Từ Kathmandu, thủ đô Nepal, chúng tôi chỉ ngồi máy bay ba mươi phút là tới được Pokhara. Thành phố dưới chân Himalaya này đang trong mùa leo núi nên khá nhộn nhịp. Dù Nepal nổi tiếng nhất với đỉnh Everest nhưng phần lớn du khách đến đất nước này là vì những ngọn núi thấp hơn. Trong đó, thấp nhất và thu hút nhiều tay leo núi nghiệp dư nhất có lẽ là ngọn Poon Hill.
Cảnh đẹp và bữa ăn đáng nhớ
Dù có độ cao 3.210m, Poon Hill đối với người Nepal vẫn là một ngọn đồi. Bởi vì với dân vùng núi Himalaya, những ngọn tuyết sơn đủ cao để có tuyết phủ quanh năm mới được coi là núi. Poon Hill mùa này trên đỉnh chưa có tuyết, bù lại thì cung đường lên núi rất đẹp. Chương trình leo núi của chúng tôi sẽ kéo dài bốn ngày. Tiền ăn ở trên núi không đáng kể, chi phí lớn nhất là khoản tiền thuê porter (người mang đồ) giá khoảng 1 triệu đồng/ngày. Buổi sáng đầu tiên ở Pokhara chúng tôi còn siêng năng dậy sớm đi chụp cảnh bình minh bên bờ hồ Phewa. Khi đó, mặt trời mới thả xuống một ít ánh sáng mỏng manh rải đều trên các đỉnh sắc nhọn của dãy Annapurna sừng sững, trong không gian còn mờ tối, những ngọn núi phản chiếu xuống mặt hồ phẳng lặng tạo lên khung cảnh rất kỳ ảo.
Ngày đầu tiên của hành trình trekking Poon Hill khá dễ chịu. Tiết trời mát mẻ, lá vàng bay bay, hoa rừng nhiều chỗ còn tươi thắm. Ngày đầu các thành viên chỉ cần đi bộ hơn mười cây số nên trưởng đoàn để mọi người chụp hình khá thoải mái. Nhiều chị em mê mẩn trước từng vạt hoa tím li ti mọc khắp nơi trong kẽ đá, trên vạt núi, hai bên bờ cỏ, xen kẽ còn có những chùm hoa vàng như mật. Đặc biệt, những ngôi làng kiểu sơn cước ở đây trông rất thơ mộng: mái nhà chênh vênh giữa sườn núi, ô cửa màu sắc sặc sỡ, lối đi nhỏ xíu được xếp bằng đá xen kẽ với hoa hồng, hoa dại. Vừa đi, du khách có thể nghe tiếng nước chảy róc rách và tiếng gió rì rào. Theo đường mòn, chúng tôi đi qua vài ngôi làng khác với những căn nhà được xếp bằng đá nằm sát đường rồi đi qua khu ruộng bậc thang trải dài trên sườn đồi.
Từ đây, đoàn vượt hơn 3.200 bậc thang bằng đá để đến làng Ulleri. Hai bên đường có nhiều thác nhỏ và cầu treo bằng thép do người Anh xây dựng khá vững chãi. Khung cảnh thật khác biệt với chặng đường đến làng Banthanti lúc nãy. Ở Banthanti, chúng tôi như lạc vào khu rừng nguyên sinh nhiệt đới phủ đầy cây dương xỉ và rêu xanh. Ánh nắng xuyên vào rừng tạo nên vẻ kỳ bí trong những khoảng tranh tối tranh sáng của rừng già. Chiều xuống trong giây phút nghỉ chân, mọi người say mê ngắm nhìn hoàng hôn buông từng vạt màu cam, đỏ, tía rực rỡ trên dãy núi tuyết xa xa.
Thử thách đầu tiên với du khách trong vài ngày đầu có lẽ mới chỉ dừng lại ở tiết mục ẩm thực. Bữa ăn xứ Nepal ít rau, nhiều tinh bột và hầu hết các món đều có cà ri. Sau bốn ngày liên tục ăn cơm với cà ri, bữa tối tại điểm dừng chân hẻo lánh, ai nấy mừng rỡ khi thấy thực đơn có khoai tây chiên và xúp gà. Chỉ khi món ăn được dọn ra mọi người mới phì cười: khoai tây chiên là khoai luộc chín rồi đem xào với rất nhiều dầu mỡ và cà ri, xúp gà là một tô sữa trâu ngọt như chè, gà chỉ vài miếng nhỏ và tất nhiên là cũng rất nhiều cà ri!
Sang ngày leo núi thứ hai, chúng tôi mới thấy khả năng thích nghi, đặc biệt là trong chuyện ăn uống sẽ quyết định thế nào đến sinh tồn. Đường bắt đầu dốc, không khí loãng hơn, những ai kém ăn trong mấy ngày vừa qua dần đi tụt lại phía sau. Bù lại, cảnh đẹp như hút vào tầm mắt với những thung lũng xanh tươi, dải núi trùng điệp, rừng tre trúc và cả khoảnh khắc ngắm bình minh hòa cùng dải mây trắng bồng bềnh. Qua một đoạn đường đi dọc thảm cỏ non cạnh dòng suối thì những con dốc cao bắt đầu thách thức đôi chân. Cảm giác hào hứng dần chuyển sang lo lắng khi chân cẳng nhiều lúc mỏi đến tê dại. Trước khi đi, các thành viên đều đã tập thể lực nghiêm túc cả tháng nhưng xem ra, cung đường phía trước vẫn sẽ không dễ dàng chút nào.
- Xem thêm: Thú vị như cuộc sống ở Bhutan
Gian khổ mới đến được “thiên đường”
Cả buổi sáng chúng tôi chỉ có leo lên và leo lên, thỉnh thoảng gặp một nhóm đi ngược chiều hoặc dân địa phương gùi hàng lên núi. Nụ cười hiếu khách với lời chào rộn rã tiếp sức cho những bước chân đang chùn đi. Không khí trong trẻo, mát mẻ của núi rừng trùng trùng điệp điệp. Trời xanh ngắt và những đỉnh núi tuyết lồng lộng khuyến khích mọi người tiến về phía trước.
Con đường tiếp tục uốn lượn trên sườn núi, băng qua những ngôi nhà với món trà sữa tiếp sức đặc trưng. Ngày leo núi thứ hai thực sự thử thách ý chí của tất cả mọi người. Càng về cuối ngày, chúng tôi càng thấm thía sự khổ luyện khi chinh phục đỉnh cao, những con dốc dựng đứng nối tiếp nhau phần nào đã làm lung lay ý chí của các thành viên. Sự lo lắng mỗi lúc một gia tăng khi chứng kiến con dốc sau cao hơn con dốc trước. Các thành viên bắt đầu hoang mang khi chứng kiến một số du khách phải nhờ porter dìu bước. Kết thúc hành trình dài khoảng 15 cây số của ngày thứ hai, ai nấy đều rã rời. Ở trên núi, ngay sau nắng tắt thì nhiệt độ giảm rất nhanh. Trời lạnh buốt nhưng may sao trăng quá đẹp. Ánh trăng sáng lấp lánh trên các ngọn núi tuyết bạc đầu, đêm trăng mà vẫn nhìn thấy sao rõ mồn một, thật là đã gần chạm đến thiên đường! Thỉnh thoảng mây bay tràn xuống che ngọn núi rồi lại bay đi…
Năm giờ sáng hôm sau, mọi người đã nối nhau leo lên đỉnh Poon Hill với ánh đèn pin loang loáng. Nhọc nhằn nhưng với sự háo hức và say mê, nhiều du khách đã đứng trên vọng cảnh đài ở độ cao 3.200m trong tờ mờ sáng để đón chờ mặt trời lên. Khi những ánh nắng đầu tiên chiếu vào ngọn núi tuyết, chúng khiến cả ngọn núi chuyển sắc sang màu hồng, tia nắng càng kéo dài ánh sáng càng lan tỏa lấp lánh, rồi những ngọn sương mai đậu trên ngọn cỏ úa của mùa thu.
- Xem thêm: Những sắc màu rực rỡ ở Nepal
Đến 9 giờ sáng, đoàn mới bắt đầu khởi hành xuống núi, đường về đỡ vất vả hơn một chút vì không phải leo trèo, tuy nhiên ai nấy đều đã gần kiệt sức, nhấc chân lên cũng khó khăn do đau nhức. Đã vậy chúng tôi còn gặp mưa đá, thời tiết vùng núi này đến là thất thường. Chặng về 30 cây số dường như gấp đôi chặng đi! Cảnh vẫn đẹp nhưng mắt nhiều lúc không mở nổi. Các bữa ăn thấm đẫm cà ri tiếp tục là cuộc chiến giữa cái miệng và cái bụng. Miệng không muốn nuốt nhưng bao tử vẫn réo ào ào vì cần nạp thật nhiều năng lượng mới mong đủ sức tiếp tục.
Về đến gần điểm xuất phát, đôi chân tôi đã tê cứng không còn cảm giác, đi trên đường bằng vẫn cứ loạng choạng muốn té. Chưa bao giờ các thành viên có cảm giác kiệt sức đến như vậy! Ấy thế mà đây mới là cung đường dễ đi nhất vùng núi Himalaya. Chẳng trách sao Pokhara có hẳn đài tưởng niệm những người leo núi. Nhiều nhà leo núi đã qua đời sau khi trở về Pokhara được một ngày. Nhưng đã được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời của vùng Himalaya, du khách sẽ hiểu vì sao người ta có thể mạo hiểm cả tính mạng để đổi lại những khoảnh khắc khó quên!