Khi nghe tin chúng tôi chuẩn bị đến Haiti, nhiều bạn bè tỏ ra ngạc nhiên và lo lắng vì lâu nay Haiti thường được nhắc đến trong những bản tin về bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh…, nói chung rất không phù hợp để du lịch. Tuy nhiên, sự tò mò về tín ngưỡng Voudou của người dân và một số công trình cổ được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đã thúc đẩy chúng tôi đến với vùng đất này.
Cộng hòa Haiti cách Cuba không bao xa, chiếm một phần ba đảo Hispaniola (phần còn lại là Cộng hòa Dominica) ở vùng biển Caribe. Haiti vốn nổi tiếng về du lịch từ những năm 1970, là điểm dừng chân của các chuyến du thuyền với những bãi tắm hoang sơ, những thác nước hùng vĩ cùng nền ẩm thực đường phố rất đặc trưng.
Tìm hiểu đạo Voudou ở thủ đô Port-au-Prince
Lớn thứ ba trong vùng Caribe sau Cuba và Dominica, Haiti có dân số khoảng 10 triệu người. Ngôn ngữ chính thức ở đây là tiếng Pháp, ngoài ra người dân còn dùng tiếng Creole Haiti (pha trộn từ nhiều thứ tiếng như Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Taino bản địa và cả những ngôn ngữ Tây Phi). Địa hình nơi đây chủ yếu là núi non hiểm trở, xen kẽ là các vùng đồng bằng ven biển nhỏ và thung lũng. Chúng tôi đến sân bay quốc tế Toussaint Louverture thủ đô Port-au-Prince vào buổi chiều muộn. Khác với hình ảnh bãi biển xinh tươi trên poster của các hãng cruise, đường phố từ sân bay về trung tâm không rộng rãi cho lắm, lại hơi tối vì ít đèn đường và nhếch nhác.
Sáu giờ sáng hôm sau đã thấy thành phố nhộn nhịp với tiếng xe cộ, tiếng rao hàng lảnh lót. Những phụ nữ bán hàng rong đội giỏ trái cây hoặc bình nước giải khát trên đầu đi thoăn thoắt, tay vung vẩy như làm xiếc. Ở đây, ngoài xe hơi cá nhân, xe ôm thì phương tiện đi lại công cộng là những chiếc xe tap-tap được sơn vẽ nhiều màu sặc sỡ. Xe dừng ở đâu, nơi đó bỗng rực rỡ và tràn ngập tiếng nhạc. Mỗi xe đều được trang trí cầu kỳ tùy theo sáng tạo của họa sĩ. Cứ ngắm những chiếc xe tap-tap đó, du khách từ xa đến sẽ biết được ngôi sao nào, ca sĩ nào đang được hâm mộ tại Haiti.
Trong cảm giác ban đầu, người dân Haiti có vẻ không mấy thân thiện. Họ thường nhìn du khách với vẻ hoài nghi. Nhưng chỉ cần du khách chủ động đưa ra lời chào hay một nụ cười làm quen là khoảng cách vô hình đó biến mất. Một nét văn hóa khá ấn tượng của người Haiti mà chúng tôi nhận thấy cả ở thủ đô và tỉnh lẻ là ý thức chấp hành luật pháp, thái độ nhường nhịn nhau. Lái xe luôn nhường đường cho người đi bộ dù có cả hàng dài xe chờ phía sau.
Khoảng tám năm về trước, Haiti đã phải gánh chịu một cơn động đất rất mạnh, khoảng 200.000 người bị thương vong, thiệt hại về tài sản cũng rất nặng nề, ảnh hưởng mạnh tới sức phát triển của đất nước nhỏ bé này. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của chính quyền và sự trợ giúp của quốc tế, Haiti đã vượt qua được thảm họa và vấn đề an ninh đối với du khách cũng được cải thiện đáng kể. Ngày đầu tiên chúng tôi bắt một chuyến tap-tap để thăm thú các đường phố chính rồi đến khu Petion Ville vốn nổi tiếng giàu có ở Haiti với nhiều ngôi biệt thự trên đồi.
Đây cũng là nơi du khách đến để tận hưởng những tiện nghi hiện đại cũng như ăn uống, mua sắm. Chúng tôi ghé thăm Viện bảo tàng điêu khắc Atis Rezistans. Nghệ thuật tại đây mang nét thô sơ, chịu ảnh hưởng của đạo Voudou và có lẽ không giống với bất kỳ trường phái nghệ thuật nào mà tôi đã từng biết.
Sự tò mò về Voudou được thỏa mãn khi chúng tôi đến thăm ngôi đền của những người theo đạo này. Vào thế kỷ XVI, người dân châu Phi bị bắt sang Haiti làm nô lệ và điều quý giá nhất mà họ mang đến vùng đất này chỉ là tín ngưỡng tâm linh. Tín ngưỡng ấy kết hợp với tín ngưỡng cư dân bản địa đã sản sinh ra một tôn giáo mới có tên là Voudou.
Ngày nay, Voudou là một hình thức tín ngưỡng quan trọng của người dân Haiti, có ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến đời sống, văn hóa và nghệ thuật tại quốc gia này. Thật thú vị khi nghe câu ví von “Haiti có 80% người theo đạo Công giáo, 20% người theo đạo Tin Lành và 100% người theo đạo Voudou”. Hiểu đơn giản thì Voudou là một hệ thống tín ngưỡng phức tạp, bao gồm hàng trăm lwa (linh hồn), phục tùng một vị thần duy nhất với tư cách người trung gian. Mỗi một linh hồn sở hữu các tính cách độc đáo và các đặc điểm khác nhau, bao gồm các sở thích mà vị thần đó muốn được phục tùng. Voudou bao gồm nhiều hoạt động lễ nghi, cầu nguyện, các điệu nhảy và ca hát.
Một giáo sĩ đã giảng giải cho chúng tôi về quá trình được thụ phong và các hình thức tế lễ mà ông từng thực hiện trong vai trò đặc biệt của mình. Sau cuộc gặp thú vị này, chúng tôi đã xóa tan những định kiến phóng đại về tín ngưỡng Voudou mà các bộ phim điện ảnh của Hollywood thường mô tả như một thứ tà đạo đáng sợ.
Pháo đài La Citadelle Laferrière
Mất gần hai giờ ngồi xe bus, chúng tôi ngược lên phía bắc để đến với thành phố cảng Cap-Haitien. Ngoài du lịch biển như hầu hết các thành phố khác của Haiti, điểm thu hút ở đây chính là pháo đài La Citadelle Laferrière và cung điện Sans Souci đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa từ năm 1982.
Cách trung tâm Cap-Haitien gần ba chục cây số về phía nam, pháo đài được xây dựng trên đỉnh núi cao, từ lâu là một biểu tượng quốc gia của Haiti. Cứ ngỡ phải băng rừng vượt suối rất khó khăn mới đến được khu di tích này nhưng thực tế, đường đi đơn giản hơn nhiều, có thể thuê xe ngựa hoặc xe hơi để lên núi. Từ thị trấn Milot dưới chân núi, chúng tôi thuê ba con ngựa cùng hướng dẫn viên vượt qua khoảng hơn bảy cây số đường núi đá lởm chởm, gồ ghề. Tuy bị dằn xóc nhưng phong cảnh lạ mắt, thỉnh thoảng dừng ngựa, ghé lại dọc đường mua mấy trái dừa tươi giải khát, nên những mệt mỏi của cuộc hành trình cũng nhanh chóng qua đi.
Cả hai công trình đều được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX bởi Henri Christophe – vị vua đầu tiên của đất nước Haiti. La Citadelle Laferrière rất đồ sộ và cực kỳ phức tạp. Bên trong có khu nhà ở, bể chứa và kho lưu trữ có sức chứa đủ lượng lương thực, nước cho 5.000 binh sĩ trong một năm. Tuy đã bị hư hại nhiều nhưng kiến trúc này vẫn còn giữ đủ giá trị của một kỳ quan. Từ pháo đài, phóng tầm mắt ra phía Đại Tây Dương, chúng tôi có thể thấy tít xa là bờ biển của Cuba.
Anh hướng dẫn cho biết rằng xưa kia, hơn 250.000 người được huy động để vận chuyển vật liệu lên núi và tham gia xây pháo đài trong suốt một thập niên. Khoảng 20.000 người, những người vừa được giải thoát khỏi tay những ông chủ Pháp, đã chết trong quá trình xây dựng thành trì kiên cố chưa hề bị tấn công này. Cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để chỉ ra ai đã thiết kế ngôi thành cổ này nhưng một số sử gia cho rằng đó là một nhóm người Đức. Họ đã bị giết và chôn vùi trong những bức tường thành vào lúc hoàn tất công trình. Vào năm 1820, quá phẫn nộ với chế độ bạo tàn của vua Henri Christophe về cuối đời, người dân Haiti đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của tướng Jean-Pierre Boyer. Henri Christophe tự kết liễu đời mình bằng một viên đạn bạc và được chôn cất ở thao trường của ngôi thành, dưới một tảng đá lớn.
Nằm cách pháo đài không xa là cung điện Sans Souci, nơi xưa kia là chỗ ở của vua Henri Christophe cùng gia tộc. Mặc dù hiện giờ chỉ còn là những dấu tích đổ nát nhưng vào thời điểm hưng thịnh nhất, nó từng được xem là một trong những dinh thự tuyệt vời nhất của cả khu vực. Và vẫn còn đó ngôi thành cổ của Henri Christophe – điểm nhấn quan trọng hàng đầu bên cạnh vịnh Acul, Bảo tàng Musee de Guahaba, khu du lịch Petion Ville, khu dự trữ sinh quyển Plaine du Cul de Sac…
Một sự tò mò đã kích thích chúng tôi mạo hiểm chọn điểm đến này, để rồi sau khi được khám phá thì mới thấy hành trình thăm thú Haiti thực sự đáng giá, mọi lo lắng về an toàn đều tan biến.