Nằm cách thành phố Biên Hòa khoảng ba cây số, khách có thể đi theo quốc lộ 24 để đến làng bưởi Tân Triều. Đây là ngôi làng cổ nhất Đồng Nai nằm ở ven sông thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hôm rồi cùng nhóm bạn của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Cần Thơ, tôi đã trở lại nơi này và thấy rõ sự thay đổi tuyệt vời của vùng đất cù lao mà mấy năm trước có lần tôi đã ghé vào.
Con đường vào làng trải dài uốn khúc, hơi hẹp và khó đi nếu có hai xe khách chạy ngược chiều. May mà thỉnh thoảng có những đường ngách cho xe có thể lui vào. Bù lại, cảnh quan hai bên đường rất đẹp, những nhánh bưởi xanh gie ra đường, chạm sát sạt vào thành xe, không gian tĩnh lặng êm đềm như đưa khách lãng du vào một vùng cổ tích xa xưa nào. Còn nhớ lần đầu đến đây tôi đã ngỡ ngàng, say đắm trước cảnh vật, không khí, vườn tược ở đây. Tất cả như kéo bước chân ta mau chóng bước vào ruột vườn bởi những điều thú vị còn chờ phía trước.
Ngay bãi đậu xe khách, nhìn chếch về phía trái, một tấm bảng cây xinh xắn hiện ra với dòng chữ “Du lịch sinh thái vườn làng Bưởi”. Ngay cạnh đó là một ngõ trúc mở ra một cổng vòm xanh mát, đứng vào đó chụp một tấm hình, lại nhớ đến câu thơ Hàn Mặc Tử “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Khách khoan bước vào trong, chỉ cần tạt ngang bên phải, cả một vườn bưởi đã trải dài với những gốc bưởi xanh um, trái lúc lỉu, sai oằn trên cành, nhìn mãi không chán mắt. Chưa kể ngay đó, những trái bưởi giả chất thành hai chồng cao thành hai ngọn tháp như khoe mẽ về sự sung túc của vườn du lịch. Khách chầm chậm đi thêm chút nữa, lướt qua một quán ăn buổi sáng còn vắng khách, một trái bưởi thật to đặt ngay cửa vào, bàn ghế xếp ngay ngắn. Khách có thể gọi món từ đây dù nhà bếp ở cách đó vài chục bước chân. Tôi rảo một vòng bên trong, ngoài mấy chiếc bàn dài, bàn tròn đón khách, một gian nhà hình trái bưởi xanh tươi mở ra hai cửa sổ, một bên chưng bày bưởi tươi, bên kia mấy chai rượu bưởi sắp đầy trên kệ. Trái bưởi nhỏ chứa 450ml, trái lớn chứa cả lít, giá cả niêm yết rõ ràng. Nhìn vào gian bếp kế bên mới thấy bảng hiệu của vị chủ nhân làng bưởi chỗ này “Sinh thái vườn làng Bưởi Năm Huệ hân hạnh chào mừng quý khách”. Nghe dân địa phương kể lại ông Năm Huệ tức Huỳnh Minh Huệ lúc trước là một trong những người đầu tiên kinh doanh xe máy ở Biên Hòa, sau khi con cái lớn khôn ông về quê trồng bưởi và từng bước dựng lên làng du lịch sinh thái bưởi này. Mười mấy năm qua, làng bưởi Tân Triều đã trở thành điểm đến quen thuộc cho du khách xa gần, trái bưởi Tân Triều từ bưởi đường lá cam, bưởi da láng, bưởi thanh, bưởi xiêm, bưởi ổi đã có thương hiệu làm rạng danh vùng đất cù lao Tân Triều, tương truyền là vùng đất được Nguyễn Ánh đặt tên từ thế kỷ XVIII khi lưu lạc đến đây trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn (Tân Triều: Triều đại mới). Lại nghĩ về nguồn gốc của trái bưởi Tân Triều mà dân xứ này vẫn truyền tụng như một chuyện dân gian rằng có vị cha xứ ở nhà thờ Tân Triều đã đem hai cây bưởi từ Brazil về trồng trên đất nhà thờ rồi nhân giống ra. Những cây bưởi ngày càng mọc dài, sum suê cành lá thành làng bưởi nức tiếng bây giờ.
Chúng tôi vào ngồi bên chiếc bàn dài hướng ra sông, gọi mấy chén chè bưởi, cùng thưởng thức một đặc sản quen thuộc chỗ này. Không chỉ có chè, có trà bưởi, vườn du lịch của ông Năm Huệ còn có gỏi bưởi tôm thịt, có gà hấp bưởi và bì bưởi chiên giòn khá ngon. Mấy món mồi bén đó nhâm nhi với ly rượu bưởi được rót ra từ trái bưởi xanh rờn, hấp dẫn thì còn gì sánh bằng. Gắp một miếng mồi, hớp một ngụm rượu cây nhà lá vườn, lòng du khách thấy lâng lâng nhẹ nhõm, phiêu diêu theo làn gió mát từ sông thổi về. Và, nếu hứng chí, khách có thể xuống mấy chiếc ghe du lịch neo dưới bến kia, thả một vòng dài theo sông nước tận hưởng cảnh quan đẹp đẽ ven sông. Chuyến tham quan du lịch sẽ tròn đầy, thú vị, nên thơ biết mấy!
Đến thăm làng bưởi Tân Triều sáng nay chợt nhớ chiều hôm qua khi vào bảo tàng Đồng Nai tôi cũng đã thấy một trái bưởi lớn đặt trên bệ ngay cổng vào, dưới có hàng chữ “Bưởi đường lá cam Tân Triều”. Trong bữa tiệc chiêu đãi của viện bảo tàng, món bưởi cũng được đặt trên bàn tiệc làm món tráng miệng. Vậy mới biết trái bưởi Tân Triều đã là biểu tượng của thành phố Biên Hòa, Đồng Nai từ xưa nay lại càng ngày càng nổi tiếng khắp nơi. Và không lạ khi chúng tôi quay ra lại bắt gặp một bảng khắc nổi ngay khung cửa đá rất trang trọng cả tiếng Anh, tiếng Việt “Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam – Chương trình Việt Nam – Những điểm đến ấn tượng”. Đúng là người dân xứ này đã biết làm du lịch, biết đánh bóng cho vẻ đẹp riêng của vùng đất cù lao này.
Những điều mắt thấy tai nghe, những đặc sản được thưởng thức cùng sự phục vụ dễ thương thân thiện của mấy cô cậu tiếp viên trong làng du lịch khiến chúng tôi vừa thoải mái, vừa nghe chạnh lòng. Lại nghĩ về thành phố quê nhà, mình có đặc sản nào nức tiếng vậy không? Dĩ nhiên trái bưởi Năm Roi cũng đã có thương hiệu, cũng ngon không kém bưởi Biên Hòa, tiếc thay lại là của Vĩnh Long! Họa chăng trước đây có cam Phong Điền. Nhưng đó đã như một thời vàng son của quá khứ mất rồi!
Rời khỏi làng bưởi Tân Triều và vườn du lịch Năm Huệ, lòng đầy thán phục sự kiên trì, chịu khó của một cư dân Đồng Nai quyết tâm làm vang danh vùng đất này khi đưa trái bưởi Tân Triều đi xa, thơm nức tiếng lành. Xe lắc lư, uốn lượn theo con đường nhỏ hẹp thơm lừng mùi hoa bưởi, trong mắt tôi, mấy bình rượu hình trái bưởi bạn vừa mua cứ xanh mướt, lung linh…