Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã phải dời đi dời lại rất nhiều lần vì BS. Trần Đông A – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, liên tiếp phải thực hiện những ca phẫu thuật hiểm nghèo. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng anh đầy lo âu: “Vừa có một cặp song sinh dính nhau nặng ba ký hai ra đời, nhưng sức khỏe rất yếu. Suốt đêm qua tôi thức trắng theo dõi diễn tiến của hai cháu, sáng nay, các cháu đã sống rồi, hiện đang ở bên tôi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nếu hai cháu khỏe mạnh, sau một năm sẽ tiến hành phẫu thuật. Cuộc đời tôi luôn đầy bất trắc như thế đấy, rất hay lỡ hẹn với bạn bè, nhưng là để không bao giờ lỡ hẹn với trẻ thơ. Tôi muốn dành những gì tốt nhất cho các cháu”.
Buổi sáng, khuôn viên bệnh viện tràn ngập màu xanh của cỏ cây và những làn gió trong lành. Trước cửa phòng anh, một chiếc xe hơi nhỏ được mua rẻ nhờ người chủ bị thua độ bóng đá mùa Euro vừa qua. Anh muốn mua xe bằng chính đồng tiền của mình, và thích một mình tự lái. Anh tiếp tôi ngay tại phòng làm việc toàn sách.
Bác sĩ Trần Đông A không khác nhiều lắm so với hình ảnh về ca mổ Việt- Đức ngày nào. Vẫn gương mặt gầy gò khắc khổ, lối trò chuyện cởi mở, ào ạt, bầu nhiệt huyết lúc nào cũng bừng bừng, phảng phất nét tự tin, khoáng hoạt của một nhà khoa học. Anh cho tôi xem chiếc máy điện thoại hiện đại kết hợp vi tính đã nối anh với thế giới qua một màn hình nhỏ…
____
Thưa anh, lý do nào đã khiến một cậu bé nghèo, từng phải nhịn đói, xuất thân là một chàng thợ nguội, lại trở thành một bác sĩ phẫu thuật tầm cỡ?
Gia đình tôi có tám người con, sống chui rúc dưới chân cầu Sắt Đa Kao – Thị Nghè. Là con trai thứ tư, vừa học xong lớp bảy tôi đã phải thi vào làm thợ nguội ở Trường Thực nghiệm Học đường, với ước mong nhỏ nhoi sớm được phụ giúp gia đình. Thấy tôi học giỏi, nhưng quá nhỏ con, khó theo đuổi cái nghề nặng nhọc, nên thầy hiệu trưởng khuyên ba tôi cố gắng cho tôi đi học lại. Tôi đỗ tú tài toán, và đứng đầu danh sách được cấp học bổng Colombo du học tại Canada.
Nhưng đúng lúc ấy người ta phát hiện chú ruột và hai người chị ruột tôi đều tham gia kháng chiến và là đảng viên cộng sản, nên không cho tôi đi. Ngày ngậm ngùi nhìn các bạn mình đáp máy bay vút đi trong trời mưa tầm tã, tôi nghĩ phải quyết tâm vươn lên bằng chính sức mình. Chính cái “rủi” này lại đẩy tôi đến quyết định thi vào y khoa. Cuộc đời kỳ lạ thế đấy, trong những hoàn cảnh tưởng chừng tuyệt vọng đôi khi lại là điều may cho những ai còn nghị lực. Tính cách con người quyết định số phận của mình, chứ không phải là hoàn cảnh.
Nguyên nhân sâu xa khiến tôi chọn ngành y chính là mẹ. Như bao bà mẹ Việt Nam khác, mẹ tôi văn hóa chỉ hết lớp ba, nhưng tình thương con thì vô hạn, bà luôn nhắc nhở tôi: “Chỉ có học và học mới là con đường thoát khỏi sự nghèo hèn”. Bà không nề hà vất vả, năn nỉ vay mượn khắp nơi cho anh em tôi được đến trường.
Đến khi tôi thi tú tài thì mẹ kiệt sức, mang đủ thứ bệnh: suyễn, cao huyết áp và lao. Gia đình quá nghèo, chỉ còn cách đưa mẹ đến nhà thương thí. Mỗi chiều, tôi dắt mẹ đi xếp hàng rồng rắn để chỉ gặp những gương mặt bác sĩ lạnh lùng, hà tiện từng lời nói, và vài viên thuốc cho có lệ. Tôi đã quyết phải trở thành bác sĩ để cứu chữa cho mẹ, và nguyện không bao giờ thờ ơ trước nỗi đau của người nghèo… Nhưng khi tôi ra trường, thì mẹ tôi đã qua đời…
____
Một thiếu tá quân y của chế độ cũ, từng bị đi học tập cải tạo, lại trở thành một đại biểu Quốc hội, bước đường hội nhập vào xã hội mới của một con người như anh cũng lắm gai góc và biết bao trăn trở?
Đây cũng là câu hỏi mà một nhà báo nước ngoài đã từng hỏi tôi. Cơn lốc lịch sử ấy đã diễn ra với nhiều người, không chỉ riêng tôi. Tôi đã trải qua hai năm ở trại học tập cải tạo, từng bị gãy vai vì đi chặt cây tưởng chừng không còn cầm được dao mổ.
Trải qua bao cơn sóng dữ của xã hội, của cuộc sống, chao đảo trong điều kiện làm việc thiếu thốn, thái độ thiếu thông cảm của không ít đồng nghiệp… đã có lần khiến tôi mất phương hướng. Nhưng bên tai tôi luôn văng vẳng tiếng khóc của trẻ thơ, những đôi mắt tuyệt vọng của người cha, người mẹ… Lòng tự trọng được nhân lên, tôi lao vào nghiên cứu miệt mài, quên cả thời gian, giờ giấc. Tôi bắt đầu tìm lại tình yêu với cuộc sống, khoa học… bằng chính công việc của mình.
Tôi chấp nhận cực nhọc, vì muốn thành công, phải dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.
____
Là một trong 22 người được Tổng thống Pháp phong tặng danh hiệu Giáo sư các đại học y khoa Pháp năm 1994, Giải thưởng “Phụng sự nhân loại” do thành tích phục vụ trẻ em bị dị tật bẩm sinh, anh còn là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York (Mỹ) và thành viên quốc tế của Hiệp hội Các nhà Khoa học cao cấp Mỹ… Lý lịch nghề nghiệp như vậy quả là đáng tự hào, nhưng chắc hẳn anh chưa quên cảm giác và ấn tượng về ca mổ Việt-Đức khi anh làm trưởng kíp mổ cùng với hàng chục bác sĩ tài năng khác?
Giới quản lý khoa học ngày nay khi đánh giá thành tích một cá nhân hay tập thể thường dựa vào các tiêu chuẩn khoa học của một ngành mới gọi là Evaluation và Accréditation, trong đó nhấn mạnh khâu thành tích đó phải lặp đi lặp lại nhiều lần.
Tôi được trao giải Phụng sự nhân loại do ca mổ Việt-Đức đã được phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới, chẳng những trong giới chuyên môn mà trên cả các phương tiện truyền thông. Nhờ kỹ thuật truyền hình Nhật Bản thông qua vệ tinh Hoa sen, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đầu tiên sử dụng kỹ thuật Telemedecine ngay từ tháng 10-1988.
Lý do thứ hai là ca mổ đã được thực hiện với kỷ lục về thời gian (15 giờ), và thời gian này được dự kiến chính xác từ trước khi mổ. Đồng thời là sự chính xác về kỹ thuật mổ, đặc biệt là với các bộ phận sinh dục và hậu môn. Những bộ phận này chỉ có một và chung cho cả hai cháu, được kiểm soát bởi hai hệ thần kinh riêng biệt, do tình trạng liệt não của cháu Việt, đã được dành toàn bộ cho cháu Đức. Việc cháu Đức sinh hoạt hoàn toàn bình thường như hiện nay là một trong các yếu tố được y giới quốc tế đánh giá cao, nhất là trong điều kiện cực kỳ khó khăn về mọi mặt.
Hình ảnh về ca mổ trong bộ phim nói về chuyển biến của Việt Nam của đạo diễn kiêm diễn viên Tiana Alexandra đã được Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry, nay là ứng viên tổng thống Mỹ, đem chiếu tại Thượng nghị viện Mỹ trước cuộc họp lịch sử bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam vào chín năm trước đây (1995)… Việt-Đức là một phần trong cuộc sống của tôi, một cuộc sống đầy khắc nghiệt và lắm thử thách.
Bên cạnh đó, tôi cũng có các công trình khác đã báo cáo trong và ngoài nước như: Bệnh Hirschsprung, U nang ống mật chủ, Lồng ruột trẻ em, Viêm ruột hoại tử… và mới đây nhất là Dị dạng phổi trẻ em (2004). Phần lớn các công trình này đều báo cáo các kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị mới chưa hề được đề cập trong y văn.
____
Tình cảm của anh như thế nào đối với trẻ em? Có bao giờ anh cảm thấy bất lực khi không thực hiện được như mình mong muốn cho các em?
Tôi chọn ngành phẫu thuật nhi làm chuyên môn khi ngành này còn chưa có chỗ đứng ở Việt Nam, tương lai còn mờ mịt. Tôi chọn ngành này vì thấy trẻ em Việt Nam rất tội nghiệp, phần lớn tật bệnh nhiều, nhưng do trình độ y khoa lúc đó còn hạn chế nên tử vong rất cao. Tôi nghĩ đó là mảnh đất mà tôi có thể góp phần nghiên cứu và phát triển được. Tôi chấp nhận cực nhọc, vì muốn thành công, phải dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.
Ngoài ra không sợ bị “cạnh tranh” của mấy người “con ông cháu cha” mà thời nào cũng có. Về kỷ niệm buồn thì cho đến bây giờ, tôi vẫn còn buồn mãi vì ca mổ tái tạo lồng ngực và trung thất cho một em bé vài tháng tuổi cách đây khoảng 11 năm. Kết quả mổ rất khả quan, nhưng đang cho thở máy thì bị cúp điện. Lúc đó bệnh viện chưa có máy phát điện riêng, nên phải vội vàng đưa cháu bé đến một bệnh viện khác không bị cúp điện. Đến nơi thì em bé đã chết. Trong những năm khó khăn ấy, sự cố cúp điện khi đang mổ không chỉ xảy ra một lần, đó là nỗi ám ảnh của chúng tôi.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, một người lớn có thể được điều trị an toàn như một đứa trẻ, nhưng làm điều ngược lại là thảm họa.
____
Theo anh, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa y học Việt Nam và thế giới về nhi khoa?
Càng làm, tôi nhận ra trẻ em là một thế giới riêng biệt mà tôi thích khám phá. Cứu được một cháu bé đang bị bệnh thập tử nhất sinh là cứu được cả một cuộc đời dài sáu, bảy chục năm hoặc hơn nữa với tất cả những ý nghĩa của nó, mà không chuyên khoa nào của y khoa làm được. Riêng phẫu thuật nhi, càng phải rèn luyện sự khéo léo, bởi cơ thể trẻ, mô của trẻ rất dễ bị rách và đưa tới hậu quả khó lường. Muốn điều trị thành công cho một cháu bé, trước hết phải thuyết phục cha mẹ, thuyết phục các cháu, sau cùng mới là điều trị. Phải kiên nhẫn và mất nhiều thời gian, có lòng yêu thích trẻ thật sự mới có thể làm được.
Thế giới đã tiến tới “phẫu thuật qua thực tế ảo”, mà đỉnh cao là ca mổ thực hiện với kíp mổ của Marescaux ở Mount Sinai-New York, còn bệnh nhân thì ở cách xa gần 7.000km, tại Strasbourg – Pháp. Đó là phẫu thuật của thế kỷ XXI. Còn chúng ta vẫn loay hoay với những phẫu thuật kiểu cũ. Không phải chúng ta không làm được, điều đó nằm trong tầm tay, nếu chúng ta cập nhật hóa được kiến thức đồng thời với việc đề ra được các chính sách phù hợp.
Thực tế là mười lăm năm qua, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt trong hình ảnh học, chẩn đoán, điều trị, nhưng sự tiến triển ấy không đồng bộ. Có nhiều ca mổ dị tật bẩm sinh, tách đôi song sinh dính nhau ngang tầm thế giới, nhưng ít người nghĩ đến một chiến lược giải quyết tận gốc trong khi tỷ lệ dị tật trẻ em Việt Nam cao hơn gấp 10 lần ở Mỹ. Chúng ta vẫn nói: “Trẻ em là tương lai của đất nước”. Quốc hội cũng vừa mới thông qua “luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em” mới, thế nhưng cho đến nay ngành phẫu thuật nhi vẫn chưa chính thức có chỗ đứng ở Việt Nam, chưa có chuyên khoa đào tạo. Ở nhiều bệnh viện, người ta vẫn thường phẫu thuật cho trẻ em bằng phương pháp học được ở người lớn. Khoa học đã khẳng định: Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, một người lớn có thể được điều trị an toàn như một đứa trẻ, nhưng làm điều ngược lại là thảm họa.
____
Vì sao quá bận rộn như vậy anh vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, từ thiện? Một chính khách có bao giờ mâu thuẫn với nhà khoa học trong anh?
Thực ra chính vì có ước muốn là một nhà khoa học đúng nghĩa trong lĩnh vực y khoa, đặc biệt là nhi khoa, mà tôi tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tôi rất vinh dự được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội. Ngày nay, người ta định nghĩa sức khỏe không phải chỉ là sức mạnh của cơ bắp mà là sự hài hòa giữa thể chất, tinh thần và môi trường xung quanh. Không thể có sức khỏe, không thể điều trị hiệu quả nếu không đi từ gốc: Cải thiện môi trường.
Vì thế ưu tiên hàng đầu của tôi và các nhà khoa học chính là cùng các ngành và các địa phương đề ra các biện pháp cải thiện, khắc phục hiện tượng ô nhiễm môi trường. Làm thế nào để có thể có được những biện pháp đồng bộ như vậy nếu không có được luật bảo vệ môi trường trong tình hình mới? Mà luật thì phải do Quốc hội ban hành và các đại biểu Quốc hội đề xuất. Đó chính là lý do khiến tôi cùng với đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tích cực tham gia hoạt động giám sát việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua.
____
Có phải vì vợ anh là một nhà kinh doanh giỏi nên anh không mở phòng mạch tư tại nhà? Có bao giờ anh phải đối mặt với đồng tiền mà không có lối thoát?
Đúng là tôi có một “nội tướng” rất đảm đang. Khi lập gia đình, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, phải thuê nhà để ở, khi có con phải nhờ ông bà ngoại giữ giùm. Vợ tôi xuất thân là một thợ thủ công, rất có khiếu về nghệ thuật, tự tin, sẵn sàng vượt khó trong mọi hoàn cảnh, luôn vui vẻ và thông cảm, hiểu lý tưởng của tôi, giúp tôi hết lòng hết sức phục vụ những bệnh nhi nghèo bất hạnh. Chúng tôi lại không có nhu cầu gì nhiều nên ít bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, cho dù có lúc phải bán đồ đạc trong nhà để nuôi con. Lúc con đi học nước ngoài đã phải vay mượn, cầm cố tài sản.
Tôi nhất định không sống theo may rủi, tình cờ, ngày nào biết ngày ấy.
____
Anh thường thức dậy rất sớm để đến bệnh viện và trở về rất trễ, một ngày của anh trôi qua như thế nào? Anh thu xếp cuộc sống cá nhân, gia đình và công việc ra sao?
Từ lâu tôi tự tập thói quen “Ngủ sớm, dậy sớm, làm việc sớm”. Đến sớm để khám kỹ bệnh nhân trước khi mổ, dù là vào phút chót, để có kế hoạch điều trị tối ưu và đề phòng biến chứng. Còn về trễ để theo dõi kỹ bệnh nhân sau khi mổ, phát hiện kịp thời các biến chứng có thể mà chỉ người mổ trực tiếp mới biết, nhất là khi áp dụng các kỹ thuật mới.
Tôi thường bắt đầu một ngày vào lúc ba giờ sáng, truy cập Internet, 5 giờ sáng tập thể dục và chơi quần vợt mỗi ngày, sau đó đến bệnh viện. Các con tôi nay đã lớn, đều đi học ở nước ngoài, cũng phải vừa làm, vừa học. Tôi muốn các cháu ý thức được việc kiếm sống vất vả thế nào, để có thể thành công trong những hoàn cảnh khó khăn, đồng thời ý thức được giá trị của lao động cũng như cái giá phải trả để có được kiến thức.
____
Có lần thấy anh xuất hiện trong một mẫu quảng cáo cho một hãng xe, bạn bè rất ngạc nhiên. Vì sao anh nhận lời làm “diễn viên quảng cáo”?
Đúng là có lúc tôi đã nhận xuất hiện quảng cáo cho xe Honda Super Dream. Đó là chiếc xe lắp ráp tại Việt Nam mà tôi thực sự thấy tốt. Chúng ta lúc đó đang hô hào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, tại sao không bằng hành động? Nhưng lý do sâu xa là tôi cần tiền để chuyển vào Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng do báo SGGP tổ chức, với mục đích giúp đỡ các sinh viên y khoa nghèo, hiếu học thành tài.
____
Là người đã có trên 50 công trình nghiên cứu khoa học, 36 năm cầm dao mổ, anh đã cho phép mình được nghỉ ngơi?
Tôi chưa cho phép mình nghỉ ngơi, tôi sống có mục đích, lý tưởng, biết gò mình theo kỷ cương và luôn hy vọng. Tôi nhất định không sống theo may rủi, tình cờ, ngày nào biết ngày ấy. Mọi người ai cũng vậy, tạo hóa đều cho cùng một số vốn: 24 giờ trong một ngày, muốn thành công trong lĩnh vực của mình, phải biết sử dụng hiệu quả số vốn ấy.