Trong lối sống đô thị Việt Nam hiện nay thường có xu hướng các gia đình thành viên tách ra để có được sự riêng tư nhiều hơn, nhưng với đại gia đình này lại khác. Khi mà nhu cầu về không gian ở nhiều hơn, họ tìm một miếng đất mới, rộng hơn… rồi nhờ người thiết kế kiến trúc làm một ngôi nhà để ba thế hệ với bốn gia đình cùng sống.
Cái khó nhất với người thiết kế kiến trúc là làm thế nào để đáp ứng các nhu cầu “riêng” của từng gia đình nhỏ cũng như nhu cầu “chung” của đại gia đình. Ở đây, không chỉ là bài toán về không gian, tổ chức giao thông hợp lý mà còn là việc nhìn thấy những khả năng có thể phát sinh trong khai thác và sử dụng để giải quyết chúng ngay từ trong thiết kế. Mặt bằng xây dựng cũng không phải là quá rộng: 8m x 16m, mở ra con đường phía trước mà tầm nhìn được đánh giá là không thú vị, vậy nên người thiết kế tạo ra một khoảng sân trong, có vai trò như một mảng xanh đan xen, tạo nên view nhìn cho các phòng, đồng thời tách riêng gia đình thành viên một cách tương đối. Còn lại, căn cứ vào các nhu cầu “riêng” và “chung” mà sắp xếp cho phù hợp.
Tầng trệt là phòng khách và bếp, chừa một nửa diện tích phía trước để làm chỗ đậu xe chung, tách rời với phòng tiếp khách chung bởi một bức tường, nhưng giao thông được tổ chức từ nhà xe và từ phía mặt tiền để tiện tiếp cận với phòng khách. Một vách ngăn nhẹ và linh hoạt giữa phòng khách với khoảng sân trong để việc tiếp khách không ảnh hưởng tới các hoạt động còn lại. Phía trong của sân vườn là gian bếp chung, cảm giác khá thoải mái, có một góc cho bọn trẻ ngồi học tập khi cần thiết. Khu vực bàn ăn cũng là nơi có thể tiếp khách thân của các gia đình. Tầng trệt cũng có một phòng riêng của bà ngoại. Bà đã ngoài 80, vẫn khỏe và ưa thích nấu ăn nên phòng của bà được bố trí gần với khu vực bếp hơn cả.
Các tầng lầu là không gian riêng của từng gia đình thành viên. Nhà có hai con nhỏ thì lưu ý để có được góc học tập riêng cho trẻ. Phòng thờ và góc tụng kinh được bố trí ở tầng mà nữ chủ nhân của gia đình nhỏ ấy có thói quen tụng kinh hằng ngày. Lầu hai có hẳn một gian bếp riêng cho gia đình có nhu cầu ăn uống và nấu nướng theo sở thích của mình. Đặc biệt, với cặp vợ chồng trẻ nuôi thú cưng, người thiết kế cũng thu xếp để có riêng một không gian dành cho con chó của họ trên sân thượng. Phía hai đầu của sân thượng cũng là hai mảng vườn để trồng rau. Một nhu cầu chung của đại gia đình là thích hát karaoke, người thiết kế đã thu xếp để có được không gian giải trí này, tính toán để giao thông không bị chồng chéo, các gia đình đều có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất.
Ưu điểm trong ngôi nhà này là tùy theo vị trí mà các phòng đều có được ánh sáng tự nhiên hoặc góc nhìn ra mảng xanh. Mọi thứ đồ đạc và vật liệu trong ngôi nhà được lựa chọn khá đồng nhất, không toát lên vẻ sang trọng nhưng tiện nghi, người thiết kế cho biết lựa chọn như vậy vừa đảm bảo đủ tiện ích trong gói chi phí đầu tư cho phép, đồng thời giữ sự đơn giản và thống nhất về thiết kế.
Có nhiều trường hợp, thiết kế sẽ định hình nên một phong cách sống. Ngược lại, cũng có những ngôi nhà được hình thành dựa trên chính lối sống của chủ nhân. Ở công trình này không toát lên cá tính của người thiết kế, cũng không rõ bóng dáng một chủ nhân cụ thể nào, bởi nó được nhắm đến việc khai thác chung của các gia đình thành viên khác nhau, sự hợp lý trong các vấn đề “riêng” và “chung” được ưu tiên và đó cũng chính là ưu điểm của thiết kế.
- Bài Ngô Dy, Ảnh Hiroyuki Oki
Thiết kế – xây dựng: KTS Đào Quốc Việt
Công ty XYZ, địa chỉ: 38 Trần Cao Vân, P.6, Q3, TP.HCM
Điện thoại: 0989305878
Website: xyzsaigon.vn