Một câu hỏi thật “nguy hiểm”, khi hiện nay cụm từ “nhạc vàng” đã quá quen thuộc, được sử dụng trên mọi phương tiện truyền thông, giải trí cả trong và ngoài nước (vốn thường có những định nghĩa khác nhau về từ ngữ).
Phải đặt lại vấn đề của một cụm từ phổ thông như vậy, có đi ngược chiều xu thế xã hội không? Theo tôi là không, vì đối với tôi, đây sẽ và cũng chỉ là những cố gắng nhỏ nhoi để giữ gìn bản sắc của tiếng Việt, như những lần tranh luận về sử dụng từ Hán Việt trong ngôn ngữ Việt Nam.
Vậy từ đâu có cụm từ “nhạc vàng”, và “nhạc vàng” là nhạc gì?
Trước hết, xin phân biệt rõ hai loại “nhạc vàng”, mà rất tiếc là phải dựa vào ngôn ngữ nước ngoài, vì chữ “vàng” trong tiếng Việt có hai nghĩa, là “màu vàng” và “vàng – kim loại quý” (“yellow” và “gold”, tiếng Hán là “hoàng sắc” và “hoàng kim”).
Trước năm 1975, nền âm nhạc (và văn hóa) miền Nam Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây, nên cũng đã dùng từ “nhạc vàng” nhưng chỉ dùng theo nghĩa gốc của từ “golden songs”, ý nói những bản nhạc xuất sắc, tồn tại theo thời gian, hoặc những dòng nhạc nổi bật trong một thời kỳ đặc biệt (thời hoàng kim). Cùng với ý nghĩa đó, còn có “giọng ca vàng”, “đĩa vàng”… Các danh xưng “vàng” nói trên được chọn lọc rất kỹ, và hầu như đều được cộng đồng chấp nhận.
Thế rồi, sau ngày ấy, đột nhiên xuất hiện những từ ngữ mới, nghe lạ lẫm làm sao. Nhạc bây giờ bắt đầu có màu, nhưng là được tô màu: Nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh. Và nhạc vàng được mang một định nghĩa bất thành văn mới: toàn bộ nhạc được phổ biến, xuất bản, trình diễn ở miền Nam VN trước 1975 đều được/bị cho vào chung một rọ ”nhạc vàng’ và bị cấm hát, cấm phổ biến. Với định nghĩa “mặc định” (default) như vậy, chỉ có những bài nhạc được duyệt (nhiều năm sau) và được công bố lẻ tẻ theo từng list như lá mùa thu, là được trình diễn lại mà thôi. Ban đầu mọi người đoán già đoán non về ý nghĩa của mấy cái màu được gán cho nhạc: với “nhạc đỏ” rõ là nhạc của cách mạng rồi, “nhạc xanh” là nhạc của tuổi xanh, của thanh thiếu niên, vậy “nhạc vàng” chắc ám chỉ nhạc “vàng vọt, ủ rũ, ủy mị ..” như định nghĩa về một nền văn hóa “đồi trụy”. Nhưng rồi với những nguồn thông tin mở ra, cả chính thống và không chính thống, người ta mới biết rằng khái niệm “nhạc vàng” thực ra phát xuất từ đàn anh Trung Quốc, chủ yếu từ cuộc “đại cách mạng văn hóa” trong xu thế muốn xóa sạch, rũ sạch di tích, tàn tích của nền âm nhạc cũ. Từ “hoàng sắc âm nhạc” (黄色音乐 – yellow music) có ý phê phán dòng nhạc phổ thông (pop music) ở Thượng Hải trước năm 1949 và sau đó áp dụng cho các dòng nhạc ở Hong Kong, Macao, Taiwan là dòng nhạc bệnh hoạn, xấu xa, là tàn tích của giới thượng lưu và tiểu tư sản. Khái niệm này sau đó đã được Việt hóa ra thành “nhạc vàng”, và đã được áp đặt cho tất cả các dòng nhạc được sáng tác ở miền Nam VN trước năm 1975. Có một thời, những băng, đĩa nhạc “vàng” đó chỉ được nghe lén lút trong nhà, kẻo bị tịch thu dưới danh nghĩa “văn hóa phẩm đồi trụy”, thậm chí gây phiền hà khó khăn cho người (lén) nghe.
Gần đây, với xu thế “mở cửa kinh tế, hội nhập thế giới”, những định kiến ngày trước cũng thay đổi dần, và ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc ngày xưa được phổ biến trở lại. Thậm chí đã và đang có phong trào “sưu tầm” lại nhạc cũ, “làm mới” lại những giai điệu nhạc cũ. Sau khi đã thành danh, nhiều ca sĩ tìm đường tách khỏi/ vượt lên đám đông “âm nhạc thị trường” (nếu còn có thể gọi là âm nhạc) bằng cách thực hiện những album, những “live show” với chuyên đề nhạc cũ. Và dòng nhạc cũ đang trở thành xu thế thời thượng, không chỉ là độc quyền của các hãng băng đĩa hải ngoại nữa. Nhưng từ “nhạc vàng” vẫn dính chết với dòng nhạc này, dù hiện nay không nhiều người hiểu rõ nguồn gốc xấu xa của nó. Có lẽ với nhiều người trẻ hiện nay, từ “nhạc vàng” mang ý nghĩa của “golden songs” hơn là “yellow songs”. Thực tình, điều làm tôi ngạc nhiên nhất, là trong chương trình Paris by Night 119 “Nhạc Vàng Muôn Thuở” vừa qua, người có trình độ và kiến thức như Nguyễn Ngọc Ngạn lại có thể định nghĩa theo kiểu “gom chung vào một rổ”, cho rằng “nhạc vàng, nhạc quê hương, nhạc bolero được gọi chung là nhạc đại chúng”!! Không lẽ NNN lại có thể lầm lẫn từ nhạc vàng xấu xa “yellow songs” của “đại cách mạng văn hóa” với “golden songs” của thế giới sao? Nhưng không, vì golden songs rất chọn lọc, không áp dụng bừa bãi cho tất cả dòng nhạc của miền Nam VN trước 1975 được.
Vậy nên, status này chỉ có một ý định, là trả lại đúng ý nghĩa của tiếng Việt, trong đó không có dòng nhạc nào là “nhạc vàng” cả. Không thể đem áp đặt định nghĩa hẹp hòi, thiển cận và chẳng có liên quan gì của cuộc “đại cách mạng văn hóa” vào toàn bộ dòng nhạc tại miền Nam VN trước 1975.