Phải nói ngay rằng đây không phải cái gọi là “đỉnh cao” sự nghiệp hay tiền bạc gì trong cuộc đời mỗi người, vì suy cho cùng, sống là một cuộc mưu cầu hạnh phúc mà mỗi cá nhân sẽ tìm và nhận diện nó theo cách riêng, chẳng ai giống ai. Có thể với mình thì đấy là an yên nhưng người khác lại thấy tầm thường, tẻ nhạt. Ở đây, chỉ đề cập đến những đỉnh cao thuần túy như dáng núi, ngọn cây… tùy vào vị trí mình đang đứng để xác định. Mà hình như khi đã ở tuổi trung niên, cái gọi là đỉnh cao theo ý nghĩa ấy cũng bớt hấp dẫn và ám ảnh. Với tôi, nó chỉ trở lại trong những khoảnh khắc hân hoan ngắn ngủi khi đứng trên một đỉnh đồi, hoặc một bãi cát ven biển nhìn về những hòn đảo mờ xa trong các chuyến phượt, thấy cô đơn mà bình yên.
Nhưng vẫn còn nhớ mãi những đỉnh cao trong ký ức, khi còn là một đứa trẻ. Nhà tôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bản thân tên gọi của miền đất đã cho người ta hình dung về địa hình địa thế. Đỉnh cao chỉ là dãy Thất Sơn bên An Giang, những chiều ra đồng chăn trâu, phải trời trong lắm mới nhận ra qua những đường viền mờ xa. Nhưng với tôi, đó là một thế giới khác lạ, lại được phủ thêm một lớp huyền hoặc kỳ bí mà tôi không nhớ rõ lắm đọc được ở đâu đó, hình như trong sách của các ông Đoàn Giỏi hay Sơn Nam được tặng thưởng vào cuối năm học ở trường làng. Tôi vẫn mơ ước là sau này khi lớn lên sẽ tìm đến những ngọn núi ấy.
Đỉnh cao cụ thể và rõ rệt nhất với tôi là tháp chuông nhà thờ. Ở quê, dù từ đâu nhìn về nó cũng thấy sừng sững một đỉnh tháp nhọn như ngọn giáo đưa lên trời. Chẳng biết đỉnh tháp làm bằng gì nhưng tôi nhớ là có những khoảnh khắc nó sáng lên lấp lóa dưới ánh nắng mặt trời. Mấy ông già trong xóm nói nó là cái cột thu lôi để sấm sét có đánh thì thu hết vào đấy. Chẳng biết có đúng không nhưng tôi nhớ là hồi đó, cứ thỉnh thoảng nghe kinh này kinh kia có người chết vì sét đánh vào đầu mùa mưa, nhưng riêng xứ tôi thì chưa từng. Dù sao thì cũng rất sợ. Mỗi khi đi làm đồng gặp mưa lớn, có sấm sét thì cứ nhằm mấy rãnh nước sâu mà lội xuống, ngâm mình ở dưới rồi bò về. Quê tôi thuần nông, cũng như bạn bè cùng lứa, tôi lao động từ nhỏ. Tùy theo độ tuổi mà làm, nhỏ thì chăn trâu, lớn lên chút xíu thì vạt cỏ bờ, rồi cắt lúa, nhổ cỏ… Mùa nước nổi thì chống xuồng ra đồng thả lưới, cắm câu. Giữa mênh mông bát ngát ấy thì tháp chuông như một điểm để định vị, bởi không có cái tháp chuông nhà thờ nào giống nhau. Nhiều khi cắt lúa mỏi lưng cũng hay ngóng về phía tháp chuông, để tìm kiếm một điều gì không rõ. Cũng có thể chỉ vì sốt ruột, chờ tiếng chuông lúc 12 giờ trưa để về nhà.
Nhưng hấp dẫn nhất với tôi vẫn là những buổi chiều đi lễ ở nhà thờ. Hồi đó, phải cảm ơn người thiết kế đã xây những bệ đá xung quanh tháp chuông, có thể nằm, ngồi tùy ý.
Tôi thích nhất cái cảm giác những buổi chiều đi lễ thật sớm, nằm trên bệ đá, ngửa mặt lên trời nhìn mây bay, cho đến một lúc nào đó, cảm giác như mình và tháp chuông đang bay, còn bầu trời thì đứng yên một chỗ, rất lạ. Cũng cái tháp chuông ấy còn là nơi trú ngụ của những tổ ong. Mặc dù bị cấm nhưng thi thoảng mấy anh lớn vẫn hay lấy cây chọc cho tổ rớt xuống, đem về làm mồi câu. Dù sao thì đỉnh tháp chuông vẫn là một thế giới mà không chỉ riêng bọn trẻ chúng tôi mà người lớn cũng ít có cơ hội để tiếp cận. Với tôi, đó là thế giới của các thiên thần, thế giới của các loài chim với những sải cánh lớn mà những buổi chiều gió to, tôi hay thấy vài con chim quần đảo từ đỉnh tháp sang phía mái nhà thờ rồi ngược lại, chắc do bị động tổ. Chỉ riêng mùa Giáng sinh, đỉnh tháp là một dải ngân hà với các dây đèn điện và những ngôi sao thắp sáng, kéo suốt từ đỉnh tháp xuống hang đá ngoài trời.
Và không thể bỏ qua cái yếu tố quan trọng nằm trên tầng cao nhất của tháp: quả chuông. Quả chuông đồng khá lớn, tôi nhớ rằng hồi nhỏ tầm sáu, bảy tuổi, có đứa trẻ trong bọn tôi tinh nghịch đánh đu trên sợi dây chuông ấy nhưng chẳng ăn nhằm gì. Muốn kéo chuông, cần phải có sức lực của một người lớn, mà cũng phải mất một quãng thời gian để tạo biên độ lúc lắc đến một thời điểm nhất định quả chuông mới tiếp xúc với vỏ chuông để tạo ra âm thanh. Thường thì giáo xứ cũng phân công cho một người nhất định làm công việc này. Mỗi ngày sẽ có chuông lúc đúng ngọ (12 giờ trưa) và trước mỗi thánh lễ kéo chuông hai lần, lần đầu để mọi người biết giờ chuẩn bị đi lễ, lần thứ hai là để vào nhà thờ đọc kinh. Thi thoảng cũng có chuông đột xuất, đó là để báo cho mọi người trong giáo xứ biết có người vừa mới qua đời, mọi người hay gọi đó là chuông sầu. Và để kéo chuông sầu, cũng đòi hỏi phải có kỹ năng riêng, sao cho mỗi chặp chỉ có ba tiếng chuông, vì vậy phải có sức khỏe đủ để níu dây chuông và hãm đà lúc lắc của quả chuông cho tiếng kêu ngắt quãng đúng ba lần một nhịp. Khu tôi ở là dân “Bắc năm tư”, tập trung dân công giáo và có rất nhiều nhà thờ, nhiều tháp chuông. Hồi nhỏ tôi có khả năng phân biệt được tiếng chuông của nhà thờ mình và các giáo xứ lân cận, nhưng giờ thì chịu.
Tôi đã đi xa, thấy nhiều dãy núi, viếng nhiều nhà thờ…, đã leo vào bên trong tháp và tận mắt nhìn những dòng chữ bằng tiếng Pháp khắc trên ba quả chuông ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhưng vẫn chưa lên đến đỉnh Thất Sơn và chạm tay vào quả chuông nhà thờ xứ mình. Cuộc đời vẫn cứ hay có những nghịch lý kiểu vậy. Âu đó cũng là điều may, vì những ký ức và tưởng tượng luôn đẹp có khi sẽ trở thành một thực tế tầm thường.