Nguyễn Hoàng Yến, cô sinh viên ngành Thiết kế – Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học RMIT, là biểu tượng của năng lượng tích cực, nỗ lực không ngừng trong cuộc sống vì những lý tưởng đẹp. Cô bé gầy gò, đen nhẻm này đã vượt qua nghịch cảnh nghèo khó, mồ côi để từng bước thực hiện ước mơ về những thước phim hữu ích cho cộng đồng.
Ước mơ nhỏ trong căn nhà trên sông
“Tôi sẽ làm phim về những mảnh đời bất hạnh như trẻ mồ côi, trẻ nhiễm HIV…, nhưng không phải kêu gọi tình thương mà đơn giản là muốn mọi người hiểu hơn về tâm tư, suy nghĩ của những đứa trẻ kém may mắn. Cũng như tôi, những em nhỏ bất hạnh dù rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng, nhưng không muốn thấy người khác tỏ lòng thương hại. Thay vào những câu cảm thán: “tội nghiệp quá”, “đáng thương quá”, tôi muốn được bình đẳng như những người khác, để không cảm thấy mình khuyết tật, nhỏ bé và để có thể tự tin với những ước mơ lớn”, Nguyễn Hoàng Yến nói.
Vốn là một cô bé mồ côi từ khi còn rất nhỏ, Yến thấu hiểu những khó khăn mà những đứa trẻ bơ vơ phải trải qua. Trước đây, cô sống với bà trong căn nhà lụp xụp ở xóm thuyền Rạch Ông, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Yến phải vừa học vừa làm để kiếm sống, nên mọi ước mơ về một tương lai tươi sáng đều có vẻ hoang đường.
Thế nhưng, tất cả đã thay đổi khi cô gái nhỏ gặp nhà hoạt động xã hội người Mỹ Leslie Wiener, người từng nói: “Trong cuộc đời của bạn, đôi khi bạn gặp một người nào đó rất đặc biệt, rất khác. Người đó giúp bạn trưởng thành hơn, thúc đẩy bạn đồng hành với họ để trở thành một người tốt hơn”. Và bà Leslie chính là người đã làm thay đổi cuộc đời Hoàng Yến. Cô kể: “Bà ấy nói rằng tôi là một nhà thiết kế tuyệt vời, khi thấy tôi có thể sáng tạo những ngôi nhà đồ chơi từ giấy rác và bao bì từ năm 10 tuổi. Chính câu nói đó đã giúp tôi bắt đầu ước mơ sẽ trở thành nhà thiết kế, dù không dám tin rằng ước mơ đó đã trở thành hiện thực ngày hôm nay”.
Khi bà mất, Yến trở nên cô độc giữa cuộc đời. Nhưng nội lực trong cô gái thì ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Ước mơ trở thành nhà thiết kế của Yến cũng đến tai các giáo viên tình nguyện và mạnh thường quân. Kết quả là Yến được tài trợ để theo học một khóa ngắn về thiết kế, giúp cô đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình xây dựng ước mơ của mình. Đó cũng là thời điểm Yến gặp cô Phoenix Hồ, Chuyên viên Tư vấn hướng nghiệp tại RMIT Việt Nam lúc bấy giờ. Câu chuyện của Yến và những phẩm chất đáng quý của cô đã thuyết phục được hội đồng xét duyệt học bổng tại RMIT Việt Nam, và suất học bổng toàn phần là đòn bẩy giúp cô gái nhỏ giàu nghị lực bắt đầu hành trình mới với những đổi thay đầy cảm hứng.
Sau đó, Yến đã học ngành Thiết kế (Truyền thông đa phương tiện) một cách say mê. Càng học, cô càng thấy sức mạnh của ngành này trong việc lan tỏa những ý tưởng cộng đồng. Những thước phim do cô cùng các tình nguyện viên tại Smile Group làm về các em nhỏ kém may mắn đến với cộng đồng rất nhanh. Bên cạnh đó, Yến cũng rất năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa về môi trường và xã hội. Yến thường xuyên giữ liên lạc và hỗ trợ những tổ chức phi lợi nhuận đã từng giúp đỡ mình trước đó.
Thiết kế cho cộng đồng
Năm 2016, Hoàng Yến mạnh dạn ứng cử tham gia chương trình trao đổi sinh viên của trường và đến Tây Ban Nha học về các vấn đề xã hội và phát triển con người. “Kiến thức xã hội là chất liệu quan trọng trong thiết kế, đặc biệt khi tôi mong muốn tạo ra được những thiết kế ý nghĩa và có giá trị cho cộng đồng”, Yến chia sẻ.
Từ một cô bé nhút nhát, không dám ước mơ, luôn trốn trong thế giới riêng của mình, đến nữ sinh viên năm cuối của ngành Thiết kế dám nghĩ dám làm, có giá trị và hướng đi riêng trong công việc, Yến biết mình đã đi được một quãng đường dài.
Nhờ cơ hội được đi học trở lại, Yến không chỉ có cơ hội theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế đồ họa nhưng còn tìm thấy chính mình và giá trị nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Đúng như Thạc sĩ Lê Đình Hiếu từng nói: “Chắc chắn chúng ta không thể có sự bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, bình đẳng giới cũng ở một mức độ nhất định. Chỉ có giáo dục và nghệ thuật mới tạo ra cơ hội và trao quyền bình đẳng cho tất cả mọi người”.
Dù trải qua nhiều biến cố trong đời, Yến vẫn lạc quan, luôn tìm kiếm và tin vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Kể về những người cô đã gặp trong cuộc sống, Yến nói: “Tôi thấy mình rất may mắn khi gặp được những người tốt vô điều kiện. Họ đã tạo cảm hứng giúp tôi muốn tiếp bước trên hành trình đóng góp cho xã hội”.
Hoàng Yến chọn thiết kế làm công cụ thực hiện ước nguyện ấy. Cô tham gia OUCRU, đơn vị nghiên cứu lâm sàng và sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, với vai trò thiết kế. Tại đây, Yến chịu trách nhiệm đưa các thông tin giáo dục về phòng chữa bệnh vào những ấn phẩm thiết kế phù hợp với công chúng. Cô còn sử dụng kiến thức và kỹ năng thiết kế của mình để hỗ trợ Dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS) tại RMIT Việt Nam trong phát triển mô hình hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt ở các trường đại học khác. “Tôi không muốn trở thành nhà thiết kế đồ họa đơn thuần mà mong muốn mỗi thiết kế của mình phải mang ý nghĩa cụ thể và có thể truyền đạt được đến tất cả mọi người và mọi tầng lớp trong xã hội”, Yến nói.