Năm 1960, Đại úy Hải quân Mỹ Don Walsh và nhiếp ảnh gia Jacques Piccard đã thực hiện thành công một trong những cuộc thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong chiếc tàu ngầm Trieste tân tiến nhất bấy giờ, Walsh và Piccard đã trở thành hai người đầu tiên chạm được đến điểm sâu nhất trên trái đất: đáy rãnh Mariana với độ sâu 10.916 mét tính từ mực nước biển, lớn hơn nhiều so với khoảng cách từ đỉnh Everest đến mực nước biển.
Với độ sâu thách thức như vậy, không có gì lạ khi chưa ai có thể lặp lại kỳ tích này cho đến tận 52 năm sau khi đạo diễn James Cameron trở thành người đầu tiên thám hiểm rãnh Mariana một mình với những công nghệ giúp ghi lại các số liệu và hình ảnh mà chuyến đi năm 1960 chưa thể thu thập được. Có nhiều điều đã được chứng tỏ qua hai cuộc hành trình này, đó là ý chí, là sức mạnh trí tuệ của con người…, và cả hai chiếc đồng hồ Rolex Deep Sea Special (1960) và Rolex Deepsea Challenge (2012) được gắn ở ngoài bề mặt của hai chiếc tàu ngầm, khi trở lên đất liền vẫn vẹn nguyên và hoạt động hoàn hảo.
Tàu ngầm Trieste tân tiến nhất năm 1960
Chiếc đồng hồ bé nhỏ trước thử thách vĩ đại
Đại dương chiếm đến 2/3 bề mặt trái đất, cũng là khởi nguồn của mọi sự sống trên hành tinh. Tuy nhiên, chúng ta còn hiểu rõ về bề mặt mặt trăng hơn là hiểu về chính đại dương của mình. Xuống dưới 150 mét: ánh sáng mặt trời chỉ còn 1%, từ 1.000 mét trở đi: nhiệt độ gần như bằng 0, tại rãnh Mariana áp lực nước là một tấn trên một centimet vuông. Môi trường trong lòng đại dương quá khắc nghiệt để có thể nuông chiều bất cứ ý định khám phá nào của con người.
Đạo diễn James Cameron và Đại úy Hải quân Mỹ Don Walsh
Để đồng hành cùng James Cameron trong chuyến thám hiểm lịch sử, chiếc đồng hồ Rolex Deepsea Challenge đã được thiết kế đặc biệt để có thể chịu được áp lực khổng lồ dưới đáy biển. Là một phiên bản cải tiến của dòng đồng hồ thương mại Rolex Deepsea dành cho các thợ lặn (chịu được độ sâu 3.900 mét), Rolex Deepsea Challenge cũng sử dụng thiết kế vỏ Ringlock System được sáng chế bởi Rolex với hệ thống chống nước ba lớp, sử dụng các vật liệu cao cấp nhất như siêu hợp kim thép không gỉ 940L, Titan grade 5. Mặt đồng hồ là một miếng đá sapphire dày 14,3mm được sản xuất từ oxit nhôm tinh khiết, bên trong là các con số và kim đồng hồ phát quang. Dù chiếc đồng hồ này được bảo đảm là có thể xuống đến độ sâu 12.000 mét, các thử nghiệm của Rolex cho thấy nó thật sự có xuống sâu hơn 25% (15.000 mét) so với độ sâu bảo đảm.
Và câu chuyện sẽ được kể lại
Vào đầu năm 2013, những người yêu thích khám phá đại dương sẽ có dịp tận mắt nhìn thấy những hiện vật đã đi vào lịch sử nhân loại qua ba cuộc triển lãm được tổ chức bởi Rolex tại Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur. Cuộc triển lãm sẽ kể lại câu chuyện về hai cuộc hành trình phi thường xuống đáy sâu nhất của bề mặt trái đất: chuyến đi tiên phong của tàu Trieste vào năm 1960 với chiếc đồng hồ Rolex Deep Sea Special và chuyến thám hiểm của đạo diễn James Cameron với chiếc đồng hồ Rolex Deepsea Challenge. Trong cuộc triển lãm kéo dài ba ngày, cả hai chiếc đồng hồ cùng mô hình của tàu Trieste và Deepsea Challenger sẽ được trưng bày cùng với những hình ảnh được chụp lại từ hai cuộc thám hiểm trên.
Rolex Deep Sea Special (năm 1960)