Thú thật, bây giờ với tôi việc đọc sách khó như gặm… gỗ! Đếm số sách đã đọc trong khoảng thời gian mười năm đổ lại nhiều khi thấy xấu hổ và đâm tiếc nuối cái thời ham đọc sách hơn ham… ăn.
Nhớ một thời, sách là giải trí duy nhất, vớ cuốn nào đọc cuốn đó. Say sưa, quên thời gian. Ngốn cả những quyển rất khó… nhằn, vượt quá tầm của mình. Đọc mà không hiểu đọc gì chỉ vì không còn thú vui giải trí nào khác.
Lại nhớ một thời những cuốn sách (in lậu) bán lưu động ở bến xe Sài Gòn. Đi học xa nhà, mỗi lần về đều dành một khoản tiền để mua sách, lên xe có cái mà nhâm nhi cho quên đường dài. Thời mới ra trường, chờ phân công nhiệm sở làm bạn thường xuyên với tiệm sách cho thuê, cày hết cuốn này đến cuốn khác, vơi dần tiền cược sách, phải đóng thêm tiền mới.
Đọc ngốn vậy nhưng giờ hỏi lại nhiều lúc tôi chỉ nhớ tựa sách của tác giả nào, xuất bản khoảng thời gian nào, có gì nổi trội bên lề cuốn sách khi ấy… còn nội dung có khi không nhớ chút gì; giở lại một cuốn sách cũ đã đọc hồi xưa, ngỡ ngàng như… mới. Mãi thật lâu sau đó mới loáng thoáng “à, hình như đã đọc rồi”!
Nghĩ cho cùng là quy luật tự nhiên mà tạo hóa buộc con người phải quên. Nhiều chuyện xảy ra trong đời sống thực hằng ngày, câu mình nói, lời mình viết, hành động mình làm còn không nhớ thì làm sao nhớ hết nội dung những cuốn sách đã đọc; nhất là những cuốn đọc từ thời còn quá bé, vượt quá suy nghĩ của lớp tuổi, những cuốn quá khó đọc phải “cố mà ngốn”, hay những cuốn đọc lướt vì nội dung không thấy thích…
***
Không như ngày xưa, ở cái thời bao cấp những cuốn sách chữ in lem luốc, giấy xấu, bìa mỏng, tranh vẽ sơ sài, sách bây giờ in đẹp, giấy tốt, trình bày công phu, bìa bắt mắt… Tuy nhiên, có lẽ do ít còn ham sách nên mỗi lần mua sách tôi phải chọn lựa rất kỹ, ưu tiên sách phục vụ cho công việc, tra cứu.
Mỗi lần ra nhà sách, đường sách… tôi chỉ ước mình trở lại cái thời ham sách, ước cảm hứng trở về, khơi gợi cái đam mê ngày bé, cầm cuốn sách mới tinh đưa lên mũi hít hà thấy cả một thiên đường.
Nhìn những bạn trẻ say mê chọn lựa sách mà cảm thấy thèm. Nhưng nghĩ lại, gì cũng có một thời, đừng trách mình vì đam mê không còn, thay đổi là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Và, thật ngưỡng mộ những ai qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời vẫn còn nguyên thú ham đọc sách.
***
Vậy nên, tháng Chạp vừa rồi, thời tiết khá lạnh, ngoài đường gió bụi, tôi đóng cửa nằm nhà ôm hai quyển sách mặc cho tiếng đời xôn xao thúc giục tết gần kề. Và sung sướng làm sao khi đã đọc hết hai cuốn chỉ trong vòng một tuần. Một cuốn du ký, tương đối dễ đọc, nhiều chi tiết thú vị cuốn người đọc đi theo, chỉ bỏ sách xuống khi mỏi mắt hay cần nghỉ ngơi một chút. Một cuốn, nói khó đọc thì hơi quá, nhưng không hiểu do người chuyển ngữ bám sát nguyên bản không “biến hóa” theo cảm nhận “thuần Việt” nên có nhiều đoạn phải đọc đi đọc lại mới hiểu và tìm ra được vẻ đẹp của ngôn từ. Nhưng, nói chung là thích.
Cái cảm hứng đọc sách còn khiến tôi mở máy tính viết một lèo cái truyện ngắn. Gõ dấu chấm kết thúc, tôi không nghĩ mình viết nhanh vậy. Tất nhiên là khâu “chỉnh tinh” còn phải dụng công nhiều. Nhưng như thế là đã thắng lợi rồi, theo ý nghĩa, chữ truyền cảm hứng cho chữ.
***
Nói sách dịch lại nhớ cái thời tuổi trẻ khi mà “ổ cứng” còn chưa ghi nhiều dữ liệu, tôi cũng mày mò đọc vài cuốn nguyên tác, tất nhiên loại dễ đọc, chẳng hạn như Love Story của Erich Segal. Với tôi, đọc nguyên tác thích ở chỗ cảm nhận cái hay, thích thú của câu văn mà không tài nào dịch sang tiếng Việt được.
Với những tiện ích của công nghệ ngày nay, việc đọc nguyên tác khá thuận lợi, nhất là đọc trên điện thoại có cài ứng dụng từ điển Dict Box. Gặp từ nào không biết chỉ cần chép và cửa sổ từ điển tự động hiện lên, rất dễ tra cứu. Thế nhưng, như đã nói ở trên, cầm cuốn sách tôi còn lười huống chi là đọc ebook, khi giờ đây có quá nhiều thứ cho mình giải trí với đa phương tiện nghe, nhìn thú vị, lôi cuốn.
Chính vì vậy, phải nói rằng tôi cảm thấy khâm phục những người làm công việc biên tập sách hay báo chí. Chỉ có mấy chục chữ cái mà hết ngày này tháng nọ chìm đắm trong đó. Không chỉ việc mưu sinh mà phải có đam mê yêu nghề, yêu chữ mới trụ được công việc thầm lặng, đứng sau những buổi ra mắt sách ồn ào, đông đúc, hay lặng lẽ nhìn tác giả nhận vinh quang. “Đứa con” tuy không sinh ra nhưng có công “bà mụ” đưa đến tay độc giả.
Đọc một cuốn sách cũng giống như gặp một con người. Có người hay, người không hay, người khó, người dễ. Có người ở lại lâu, có người lướt qua mau. Có người nhiều năm sau gặp lại vẫn thấy thú vị, lại có người hoàn toàn không nhớ mình đã gặp khi nào… Đọc một cuốn sách hay, học trong đó những triết lý cho cuộc sống. Đọc một cuốn sách có nội dung không lành mạnh, ít nhiều tư tưởng cũng bị “lăn tăn” vẩn đục…
Mỗi lần đọc tin một nhà sách khai trương, một thành phố sách mới mở, tôi luôn có chút háo hức của thời tuổi hai mươi, dứt khoát phải đến một lần cho biết.
Có những bạn trẻ chăm chú đọc sách và bên cạnh cũng có không ít người coi sách như một công cụ đánh bóng cho tâm hồn – selfie tấm hình đang ở nhà sách rồi khoe lên mạng xã hội. Thật ra, theo ý tôi cũng là cách tốt để quảng cáo cho sách, cho mọi người nhớ đến sách và nhớ sách là phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Tự đặt ra mục tiêu năm này đọc mười cuốn sách. Không nhiều với thời tuổi trẻ, nhưng quá nhiều cho cái thời phải đấu tranh giữa sách và bao nhiêu món giải trí hay ho khác.
Phải hết năm mới biết mình có đạt hay không…