Theo báo Straitstimes, một giáo sư Singapore đã tìm ra giải pháp hồi phục pin cũ (bị chai) chỉ trong 10 giờ đồng hồ và vài năm người dùng mới cần thực hiện một lần.
Giáo sư Rachid Yazami, 64 tuổi – một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore – chủ nhân của phát minh, hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho các sản phẩm pin lithium, vốn là loại pin đang được sử dụng rất phổ biến trong các smartphone, laptop và xe hơi điện. Theo giáo sư Yazami, tiềm năng ứng dụng lớn nhất với phát minh của ông chính là trong lĩnh vực xe điện.
Giáo sư Yazami nhấn mạnh phát minh của ông cũng rất thân thiện với môi trường, vì nhờ phục hồi được pin cũ nên sẽ không cần phải sản xuất thêm pin mới và cũng bớt phải vứt bỏ pin cũ hơn.
Ý tưởng nghiên cứu của ông Yazami nhận được sự quan tâm của một số nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới như Apple, Panasonic và Samsung khi ông trình bày tại Hội thảo pin quốc tế tại Mỹ.
Phát minh này dựa trên ý tưởng bổ sung thêm một điện cực thứ ba bên trên hai điện cực thông thường của các pin lithium. Cực này được dùng để rút cạn các ion lithium còn lại ở một trong hai cực, vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng chai pin.
Với cách này, pin cũ có thể được hồi phục tới 95% so với mức năng lượng ban đầu.
Ý tưởng cho thêm một cực thứ ba để rút cạn số ion lithium còn sót lại ở một cực là ý tưởng chưa ai từng nghĩ tới. Tháng 6 năm ngoái ông Yazami đã tạo ra loại pin mẫu có thêm điện cực thứ ba dành cho smartphone.
Giáo sư Yazami tin rằng giải pháp hồi phục pin cũ của ông có thể hữu ích với người dùng iPhone sau khi nhà sản xuất Apple thời gian qua đã thừa nhận việc phải làm chậm các máy điện thoại iPhone cũ vì lo ngại tình trạng sập nguồn bất ngờ vì pin chai.