dịch vụ ví thân thiện và dễ xài.
Đó là lý do khiến một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng nhỏ lẻ đang có xu hướng thích sử dụng ví điện tử. Đơn giản chỉ vì kênh thanh toán này siêu nhanh, chỉ với vài thao tác trên điện thoại và siêu tiện lợi khi có thể thanh toán tại bất cứ nơi nào có Internet, thông tin giao dịch được hiển thị rõ ràng trên ứng dụng. Nhờ đó, dù không cần ra ngoài nhưng chị vẫn chủ động giải quyết được các giao dịch cần thiết mà không mất phí. Không chỉ vậy, như đã nói ở trên, trong hoạt động mua sắm, ăn uống hay nạp tiền vào điện thoại, các công ty ví đẩy mạnh việc thực hiện chương trình ưu đãi giảm giá, chiết khấu… giúp người sử dụng tiết kiệm được một khoản chi phí trong sinh hoạt hàng ngày khiến họ “mê tít” dịch vụ này.
Dễ xài nhưng cũng phải đề phòng
Cũng vì quá tiện ích mà mới đây, trên mạng xã hội có cả một Hội yêu thích Ví được thành lập và tổ chức họp offline với nhau. Theo chia sẻ của bạn Thanh Vy (Củ Chi), nhóm được thành lập với tiêu chí chia sẻ trải nghiệm khi sử dụng ví điện tử trong việc buôn bán online của các công ty khác nhau để lựa chọn ví nào tiện ích nhất.
Cũng theo Thanh Vy, hội đã có trên 1.000 thành viên, phần lớn đều đã xác lập thói quen là xem các trang mua bán trên mạng và tìm cho mình món hàng ưng ý thay vì phải đến trực tiếp cửa hàng để mua. Chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản trên ứng dụng, người bán lập tức nhận được tiền và sẵn sàng giao hàng. Đương nhiên, khách hàng cũng có thể chuyển tiền nhanh qua Internet Banking hay Mobile Banking nhưng sử dụng ví điện tử hạn chế được rủi ro mất cắp thông tin tài khoản người dùng.
Quả vậy, khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử, nếu sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán, khách hàng phải cung cấp các thông tin về thẻ cho website. Điều này dễ gây rò rỉ thông tin. Trong khi đó, nếu thanh toán qua lớp ví, tài khoản ngân hàng của người mua cũng không bị bên bán biết được. Đây chính là ưu điểm mà ví đang ngày càng được giới trẻ ưa chuộng.
Tuy nhiên, cũng như các giao dịch điện tử khác, rủi ro lớn nhất đối với ví điện tử là vấn đề bảo mật thông tin. Theo đó, khách hàng có thể gặp rủi ro lộ thông tin tài khoản, cũng như rủi ro từ giao dịch không có mã xác nhận OTP. Còn nhớ cách đây không lâu, có một khảo sát do trang Points tiến hành trên 1.500 người dùng tại Mỹ đã chỉ ra “mặt tối” của thanh toán điện tử trên smartphone. Cụ thể, mỗi ví tuy hệ điều hành tích hợp ví điện tử có bảo mật đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu những dịch vụ bên ngoài mà người dùng đang sử dụng kém bảo mật thì tất cả cũng chỉ là con số 0.
Thí dụ như một người chấp nhận dùng cả hai hay ba chiếc ví trên một smartphone, lúc này số tiền của người đó như đang bị chia năm xẻ bảy, được quản lý bởi nhiều nguồn khác nhau và khi sự cố xảy ra thì thật khó để quy trách nhiệm cho một bên cụ thể.
- Xem thêm: Thanh toán điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam với số lượng giao dịch thẻ Visa tăng đến 45%
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng công cụ thanh toán này, người dùng không nên chia sẻ thông tin tài khoản của mình cho người khác, và không đăng nhập vào tài khoản bằng wifi công cộng. Bên cạnh đó, không nên dùng chung một tài khoản để thanh toán nhiều dịch vụ khác nhau vì rủi ro để tin tặc tấn công bạn sẽ cao hơn. Đối với các thiết bị dùng để sử dụng ví điện tử như điện thoại di động hay máy tính xách tay, hãy cài đặt phần mềm chống virus. Ngoài ra, cũng như bất kỳ tài khoản nào khác của bạn, nên thay đổi mật khẩu ít nhất 3 tháng/lần và bảo đảm mật khẩu có số, có chữ, có những ký tự để tăng độ bảo mật.