Một bộ óc điện tử, một tư duy phản biện, một tính cách quá độc lập, một trái tim nghệ sĩ… anh Lê Văn Chính – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt (VITEK VTB), luôn làm cho người khác phải ngạc nhiên bởi ẩn chứa đằng sau giọng nói từ tốn, phong thái bình dị là một bản lĩnh cứng như thép, đến độ đôi khi bị cho là lập dị, bất thường, luôn thích nói ngược, đi ngược, làm ngược. Nhưng chính sự cực đoan ấy đã làm nên sức sáng tạo của anh, và cũng làm nên hiệu quả của VITEK VTB.
Khi người ta ra sức quảng bá máy tính, xe máy, xe hơi “thương hiệu Việt”, thì anh đặt ngược lại vấn đề, liệu trong ấy có bao nhiêu hàm lượng chất xám là của Việt Nam? Và âm thầm chuẩn bị cuộc chuyển giao kiến thức cho một thế hệ trẻ của công ty mình, để làm cho sản phẩm mềm dẻo hơn, thông minh hơn, để cơ may xuất khẩu bắt đầu hé lộ. Trong công ty anh, đi đến đâu cũng bắt gặp những slogan ấn tượng, kiểu như: “Chúng tôi trả lương để nghĩ về cái mới”, “Chúng tôi khuyến khích tranh luận, khuyến khích những ý kiến khác nhau”… Tìm mãi vẫn không ra “phòng giám đốc”, mà chỉ có một tấm biển nhỏ trước phòng làm việc của anh: “Phòng suy nghĩ”. Ước mơ của anh là làm sao tạo được một đến hai trung tâm điện tử ở Việt Nam, để có thể bán công nghệ, bán tri thức, chứ không phải là người… đi buôn.
Trong các cuộc vui với bạn bè, anh bao giờ cũng là người thuộc nhiều bài hát nhất của Trịnh Công Sơn. Anh còn có nhiều đam mê khác như nhiếp ảnh, và là một trong những người khởi xướng và tham gia tích cực vào Quỹ Giảm đau của báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Gặp anh vào đúng dịp cả nước đang náo nức đón chào Ngày doanh nhân Việt đầu tiên, câu chuyện của chúng tôi vô tình cứ xoáy vào những ưu tư chất chứa từ lâu trong anh về hai chữ doanh nhân.
____
Anh nghĩ thế nào về doanh nhân và tương quan giữa doanh nhân với các tầng lớp khác trong xã hội?
Theo tôi, nên hiểu giản dị doanh nhân là lớp người chuyên chú việc kiếm tiền. Dĩ nhiên muốn kiếm nhiều tiền thì phải mưu tính, táo bạo và sòng phẳng trong các mối giao thương. Một nhà sử học chẳng hạn, khi mua một món đồ có thể không suy tính nhiều chuyện giá cao giá thấp, thích thì mua nhưng doanh nhân thì bị thói quen mặc cả, luôn luôn tìm cách mua vào thật rẻ và bán ra thật cao để có nhiều lợi nhuận. Bi kịch của hầu hết doanh nhân là luôn luôn bị ám ảnh bởi lợi nhuận.
____
Có phải đôi khi quá chạy theo lợi nhuận, họ vấp ngã và trượt dốc?
Cũng như mọi tầng lớp khác trong xã hội, nơi nào cũng có người tốt người xấu. Doanh nhân tốt sẽ làm ăn hợp pháp, đóng thuế đầy đủ cho chính quyền để chính quyền có ngân quỹ lo cho các nhu cầu xã hội. Doanh nhân xấu sẽ tìm cách len lỏi trốn thuế, đầu cơ tích trữ để mưu lợi bất chính. Thời buổi nhiễu nhương thì loại xấu nhiều hơn loại tốt, thời kỳ thịnh trị, pháp quyền vững mạnh thì loại tốt nhiều hơn loại xấu. Bi kịch của doanh nhân là xã hội thường hiểu sai về họ, khi thì quá đà ở thái cực này, khi lại rơi vào sự cực đoan khác.
Xã hội phong kiến Việt Nam đã xếp loại Sĩ – Nông – Công – Thương, thứ tự nghiệt ngã này có lẽ đã tồn tại trên cả ngàn năm. Các cụ ngày xưa bị chi phối bởi tư tưởng Khổng Mạnh nên rất coi thường các vấn đề thực dụng mà ưa đề cao sự phù phiếm. Sứ thần nước Việt đi sứ bên Tàu còn dám xé bức tranh chim sẻ đậu cành trúc vì cho rằng biểu tượng người quân tử là cành trúc bị hình tượng kẻ tiểu nhân chim sẻ xúc phạm. Cuối thế kỷ XIX, vua quan triều Nguyễn từ chối bang giao với Pháp cũng bởi quá đề cao nền văn hóa thi phú (và cũng phi thực tế) của Việt Nam.
Các cuộc thi chọn người tài ra làm quan đều có tiêu chí khảo hạch năng lực văn chương thi phú chứ không phải kỹ năng tính toán, quản lý. Đó là một sai lầm cực đoan nhưng dẫu sao thì thứ tự sĩ – nông – công – thương cũng cho thấy cái khí phách xem thường kẻ lắm tiền nhiều của và đề cao tri thức của truyền thống Việt Nam. Vội vã sắp xếp lại thứ tự này là điều cần cân nhắc. Ông bố có 10 người con làm nhiều nghề khác nhau hãy cố gắng mà thương yêu cho đồng đều, đừng trọng vọng đứa đi buôn kiếm tiền về gia đình mà coi khinh đứa con tối ngày ngồi trong viện nghiên cứu.
Khi thoát khỏi quan điểm phong kiến, doanh nhân lại bị hiểu như những kẻ “người bóc lột người”. Tôi còn nhớ tháng 9 năm 1975, để thúc đẩy công cuộc cải tạo công thương nghiệp tại Thừa Thiên – Huế, người ta cho kẻ lên tường chợ Đông Ba câu khẩu hiệu rất cực đoan “Con bò còn có cục u, những người buôn bán còn ngu hơn bò”. Nền kinh tế kế hoạch đã hành hạ doanh nhân biết bao nhiêu. Thật tội nghiệp cho doanh nhân! Và người ta đã xử sự với doanh nhân như thế từ thái cực này sang thái cực khác.
____
Đã qua rồi cái thời ấu trĩ ấy. Bây giờ đã có một ngày Doanh nhân như một sự tôn vinh họ.
Ngày nay, chúng ta đã có ngày doanh nhân để tìm lại sự công bằng xã hội khi nhìn về người doanh nhân. Điều này cũng tốt nhưng có gì đó không ổn nếu xã hội đột nhiên tôn vinh người kiếm tiền. Chúng ta còn chưa có ngày Trí thức Việt Nam, ngày Mẹ Việt Nam, ngày Người cha Việt Nam… Tầm tri thức của dân tộc nói lên sự phát triển bền vững của dân tộc đó. Một ngôi làng toàn những người chạy chợ kiếm tiền có thể đủ cơm no áo ấm nhưng về tương lai chưa chắc hơn một ngôi làng toàn người chăm chỉ học hành.
Hầu hết doanh nhân chỉ muốn được yên ổn để làm ăn. Khinh mạt hay tung hê doanh nhân đều làm khổ cho họ cả. Hãy để cho họ được yên.
Một guồng máy công quyền trong sạch và hiệu lực là môi trường tốt để mọi công dân đều phải phấn đấu và đất nước trở nên giàu mạnh.
____
Nhiều người cho rằng: “Dân giàu thì nước mạnh, doanh nhân giàu thì đất nước mới giàu”. Anh có nghĩ như vậy hay không?
Không phải khuyến khích mọi người làm giàu thì sẽ có nhiều người giàu. Thành ngữ “dân giàu nước mạnh” có lẽ bị hiểu lầm ở đây. Cấu trúc của thành ngữ này tương đương với thành ngữ “vợ đẹp con ngoan”. Đó là sự chúc tụng cho một trạng thái hạnh phúc đề huề, vừa có vợ đẹp vừa có con ngoan chứ không phải hễ có vợ đẹp suy ra tất yếu sẽ con ngoan. Dân giàu không thể suy ra nước mạnh được.
Nhiều quốc gia dầu lửa hoặc có sự phân hóa giàu nghèo mà không “mạnh” trên trường quốc tế. Nước mạnh là một đất nước có một thể chế pháp luật chặt chẽ, mọi người bình đẳng làm ăn và quan trọng là được điều hành bởi một guồng máy công quyền trong sạch và hiệu lực. Một guồng máy quốc gia như vậy là môi trường tốt để mọi công dân đều phải phấn đấu và đất nước trở nên giàu mạnh.
____
Theo anh, một doanh nhân giỏi hiện nay cần có những tố chất gì?
Phải lanh lợi, nhất là vào thời buổi mà các thiết chế pháp luật chưa hoàn chỉnh như xã hội chúng ta bây giờ. Lịch sử các nước phát triển đã có hàng trăm năm kinh tế thị trường nên hệ thống pháp luật của họ rất hoàn thiện, do vậy doanh nhân xứ họ cần nhiều tri thức và tầm nhìn chiến lược. Còn ở xã hội chúng ta, quan hệ rộng rãi và tính cách lanh lợi là tố chất rất cần thiết. Mà không phải chỉ doanh nhân mới cần có những tố chất này, để làm một thị dân bình thường trong xã hội, tố chất lanh lợi và quảng giao vẫn hết sức cần thiết.
____
Anh vừa nói đến quảng giao, phải chăng nhậu nhẹt cũng là một biểu hiện của điều này?
Nhiều người nước ngoài thắc mắc tại sao nhà hàng quán ăn ở Việt Nam quá nhiều và rất đông khách. Ở xứ họ, năm thì mười họa mới có dịp ra nhà hàng ăn uống. Hãy quan sát một quán ăn hàng đêm, trong một trăm bàn tiệc ăn nhậu chỉ có chưa tới phân nửa là đối ẩm tri kỷ, còn lại là công việc, là giao tế cả đó. “Phải” đi nhậu nhiều hơn là “được” đi nhậu. Ăn uống không phải để thưởng thức mà để làm cái business của riêng mình.
Thiết chế xã hội không đầy đủ nên phải kéo nhau ra nhà hàng để giải quyết ngay cả những nhu cầu rất bình thường. Làm sao cho mẹ nằm bệnh viện được lên lịch mổ sớm? Làm sao nhập hộ khẩu cho thằng em vợ? Làm sao xin con đi học trường khác tuyến? Làm sao hợp thức hóa nhà? Tôi đã từng chứng kiến người bạn làm trong ngành khảo cổ phải mời khách đi nhậu. Thiếu vắng sự lanh lợi và lịch duyệt trong bàn nhậu, trông anh thật thảm thương.
Suốt đời chỉ nghiên cứu về các cổ tự, làm sao anh có thể lanh lợi như doanh nhân được? Tối về nhà xiểng niểng vì không quen uống bia, vợ chạy ra hỏi “Có được gì không anh?”, đáp “Ừ thì họ cũng có hứa…”. Nhà có ba chị em lấy ba người chồng ngành nghề khác nhau, người nào có được ông chồng “lanh lợi” thì nhờ vả, vô phúc có ông chồng chỉ làm công tác nghiên cứu, học thuật thì chì chiết, cảm thấy dở hơi, thua chị thua em.
Những doanh nhân tâm huyết cũng không thoát ngoài quy luật nghiệt ngã như vậy. Đừng thấy họ vào ra nhà hàng sang trọng mà nghĩ là họ sung sướng hưởng thụ. Tra tấn cả đấy. Người ta nói “rượu ngon mà thiếu bạn hiền” nhưng thà không có bạn ngồi một mình còn hơn ngồi chịu đựng giả lả. Những tiệc nhậu không tri kỷ là sự tra tấn dã man.
Bù đắp cho những thiệt thòi của một doanh nhân, tôi được tham dự vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng lý thú.
____
Doanh nhân khổ như vậy nhưng sao anh chọn làm doanh nhân?
Tôi đã không may. Tôi không may nên phải làm doanh nhân. Những năm trước, khi còn làm Phó Tổng Giám đốc cho một công ty nước ngoài thì đó là sự phân công. Làm chung với họ thấy nhiều chuyện bức xúc quá, nên bỏ ra làm riêng để cạnh tranh lại với họ. Cũng mong cho Việt Nam cũng có được ngành điện tử, cũng có thể cạnh tranh với ngoại quốc thay vì chỉ làm vùng trũng tiêu thụ, đổi bao nhiêu lúa gạo mồ hôi nước mắt mua về đồ tiêu dùng điện tử. Vậy là tôi dấn thân vào con đường kinh doanh với công ty Vitek.
Tôi vẫn ước mơ làm đúng theo ngành học của mình, một kỹ sư trong phòng nghiên cứu. Ước mơ đó đã trở thành quá xa rồi. Và từ lúc nào, tôi đã trở nên “lanh lợi” để chòi đạp với các đại gia ngoại quốc. Bù đắp cho những thiệt thòi của một doanh nhân, tôi được tham dự vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng lý thú. Đến một lúc nào đó, khi sản phẩm điện tử do người Việt Nam thiết kế đủ sức đối chọi với các thương hiệu nước ngoài, tôi lại sẽ nói với các đồng nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc rằng “Welcome to Vietnam!”.
____
Anh có thể nói rõ hơn về động cơ xô đẩy anh vào con đường doanh nhân?
Tôi suy tư nhiều về nỗi buồn. Đời người ta có nhiều chuyện, nhiều cái cớ để buồn lắm. Thất tình, thất bại trong kinh doanh… nhưng tôi đồng cảm với cụ Tú Xương là nỗi buồn vì thất bại trong những cuộc ứng tuyển là nỗi buồn lớn nhất. “Bụng buồn còn muốn nói năng chi. Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Tài giỏi như tiến sĩ, đi thi rớt vẫn rất buồn. Sắc nước hương trời, đi thi hoa hậu bị đánh rớt vào giờ cuối cũng rất buồn. Bởi khi đã tham gia vào các cuộc thi tuyển, người ứng thí đã phải dày công chuẩn bị nhiều lắm, đã khát khao hy vọng mong chờ nhiều lắm.
Thất vọng bất ngờ làm buồn nẫu cả ruột gan. Năm rồi chúng ta có hơn 30 ngàn cô gái nghèo đi lấy chồng Đài Loan, tính bình quân khoảng trăm cô mỗi ngày. Nếu cứ theo suy luận 3 người được coi mắt chọn được một người, thì hàng ngày sẽ có 200 cô gái nghèo bị từ chối. “Nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn”. Lúc chúng ta ngồi nơi đây nói chuyện thì mỗi ngày có 200 khuôn mặt thảm não thất vọng bước ra từ nơi tuyển vợ cho đàn ông Đài Loan. Các em đã phải vay tiền mấy trăm ngàn đi lên thành phố, áo quần phấn son, hồi hộp hy vọng và rồi thất vọng bước ra.
Hãy nhìn nét mặt thất vọng ê chề của các em để thấy nỗi nhục của công dân nước nghèo đè nặng như thế nào. Và mỗi ngày biết bao thanh niên nông thôn hí hửng khi được chọn đi lao động cơ bắp ở nước ngoài. Báo chí hàng ngày trên thế giới nói nhiều về giải mã gen người, về đưa người lên sao Hỏa sinh sống, về sinh sản vô tính trong khi chúng ta còn đang loay hoay với thành tích xóa đói giảm nghèo. Nỗi nhục của công dân nước nghèo đã lôi kéo tôi vào con đường kinh doanh.
____
Làm doanh nhân, anh có thấy mình như một người lính?
Tôi không hiểu lắm cách ví von này. Hồi còn làm chung với các đồng nghiệp Nhật Bản, họ hay cắc cớ hỏi tôi sao đất nước này hết chiến tranh gần 30 năm rồi mà xem trên báo thỉnh thoảng vấn nói về soldier, front, về chiến sĩ, mặt trận v.v… Tôi biết thừa họ muốn móc méo mình. Đó là những thuật ngữ ưa dùng khi nói về những thanh niên tình nguyện hoạt động xã hội.
Ở xứ họ hay dùng peace (hòa bình) để nói về các hoạt động bình thường trong cuộc sống, như green peace (hòa bình xanh), peace boat (con tàu hòa bình)… Còn ở xứ mình, không hiểu vì sao, có lẽ do thói quen chăng, hoạt động của các em thanh niên tình nguyện đi giúp đồng bào nghèo được gọi là “chiến dịch”, nơi các em làm việc thiện gọi là “mặt trận”, ngày bắt đầu đi gọi là “xuất quân”, bản thân các em là “chiến sĩ”. Bây giờ gọi doanh nhân là người lính, lại có cớ cho người nước ngoài nói cạnh khóe mình. Dân tộc Việt Nam vẫn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình mà.
Đối với các trường hợp nhân viên bỏ việc sau khi được đào tạo bằng kinh phí của công ty, Vitek sẽ xem đó như là một trường hợp bất nghĩa hơn là kiện cáo đòi lại tiền.
____
Trong phòng bán hàng công ty anh có ghi câu khẩu hiệu “Nếu không giữ được sự trong sáng và trung thực, bạn sẽ không còn thấy được vẻ đẹp hoàng hôn mỗi buổi chiều”, một cách răn đe nhân viên rất khó hiểu?
Từ lâu tôi đã điều hành công ty theo tinh thần hơn là theo vật chất. Ở phòng bán hàng là nơi dễ nảy sinh tiêu cực khi nắm giữ lượng tiền hàng và các khoản tài trợ, quảng cáo rất lớn. Đáng lẽ câu khẩu hiệu sẽ là “Nghiêm cấm tiêu cực, buộc thôi việc các trường hợp vi phạm”.
Ở đây, bên cạnh các biện pháp ngăn chặn và kiểm tra, tôi đặt nặng việc kêu gọi sự tự giác. Hình phạt sẽ là sự day dứt của lương tâm, đôi khi nặng nề hơn là biện pháp kinh tế. Cũng như đối với các trường hợp nhân viên bỏ việc sau khi được đào tạo bằng kinh phí của công ty, Vitek sẽ xem đó như là một trường hợp bất nghĩa hơn là kiện cáo đòi lại tiền.
____
Anh là người đọc nhiều sách, cuốn sách nào để lại ấn tượng nhiều nhất trong cuộc đời anh?
Có ba cuốn sách ảnh hưởng cả cuộc đời tôi. Đầu tiên là cuốn Hoàng tử bé của Saint Exupery suốt quãng đời trung học đã chi phối tôi. Rồi đến cuốn Câu chuyện của dòng sông của nhà văn Hermann Hess ám ảnh thời gian học đại học. Sau đó và mãi tận bây giờ là cuốn Nẻo về của ý.
Cuộc sống và công việc của tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ba cuốn sách đó. Thí dụ “what is the most important is invisible”, “điều quan trọng nhất con người không thể thấy được bằng mắt” trong Hoàng tử bé. Những giá trị tinh thần cao hơn nhiều giá trị vật chất. Lời hứa và nghĩa tình cao hơn tiền bạc rất nhiều.
____
Anh quan niệm thế nào về cách đánh giá một con người?
Những chuẩn mực để căn cứ vào đánh giá một con người thì tôi chia làm bốn loại. Loại thấp nhất, đứng hàng thứ tư từ trên xuống là các tiêu chuẩn về ngoại hình và kỹ năng. Đây là những yếu tố bẩm sinh mà con người khó chi phối nhất. Có người sinh ra đã tài hoa, lanh lợi, đánh đàn hay, vẽ đẹp, hát hay, đủ thứ năng khiếu v.v… hoặc có người sinh ra đã có nhan sắc tuyệt trần. Loại người này được xếp vào hàng thứ tư.
Cao hơn là nấc thang kế tiếp, đứng thứ ba từ trên xuống là những người có kiến thức uyên thâm, học giả, thông kim bác cổ. Xếp trên nhóm này là nhóm đứng nhì, đó là những nhà tư tưởng, có nhân sinh quan, lẽ sống, biết được quy luật của cuộc sống. Còn xếp hàng đầu, cao quý nhất đối với tôi là những nguời có tâm hồn, biết rung động, yêu thương, biết khóc. Không cần nhan sắc hay kỹ năng, không cần thông thái, không cần tư tưởng, đối với tôi những rung động của tâm hồn là điều cao đẹp nhất.
____
Vậy thì anh tự xếp mình vào hạng thứ mấy?
Hạng tư.