Lực lượng lao động trong ngành Du lịch – Khách sạn đang thiếu trầm trọng do sự phát triển nhanh chóng của ngành này trên cả nước. Nếu như trước đây, doanh nghiệp thường chỉ tuyển dụng ứng viên có ít nhất một năm kinh nghiệm, thì hiện tại, hầu hết sinh viên mới ra trường đều có việc làm. Như vậy, cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên ngành Du lịch – Khách sạn khá rộng mở, nhưng cách thức đào tạo tại các trường đại học cần phải đổi mới để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhất là các kỹ năng mềm. Đây là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trong buổi tọa đàm về Đào tạo đại học ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn diễn ra vào tháng 7 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo Tác động kinh tế của du lịch 2016 của World Travel & Tourism Council, năm 2015, ngành dịch vụ Du lịch và lữ hành trong năm 2015 đóng góp hơn 6.035.000 việc làm, chiếm 11,2% tổng số việc làm, được dự báo tăng 0,7% trong năm 2016 và dự kiến đạt đến 7.632.000 việc làm vào năm 2026. Thế nhưng, chất lượng đào tạo các ngành liên quan đến du lịch, nhà hàng và khách sạn tại 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng và 117 trường trung cấp vẫn chưa đảm bảo. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch đang tăng trưởng cao về lượng khách nhưng lại thiếu nguồn nhân lực. Ở nhiều điểm đến như Phú Quốc, Hội An, Đà Nẵng… các khách sạn đang thiếu nguồn lao động có chất lượng. Phần lớn doanh nghiệp đều phải bỏ chi phí để đào tạo lại. Do đó, rất cần những chương trình hợp tác quốc tế, dạy theo chuẩn quốc tế, tăng cường thời gian thực tập để những người học xong có thể làm việc ngay nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả học viên và doanh nghiệp.
Từ năm 2017, Đại học Ngoại thương, Trường Cao đẳng Khách sạn Quốc tế Imperial và Đại học Niagara (Mỹ) bắt đầu hợp tác đào tạo ngành Khách sạn, bảo đảm cho sinh viên có đến 70% thời gian thực hành tại khách sạn năm sao trong suốt khóa học. Thông tin tuyển sinh cho hai chương trình học đầu tiên đã được đưa ra vào tháng 6 vừa qua, gồm khóa học Quản trị Khách sạn trong vòng chín tháng dành cho sinh viên sắp hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành Khách sạn và khóa tiếng Anh TOEIC chuyên ngành Du lịch – Khách sạn. Hai khóa học trên sẽ bắt đầu từ tháng 9-2017, học bằng tiếng Anh, với đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước của ba trường này. Giáo trình đào tạo nghiệp vụ khách sạn do Đại học Niagara cung cấp.
Các khóa học đều dành 70% thời gian cho sinh viên thực hành tại khách sạn năm sao The Imperial Vũng Tàu. Trong thời gian đầu, học phí của khóa học Quản trị Khách sạn trong chín tháng là 86 triệu đồng/người. Trong niên khóa này, trường chỉ mới tuyển 150 sinh viên. “Với sự hợp tác ba bên, chúng tôi còn nhắm đến nhiều chương trình ngắn hạn, liên kết và chính quy cả cho bậc đại học và sau đại học để đạo tào nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng kỳ vọng sự hợp tác này sẽ đem lại cho ngành du lịch Việt Nam một lực lượng lao động có chất lượng hơn. Hiện nay, điểm yếu của sinh viên ngành Du lịch là không thông thạo tiếng Anh và có thời gian thực hành rất ít nên thiếu kỹ năng làm việc thực tế.
Trong khuôn khổ chương trình “Phát triển hệ thống nhân lực cao cấp ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn Việt Nam giai đoạn 2015-2020”, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Công ty Hospitality & Tourism Solutions hợp tác tổ chức chương trình Quản lý thực tập sinh chuyên nghiệp dành cho ngành đào tạo Quản trị kinh doanh chuyên ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn. Trong chương trình hợp tác này, học viên được đào tạo về thái độ, định hướng và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nghề theo Bộ Tiêu chuẩn về các kỹ năng nghề du lịch Việt Nam VTOS, năng lực đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, học viên chương trình này sẽ được tham gia vào hệ thống định hướng và cố vấn trực tuyến bởi mạng lưới các nhân sự nhiều năm kinh nghiệm quản lý trong ngành trong và ngoài nước.
Điểm mạnh của chương trình là mang thực tiễn song song với quá trình học lý thuyết của sinh viên, tối đa trải nghiệm của sinh viên trong môi trường khách sạn, dịch vụ cao cấp trong suốt quá trình bốn năm đào tạo. Vì vậy, đây được xem là bước đột phá trong sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường nhằm mang đến một giải pháp mới trong đào tạo nhân lực ngành đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cũng như yêu cầu của hợp tác, cạnh tranh của nhân lực du lịch, nhà hàng và khách sạn trong xu thế mới.
Cũng là sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhưng “Học kỳ doanh nghiệp” của Trường Cao đẳng Hoa Sen hợp tác với Khách sạn Ciao Saigon lại có nét khác biệt. Theo đó, sinh viên ngành Khách sạn – Nhà hàng của trường sẽ thực tập tại hệ thống Ciao Saigon ngay học kỳ đầu tiên. Ông Nguyễn Trọng Duy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hoa Sen cho biết: “Sinh viên vừa hoàn tất thủ tục đăng ký nhập học ngành Khách sạn – Nhà hàng là có thể tham gia một tháng “Học kỳ doanh nghiệp” tại hệ thống nhà hàng khách sạn bốn sao Ciao Saigon. Đây là điều kiện giúp các em sinh viên có cái nhìn toàn cảnh về ngành mình lựa chọn, trong đó có cả những thuận lợi và nhiều khó khăn phải vượt qua. Chúng tôi chấp nhận rủi ro là nhiều bạn sẽ cảm thấy thất vọng hoặc không vượt qua nổi thử thách dẫn đến bỏ học nhưng nhà trường chấp nhận điều này để có thể lựa chọn được những sinh viên đủ năng lực và đam mê”.
Tuy nhiên, số lượng sinh viên được lựa chọn trong chương trình hợp tác này cũng khá hạn chế, vì các em sẽ được làm công việc của nhân viên chính thức, có thể được trả lương. Để không ảnh hưởng đến uy tín của khách sạn thì Ciao Saigon cũng đưa ra một số yêu cầu nhất định đối với sinh viên. Theo đó, sinh viên cần có ngoại hình ưa nhìn và tiếng Anh giao tiếp cơ bản, ngoài ra sinh viên thực tập tại khách sạn cũng sẽ được hướng dẫn những kỹ năng cơ bản nhất để có thể làm việc như một nhân viên thực thụ tại Ciao Saigon.
Trong một tháng theo học “Học kỳ doanh nghiệp” tại Khách sạn Ciao Saigon, sinh viên sẽ được tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực khách sạn, từ đó trang bị cho mình thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần học hỏi, rèn luyện tay nghề, phục vụ cho nghề nghiệp tương lai.
Có thể thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được vai trò của mình trong việc cùng nhà trường đào tạo thực hành cho sinh viên, hỗ trợ đào tạo những kỹ năng đặc thù trong môi trường kinh doanh du lịch và khách sạn, tham gia nói chuyện và trao đổi về những kinh nghiệm công việc… Sự chủ động hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng nếu đạt hiệu quả như mong đợi hứa hẹn sẽ tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường du lịch trong tương lai gần.
- Thúy Vân