Một buổi chiều đẹp, anh đón vợ về, đang tíu tít nói cười vui vẻ, thì phía xa, một đứa bé lạ hoắc vẫy tay về phía anh, gọi “Ba ơi!”. Anh ngơ ngác rồi phì cười, chắc đứa bé đã nhầm, ai chẳng có nét cười, nét đứng, kiểu tóc hay vóc dáng tựa tựa nhau.
Vậy mà chuyện đâu có xong dễ vậy. Từ lúc ấy, vợ anh cứ hầm hầm như người mất của. Hỏi không nói, ai chào cũng chỉ ậm ừ. Anh biết ngay có chuyện. Tối đó giải thích thế nào, vợ cũng nghĩ rằng anh đã làm việc xấu. Có cả chục kịch bản cô vặn hỏi, cái nào cũng như trong phim, cái nào cũng… logic. Khổ, giờ có khi thằng nhỏ đó đang ôm ba thật của nó ngủ khò rồi, mà “ba giả” của nó còn phải lo dập lửa do nó vô tình đốt lên.
Mà mấy việc suy nghĩ vẩn vơ rồi ra chuyện như thế, đời này nhiều lắm, ai cũng mắc. Cứ mỗi năm một lần, cô vợ đi họp lớp về, chưa kịp thay đồ gì, lại sà xuống kể lể về đám bạn học xưa. Nào là anh bạn bí thư này mới mua xe, anh bạn lớp trưởng kia mới thăng chức, mới mua nhà mặt tiền, hay cô bạn học dở nhất lớp năm nào, lấy chồng đại gia, giờ suốt ngày chỉ chăm chăm đi du lịch. Sướng như tiên. Anh chồng nghe mà ruột gan cứ nóng hừng hực. Tối đó nằm trằn trọc, cứ nghĩ sao mà mình vô dụng, nghỉ việc hay “ra riêng”, rồi vợ mình có ý gì không, làm sao tìm đường để giúp vợ được bằng bạn bằng bè. Rối beng hết cả.
Hay có một lần, thấy vợ đi ra đi vào, buồn thỉu buồn thiu, anh hỏi mới biết cô ấy vừa xem một bộ phim trên tivi. Trong bộ phim đó, một ông vua già đã hỏi kháy cậu con trai bất trị của ông, một người muốn làm học sĩ – rằng học sĩ có phải là những kẻ dành cả cuộc đời của mình để học thuộc làu chiến công của những người giỏi hơn họ hay không? Vợ anh nghe tới đây thì ngẫm nghĩ, rồi buồn cho bản thân, vì cô ấy là giáo viên dạy sử.
Một bận, ngồi với sếp cũ, thấy anh tiều tụy, ông hỏi vì sao, anh thật thà, khai rằng dạo này mình có “bàn tay vua Midas” – hễ đụng vào việc gì là thất bại việc đó. Lúc nào cũng thấy bận, quay như chong chóng mà chẳng việc nào vào việc nào, cái nào cũng bung bét, công ty mới khởi nghiệp có mấy tháng đã sắp phá sản tới nơi.
Sếp nghe vậy, kể anh nghe chuyện một nhà sư đắc đạo. Rằng có một người thường, gặp một nhà sư đã đắc đạo sống trên núi, hỏi ông sau khi đắc đạo rồi, ông thấy có gì khác không. Nhà sư chỉ mỉm cười, bảo trước khi đắc đạo, ông bổ củi thì nghĩ tới nhóm bếp, nhóm bếp thì nghĩ tới gánh nước, còn gánh nước thì nghĩ tới bổ củi. Giờ đắc đạo rồi, bổ củi chỉ nghĩ tới bổ củi, gánh nước chỉ nghĩ tới gánh nước, nhóm bếp chỉ nghĩ tới nhóm bếp thôi…
Trên đường về, anh cứ cười thầm mãi câu cuối mà sếp đúc kết: “Người ta bảo suy nghĩ của con người cũng tản mạn như con bướm, lúc đậu lúc bay, không bao giờ dừng, thậm chí đến đêm ngủ còn mơ toàn những thứ quái gở. Nên muốn sống khỏe, làm việc tốt, thì phải học cách không quan tâm mấy việc tầm phào đi”.
Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, không quan tâm chưa chắc đã được nhẹ đầu. Mấy năm trước, một người bạn kể cho anh nghe chuyện mà mặt buồn rượi. Chẳng là hôm đó bạn làm việc ở nhà, vừa mở cửa phòng làm việc ra, thì thấy một con cào cào xanh, đựng trong một cái chai bẩn thỉu, nằm chình ình trên đống giấy tờ tài liệu quan trọng đang làm dở. Đang tập trung suy nghĩ công việc, bạn càu nhàu chửi mấy câu, rồi ném cái chai có con cào cào vào sọt rác. Tối đó, bạn thấy mẹ mình ít nói, cư xử hơi khác (vẫn còn may là bạn chưa vì chuyện công ty mà bỏ mặc cảm xúc của mọi người trong nhà qua một bên). Bạn khó hiểu, mới hỏi lại vợ, hóa ra mẹ bạn nhớ hồi nhỏ bạn thích chơi cào cào, nên ngồi cả buổi ngoài vườn rình bắt. Bà già mắt kèm nhèm, mồ hôi nhễ nhại, vui mừng mang con cào cào vào phòng cho bạn. Tưởng bạn vui, ai dè tối đó bà lại thấy con cào cào nằm chết queo trong sọt rác…
Lại có lần nghe chuyện một doanh nhân nọ, trong một lần thấy mẹ mình bị lừa mất một khoản tiền, thì nổi khùng lên. Anh chẳng cần nghe chuyện người lừa tiền ấy là bạn thân của mẹ mình, đã quyết kiện cho tới cùng vụ việc. “Mẹ đừng quan tâm gì cả, chúng ta sẽ chơi tới cùng với kẻ bất lương ấy” – Anh tức giận nói với mẹ mình.
Anh báo cảnh sát, thuê luật sư, bắn tin tới bạn bè người thân, làm đủ mọi cách. Mục đích là để đòi lại số tiền, tìm cho ra người bạn bỏ trốn của mẹ mình, làm cho người đó bẽ mặt và đau đớn. Còn lại thì anh chẳng quan tâm.
Cuối cùng sự thật là người bạn già của mẹ anh bị đột quỵ, nằm viện mấy tháng trời, tiền không có, con cái cũng không, không cách nào báo với mẹ anh được. Mẹ anh sớm biết chuyện, cố ngăn anh mãi, anh mới dừng lại, chứ chưa biết anh sẽ còn đẩy mọi chuyện đi tới đâu. Mà cũng từ dạo đó, mẹ anh, rồi những người thân của anh biết chuyện, đâm ra sợ anh. Có những việc, họ chẳng nói với anh nữa, vì thấy anh sao mà vô cảm, sao mà tàn nhẫn quá. Anh thấy cô độc, vì chẳng ai hiểu mình.
Vậy đấy, quan tâm không hẳn đã tốt mà không quan tâm cũng chẳng phải tốt. Một anh chồng tử tế, ga-lăng với mọi cô gái, thì đôi khi làm vợ buồn. Vì vợ nghĩ anh đối xử với cô cũng như với mọi người, chẳng có gì khác biệt. Một anh chồng chẳng quan tâm tới ai ngoài vợ, thì cũng làm cô sợ, vì cô tự hỏi cô có điểm gì khác mọi người, và khi nào thì ưu điểm ấy của cô biến mất, khi nào thì cô sẽ phải chịu sự lạnh lùng của anh như cách anh đối xử với mọi người…
Hay nếu mọi người xung quanh không đắc đạo như mình, thì cũng đành lên núi ở một mình như nhà sư nọ?