Tuyển tập truyện ngắn thiếu nhi nổi tiếng Chistyi Dor của Yury Koval gồm 22 truyện ngắn về cuộc sống nhiều sắc màu thú vị, ngộ nghĩnh của những đứa trẻ trong ngôi làng nhỏ Chistyi Dor (địa danh có thật ở tỉnh Vologda, tây bắc nước Nga).
Dọc đường rừng
Mặt trời nướng nóng đã mấy tuần.
Đường rừng khô khốc và trắng bợt vì bụi.
Trong các đường mương, nơi trước đây từng là những vũng nước sâu, đất nứt ra và những vết rạn phủ lên nó một mạng lưới dầy đặc. Ở đó, tại những đường mương, những chú ếch khô nhỏ thó nhảy nhót.
Từ xa tôi đã thấy: ở một cái rãnh ven đường, trong các bụi mâm xôi thấp thoáng một chiếc khăn trùm trắng. Một cụ bà nhỏ con đang tìm gì đó trong đám cỏ.
– Bà không mất cây kim đó chứ? – tôi vừa đùa vừa tiến lại gần.
– Cái rìu, cậu ạ. Hôm qua tôi giấu nó, rồi quên mất là để ở bụi nào.
Tôi mò mẫm trong các bụi mâm xôi. Từ những cành nâu xù xì, từ những chiếc lá héo khô bụi trút xuống. Chiếc rìu lóe sáng trong bóng tối của những bụi cây như con cá nước sâu.
– Đây rồi! Cụ già mừng rỡ. – Vậy mà tôi tưởng người rừng mang đi rồi.
– Người rừng nào?
– Người sống trong rừng. Một người ghê sợ – mắt to lồi như mắt bò.
– Rồi sao nữa?
– Râu xanh. Bà lão xác nhận, lốm đốm.
– Vậy bà thì sao, bà gặp người rừng chưa?
– Gặp rồi, cậu à, tôi đã gặp. Ông ta vào cửa hàng chúng tôi mua đường.
– Ông ta lấy tiền ở đâu ra?
– Ông ta làm ra nó – bà già đáp và rời khỏi con đường. Cái khăn trùm của bà lập tức biến mất trong cỏ cao và chỉ lấp ló dưới những tán thông.
– Vậy đó, vậy đó… Tôi nghĩ ngợi, tiếp tục rảo bước. Người rừng ấy là ai, mắt lồi to như mắt bò.
Dù đang là trưa nắng, trời vẫn tối dưới những tán thông. Ở một nơi nào đó trong bóng tối này, cách xa con đường, người rừng có lẽ đang ngồi.
Đột nhiên rừng kết thúc, trước mắt tôi là cánh đồng rộng lớn tựa cái hồ tròn trĩnh. Chính giữa nó là một ngôi làng, như ốc đảo.
Những cơn sóng sơn dầu màu xanh lang thang khắp cánh đồng. Đó là lanh nở hoa. Một vòm nhà thờ cao tít trời tựa vào những ngọn cây bao bọc cánh đồng từ khắp phía.
Tôi ngắm ngôi làng, không biết nó tên gì, và đương nhiên là không hề nghĩ mình sẽ sống ở đây, sẽ gặp lại bà cụ trong chiếc khăn trùm trắng lần nữa, thậm chí cả người rừng.
Christyi Dor
Đường rừng chạy qua cánh đồng – trở thành đường đồng. Đường chạy đến làng – biến thành đường làng.
Dọc hai bên đường là những ngôi nhà cao, kiên cố. Mái của chúng được phủ bởi những tấm lợp bằng lá cây dương. Trên một số nhà, những tấm lợp theo gió và thời gian ngã bạc, ở một số nhà khác chúng còn mới, vàng ánh dưới mặt trời.
Trong khi tôi đi tới cái giếng gàu, mọi người từ các cửa sổ con đổ xô nhìn tôi, kiểu như người đang đi đó, là ai vậy nhỉ?
Tôi vấp, và nghĩ chắc ở mọi cửa sổ người ta đang cười, nhưng hóa ra mọi người vẫn nghiêm nghị sau các tấm kính.
Uống nước xong, tôi ngồi xuống một khúc gỗ bên giếng.
Cửa sổ trong ngôi nhà đối diện mở ra. Một phụ nữ nhìn tôi và nói vói vào trong phòng:
– Cậu ta uống nước rồi ngồi xuống.
Rồi cánh cửa sổ lại đóng.
Có hai chú ngỗng lân la lại gần, như muốn trò chuyện, nhưng không dám: người lạ này là ai thế nhỉ?
Bỗng nhiên tôi lại thấy cụ bà, chính là người tìm cái rìu trong rừng, đang đi trên đường. Giờ thì bà đang kéo theo một cây sào bạch dương dài.
– Bà để cháu giúp cho.
– Có phải cậu là người giúp tôi tìm thấy cái rìu không?
– Cháu đấy.
– Vậy mà tôi đã tưởng có phải người rừng lấy đi rồi?
Tôi cầm cây sào bạch dương và kéo lê nó đi theo bà cụ.
Đến một ngôi nhà có năm cửa sổ, một cửa sổ bật mở, và một cái đầu bờm xờm thò ra từ sau một chậu chanh.
– Bà Pantelevna, chàng trai đó là ai thế? – cái đầu hỏi.
– Người quen của tôi, bà Pantelevna đáp. Cậu ta đã tìm ra chiếc rìu.
Chúng tôi đi thêm một chút. Tất cả mọi người mà chúng tôi gặp đều ngạc nhiên: bà Pantelevna đang đi với ai đó nhỉ?
Một phụ nữ nào đó hỏi vói ra từ trong vườn:
– Có phải cháu bà từ Oliyushin không?
– Cháu tôi!, bà Pantelevna đáp vọng vào – Cậu ta tìm giúp tôi chiếc rìu.
Đến đây tôi rất ngạc nhiên vì trở thành cháu của bà, nhưng tôi không để lộ gì mà chỉ im lặng theo chân bà Pantelevna.
Chúng tôi lại gặp một phụ nữ khác đang bồng con trên tay.
– Ai mang cây bạch dương đến kia? Bà ta hỏi.
– Cháu tôi đấy, Pantelevna đáp. Nó giúp tôi tìm thấy chiếc rìu, vậy mà tôi cứ tưởng: phải chăng người rừng lấy đi rồi?
Cứ thế, trong khi chúng tôi đi dọc theo làng, Pantelevna đã nói với tất cả mọi người tôi là cháu của bà, và kể về chuyện cái rìu.
– Và giờ thì cậu ta giúp mang cây bạch dương về.
– Sao cậu ta im ru vậy? Ai đó thắc mắc.
– Sao lại im? Tôi đáp. Tôi là cháu bác ấy. Bác ấy làm mất chiếc rìu và cứ ngỡ người rừng lấy đi, nhưng nó lại nằm trong bụi mâm xôi. Tôi là cháu bác.
– Mang lại đây này, cậu cháu à. Nhà chúng ta đây.
Khi những người lính xếp hàng, đầu hàng luôn là những người lính cao to, dũng cảm nhất, và cuối hàng luôn là những chàng lính bé. Ngôi nhà của nhà Pantelevna cũng đứng cuối hàng và nhỏ nhất, với ba cửa sổ. Về những ngôi nhà nhỏ mỏng manh thế này, người ta bảo chúng được xây bằng bánh nướng, lợp bằng bánh xèo.
Tôi ném cây bạch dương xuống đất và ngôi xuống chiếc ghế gỗ trước nhà.
– Làng của bác tên gì?
– Chistyi* Dor.
– Cái gì Chistyi?
– Dor.
Dor…Trước đây tôi chưa từng nghe từ này.
– Chistyi Dor là gì?
– Cậu à, đó là làng chúng tôi, Pantelevna giải thích.
– Hiểu rồi, tôi hiểu, nhưng dor là gì?
– Dor là như thế này này, đó là dor. Là tất cả những gì quanh làng, tất cả rừng thông này.
Và tôi hiểu thế này, dor tức là cánh đồng, nhưng không đơn giản là một cánh đồng, mà là cánh đồng nằm giữa rừng. Ở đây trước kia cũng là rừng, nhưng sau người ta đốn rừng, nhổ bỏ các gốc cây. Nhổ mãi nhổ mãi, dần dần thành dor.
– Thôi được, tôi nói – dor là dor, nhưng tôi cần đi tiếp.
– Đi đâu, cậu cháu? Tôi đi bắc ấm samovar đây.
Vậy thì tôi đành phải đợi ấm trà thôi. Rồi trời tối, tôi ở lại ngủ qua đêm.
– Cậu đi đâu? Pantelevna hỏi vào sáng hôm sau. Ở lại đây mà sống. Vẫn còn chỗ trong ngôi nhà gỗ này.
Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi gởi điện tín đến nơi cần gởi và ở lại nhà bác Pantelevna. Tôi cũng không biết vì sao lại vậy, nhưng tôi đã sống ở nhà bác không phải một ngày, một tháng, mà cả một năm.
Tôi sống và viết quyển sách của mình. Không phải cuốn này, mà cuốn khác.
Còn quyển này tôi viết ở Moskva.
Qua ô cửa con tôi nhìn vào cái chòi canh cứu hỏa ảm đạm và nhớ Chistyi Dor.
*: Чистый Дор: Чистый: 1/ sạch, thanh khiết, 2/ thuần nhất, thuần túy
Phát súng
Trường chúng tôi nhỏ.
Trường chỉ có một phòng. Nhưng trong phòng đó có bốn lớp.
Lớp một chỉ có một nữ sinh là Nhyura Zuyeva.
Lớp hai cũng chỉ có một nam sinh, Phedyusha Mironov.
Lớp ba có hai anh em nhà Mokhov.
Còn lớp bốn thì chưa có ai. Năm sau hai anh em Mokhov sẽ vào học.
Như vậy, tổng cộng trường có bao nhiêu? Bốn người. Với thầy Aleksey Stepanych nữa là năm.
– Cũng đủ học trò rồi, Nhiurka nói khi bắt đầu học đếm.
– Đúng, không ít người, thầy Aleksey Stepanych đáp. – Và ngày mai tất cả các trò sẽ đi thu hoạch khoai tây. Em thấy đó, trời lạnh rồi mà khoai tây của nông trang vẫn chưa đào lên hết.
– Vậy còn lũ thỏ thì sao ạ? Phedyusha Mironov hỏi.
– Chúng ta để Nhyura ở lại trực lũ thỏ.
Thỏ trong trường thì đâu có ít. Chúng hơn trăm con, mà chính xác là 104 con.
– Chà, chúng mày đẻ nhiều quá…- Nhyurka nói vào hôm sau, khi mọi người đã đi thu hoạch khoai tây.
Bọn thỏ ngồi trong những cái hộp gỗ, còn những cái hộp gỗ thì đứng quanh trường, giữa những cây táo. Thậm chí có cảm tưởng rằng đó là những tổ ong. Chỉ là không có ong.
Vậy mà sao giống như chúng đang kêu vo vo.
Không, dĩ nhiên lũ thỏ không kêu vo vo. Mà đó là cậu bé Vitya đứng sau hàng rào đang gây ra tiếng vo vo bằng một cái que đặc biệt.
Việc trực nhật chẳng khó khăn gì với Nhyurka.
Đầu tiên Nhyurka cho lũ thỏ ăn đủ loại nhánh cây, thân lá. Bọn chúng nhai đi nhai lại, ngoáy ngó lỗ tai, nháy mắt ra hiệu với cô bé: này này, cho thêm đi, cho thêm đi, bỏ thêm lá cây vào đi.
Sau đó Nhyurka quét chuồng. Bọn thỏ sợ cây chổi, lượn tránh nó. Lũ thỏ con thì Nhyurka thả ra bãi cỏ, trong một bãi chăn được rào bằng lưới.
Mọi việc xong xuôi. Giờ chỉ còn bảo đảm là mọi thứ đều trật tự
Nhyurka đi một vòng quanh sân trường – tất cả đều ổn. Cô bé ghé vào kho và lấy ra khẩu súng canh.
“Để phòng hờ, – cô bé nghĩ. Biết đâu diều hâu bay tới”.
Nhưng diều hâu không bay tới. Nó lượn tít đằng xa, tìm lũ gà con.
Nhyurka ngồi ở hàng rào khi Vitiya, đứa đang vo vo bằng cái que đặc biệt của nó đi đến.
– Đừng vo vo nữa, Nhyurka nói.
Vitiya ngưng quay.
– Em thấy khẩu súng không?
Vitiya đưa nắm đấm lên mắt, nhìn xuyên qua, giống như nhìn vào ống dòm, rồi nói:
– Thấy, thưa cô.
– Em có biết bấm cò ở đâu không?
Vitiya gật đầu.
– Đúng rồi, – Nhyurka nghiêm nghị bảo, – hãy tìm hiểu chuyện quân sự đi!. Cô bé ngồi một lúc nữa bên hàng rào.Vitiya đứng cách đó không xa, rất muốn vo vo
– Đây này, Nhyurka nói, em ngồi xuống hàng hiên này, canh chừng. Nếu diều hâu bay tới, hãy la to hết mức, gọi chị. Chị chạy đi lấy lá cây cho lũ thỏ.
Vitiya ngồi xuống hàng hiên, còn Nhyurka đem dẹp khẩu súng canh vào kho, lấy cái bao không rồi chạy ra đồng.
Ngoài rìa cánh đồng là khoai tây – chúng được chứa trong các bao tải hay chất thành từng đống. Loại đặc biệt, vỏ hồng. Ở một bên là hàng núi thân lá khoai tây. Nhét đầy bao tải thân lá và nhặt một mớ khoai tây, Nhyurka nhìn vói ra xem bọn trẻ có xa lắm không? Chúng ở xa lắm rồi, thậm chí em còn không phân biệt được đâu là Phedyusha Mironov, đâu là anh em Mokhov…
– Có nên chạy tới chỗ họ không nhỉ? – Nhiurka suy tính.
Đúng lúc đó phát súng vang lên.
Nhiurka lao bắn ngược lại. Em tưởng tượng một bức tranh khủng khiếp: Vitiya bị giết chết nằm trên hiên nhà. Cái bao lá cây nhảy nhót trên lưng Nhyurka, những củ khoai bay ra khỏi sô, đâm sầm vào đất bụi, kéo thành vệt giống như quả bom nhỏ.
Nhyurka chạy tới sân trường và nghe thấy tiếng vo vo. Khẩu súng nằm trên bậc thềm, còn Vitiya ngồi vo vo cái que của mình. Dẫu sao cái que đó cũng hay. Ở phần đuôi có xi gắn một đốm phồng lên, trong đó bện chặt sợi lộng ngựa có cột một cái chung nhỏ bằng đất sét, Vitiya quay cái que, lông ngựa đập vào chỗ xi: vo…
– Ai bắn vậy? – Nhyurka hét lên.
Nhưng lẽ ra chẳng có gì phải hét lên cả. Rõ là ai bắn rồi, – đám mây thuốc súng còn treo lơ lửng trên cây cơm cháy.
– Hãy đợi đấy! Anh em Mokhov về thì em khắc biết nghịch với súng sẽ ra sao! Ngừng vo vo đi!
Vitya ngừng chơi.
– Em bắn vào đâu thế? Vào con dê nhà Mushukin à?
– Vào con diều hâu.
– Xạo, xạo! Diều hâu quần đám gia cầm mà.
Nhyurka nhìn lên trời, nhưng không thấy con diều hâu.
– Nó nằm ở cây tầm ma.
Diều hâu đúng là nằm trong cây tầm ma. Cánh của nó bị gãy và xoải rộng một bên, Trong đám lông tro thấy rõ những lỗ đạn chì.
Nhìn con diều hâu, Nhiurka không tin là Vitiya bắn nó. Cô bé nghĩ: có thể ai đó người lớn đã ghé qua sân trường. Nhưng không, tất cả người lớn đã đi thu hoạch khoai tây hết rồi. Rõ ràng là con diều hâu đã tính sai.
Nhyurka vừa đi khỏi, nó đã bay tới định săn lũ thỏ, nhìn Vitya và nghĩ: ‘ối chào, nhóc con. Và rồi – rắc – nằm sóng soài trên cây tầm ma.
Lũ trẻ từ cánh đồng chạy ào về. Chúng reo lên hân hoan rằng Vitya bé thế mà đã giết được diều hâu.
– Nó sẽ thành phi công vũ trụ! Anh em nhà Mokhov vỗ vào lưng Vitya.
Còn Phedyusha Mironov lấy hết sức vỗ vào đầu Vitya và đơn giản là hét lên:
– Cừ thật, cừ thật!
– Còn em thì tội nghiệp diều hâu. Nhyurka nói.
– Em sao vậy! Nó đã bắt bao nhiêu thỏ của chúng ta rồi!
– Dẫu vậy em vẫn tội nghiệp. Nó đẹp như thế!
Ngay tức khắc mọi người đốp lại
– Vậy em tội nghiệp ai hơn, – Phedyusha Moronov hỏi – diều hâu hay lũ thỏ?
– Cả thỏ lẫn diều hâu.
– Ngốc xít thật! Phải tội lũ thỏ hơn chứ! Chúng bé hơn mà! Nói cho chị ấy biết đi Vitiya, sao em im lìm vậy?
Vitya ngồi trên hàng hiên, không nói gì.
Thế rồi bỗng nhiên mọi người thấy em bật khóc. Những giọt nước mắt cứ ứa ra, mà em còn nhỏ thế. Cố hết sức thì em cũng mới sáu tuổi thôi.
– Đừng khóc, Vitka! – anh em Mokhov nhao lên. – Coi kìa, Nhyurka!
– Cứ để nó khóc, – Nhyurka nói. Nó giết chết chim, cứ để nó khóc!
– Nhyurka, Nhyurka! Em có lương tâm không! Chúng ta cắt em canh trường. Lẽ ra người giết diều hâu đã là em.
– Nếu là em em đã không giết. Em sẽ đơn giản xua nó đi, nó sẽ bay mất thôi!
Nhyurka bắt đầu nhóm cái lò nướng được đăt ở trong vườn. Em đặt lên lò nồi khoai tây.
Trong lúc khoai tây được nấu, bọn trẻ tiếp tục cãi nhau với Nhyurka, còn Vitya thì khóc.
– Này nhé, Nhyurka – cuối cùng Phedyusha Mironov nói – Vitka đâu có gây chuyện với diều hâu. Diều hâu tấn công trước, còn Vitiya chỉ tự vệ. Mà một chàng trai như thế thì không thể bắn hụt.
Đó là những lời chí lý.
Nhưng Nhyurka không trả lời.
Em bỉu môi và lặng lẽ đổ khoai tây thẳng ra trên cỏ.
Yury Iosifovich Koval (1938 – 1995) là một trong những nhà văn thiếu nhi nổi tiếng và được yêu thích nhất ở Liên Xô và Nga. Sách của ông được nhiều lần tái bản và dịch ra nhiều thứ tiếng, từng giúp ông nhận giải thưởng của cuộc thi toàn Liên Xô “Tác phẩm yêu thích nhất cho thiếu nhi” (1971), “Bằng danh dự mang tên Gaidar” (1983) và “Bằng danh dự Andersen” của Hội đồng quốc tế về văn học thiếu niên và thiếu nhi (1986), giải thưởng The Wanderer của Hội nghị quốc tế các nhà văn viễn tưởng (1996, sau khi mất)…