Hầu hết chúng ta đều biết rằng chỉ số vượt khó của mỗi người là một trong những yếu tố quyết định thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống. Nhưng nhiều người trong chúng ta chưa biết rằng chỉ số vượt khó có thể cải thiện được nhờ thói quen vận động mỗi ngày.
Đôi nét về chỉ số vượt khó
Theo Tiến sĩ Paul G. Stoltz, tác giả cuốn AQ – Chỉ số vượt khó thì AQ (Adversity Quotient) cho biết mức độ chịu đựng và vượt khó của chúng ta, đồng thời dự báo ai sẽ vượt qua nghịch cảnh để chiến thắng, ai sẽ đầu hàng, ai sẽ vượt trên cả mong đợi về hiệu quả hoạt động – tiềm năng và ai sẽ từ bỏ. Điểm khác nhau giữa họ chính là sự chênh lệch về AQ – chỉ số khoa học dùng để đo mức độ chịu đựng và cách thức phản ứng trước nghịch cảnh.
Nhà tâm lý học Paul G. Stoltz (Mỹ), người tìm ra chỉ số AQ vào năm 1999 sau 30 năm nghiên cứu, đã cho phát hành tác phẩm Adversity Quotient trên mạng Amazon.com vào tháng 5-1999. Tác phẩm đó ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cả giới tâm lý học lẫn các doanh nghiệp tầm cỡ trên thế giới. Báo The Straits Times (Singapore) sau khi phân tích thái độ vượt khó để đạt tới những mục đích cao đẹp, khẳng định: “Chỉ số AQ vừa đo được sự nỗ lực, quyết tâm, vừa đo được sự thông minh sáng tạo của con người. AQ cũng dự báo về bản lĩnh sống thông qua khả năng xoay chuyển cục diện vấn đề, khả năng đảo ngược tình thế, vượt lên nghịch cảnh và tìm được giải pháp cho các vấn đề khó khăn”.
Trước đây, khi dự đoán về thành công trong tương lai, người ta hay xét trên các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số nghề nghiệp (CQ) hay chỉ số say mê (PQ)… Nhưng thực tế, chỉ số AQ cũng là một thành phần quyết định sự thành bại của mỗi người. Vì trong cuộc sống, để đạt được thành công, chúng ta phải trải qua không ít khó khăn, sóng gió và thậm chí là bất hạnh, khổ đau, tuyệt vọng. Muốn vượt qua những vấn đề đó, chúng ta phải có ý chí, sự mạnh mẽ, kiên cường, nhẫn nại. Và chỉ số AQ chính là yếu tố làm nên những phẩm chất ấy.
Chỉ số vượt khó đã quen thuộc với thế giới nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Nói ngắn gọn, đây là một loại thang đo khoa học về khả năng chịu đựng và tính kiên trì trong cuộc sống của mỗi người. AQ bao gồm bốn yếu tố chính: (1) Sự kiểm soát (Control) là mức độ nhận thức của mỗi người về khả năng họ tiếp tục thực hiện một việc dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, từ đó xây dựng nên các yếu tố sức khỏe, sự bền bỉ, khả năng phục hồi; (2) Sự làm chủ (Ownership) là mức độ hành động của mỗi người, xử lý vấn đề dù cho đó không thuộc trách nhiệm của mình, từ đó hình thành tinh thần chịu trách nhiệm, tính cam kết và sẵn sàng hành động; (3) Vượt lên nghịch cảnh (Reach) là mức độ nhận thức khó khăn là điều không thể tránh, hiểu được họ sẽ gặp khó khăn như thế nào và hành động để ứng phó với nó, từ đó dần hình thành cách đối diện stress, căng thẳng, cách tạo năng lượng cho bản thân để đưa đến thành công và (4) Sức bền (Endurance) là mức độ nhận thức về thời gian kéo dài nghịch cảnh và sẵn sàng chịu đựng trong thời gian đó, từ đó tạo ra suy nghĩ tích cực, lạc quan và niềm hy vọng về tương lai.
Với người có AQ thấp, họ có khuynh hướng buông xuôi theo sự thay đổi bên ngoài vì nghĩ rằng vấn đề luôn vượt quá tầm kiểm soát, họ thường bị áp đảo và bất lực trước những khó khăn và không nhìn thấy trách nhiệm cần phải cải thiện nằm ở mình, hầu hết chỉ hay đổ lỗi cho nghịch cảnh và người khác. Những người có chỉ số AQ thấp thường có sức khỏe thể chất lẫn tinh thần yếu ớt và thường trong tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Ngược lại, những người có chỉ số AQ cao được thể hiện qua thái độ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi một cách tích cực, bền bỉ trong hành trình tiến về phía trước. Ngay cả khi phải đối mặt với khó khăn và thất bại, họ vẫn xem nghịch cảnh như cơ hội giúp họ củng cố quyết tâm và mục đích trước đó để đi đến thành công.
Tăng chỉ số AQ bằng vận động
Hiện nay có rất nhiều công cụ để có thể đo chỉ số AQ bẩm sinh như GRIT (phương pháp đo AQ do nhà tâm lý học Paul G. Stoltz sáng tạo ra), mô hình LEAD (phương pháp hiệu quả giúp hồi phục khả năng kiểm soát vấn đề, hướng dẫn bạn tạo ra những lựa chọn và thực hiện hành động), Aspergers AQ (bài kiểm tra trắc nghiệm về chỉ số AQ), hoặc phổ biến ở Việt Nam có sinh trắc vân tay, giúp bạn đánh giá chỉ số vượt khó tự nhiên, chưa bị ảnh hưởng bởi môi trường và việc rèn luyện. Việc nhận biết ban đầu này rất quan trọng để bạn hiểu và chấp nhận bản thân, từ đó có kế hoạch nâng cao năng lực vượt qua trắc trở, tiến đến thành công của mình.
Trong khi các chỉ số khác như IQ, EQ thường rất khó và mất nhiều thời gian để cải thiện thì việc nâng cao chỉ số vượt khó AQ hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta. Dựa trên nghiên cứu về thần kinh học của Tiến sĩ Rachel Nuwer (Hoa Kỳ), bộ não của con người có cấu trúc hoàn hảo để vừa sẵn sàng cho sự thay đổi mà vừa duy trì thói quen cũ. Chỉ số AQ hoàn toàn có khả năng thay đổi theo thời gian nếu chúng ta chủ động xây dựng lại tư duy và không ngừng tạo ra các thói quen mới để nâng cao năng lực vượt khó. Và năng lực vận động thô (các vận động liên quan đến cơ bắp) và năng lực vận động tinh (các vận động liên quan đến sự khéo léo của ngón tay, của vị giác, xúc giác, khứu giác…) có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số vượt khó AQ. Một học viên của tôi là chủ doanh nghiệp trẻ đã vượt qua thói quen hay bỏ cuộc giữa chừng bằng cách tăng chỉ số AQ với các bài tập yoga đều đặn mỗi ngày trong một tháng. Dù thời gian đầu quả thật rất khó để anh ấy làm quen với việc tập luyện mỗi ngày nhưng sau rất nhiều cố gắng, anh ấy đã có những thay đổi vượt ngoài mong đợi.
Như vậy, muốn nâng cao chỉ số vượt khó, chúng ta cần duy trì cả vận động thô lẫn vận động tinh hằng ngày. Vận động cơ bắp bao gồm các hoạt động thể thao như: bơi lội, thể hình, cầu lông, tennis, chạy bộ… hay đơn giản là dùng thang bộ thay cho thang máy. Vận động tinh có thể kể đến như: nấu ăn, hội họa, chơi đàn, nặn tượng, viết thư pháp… Các môn thể thao vừa có tác động đến cơ bắp vừa gia tăng sự tinh tế của cơ thể có thể kể đến như: yoga, khiêu vũ, một số môn võ thuật, khí công,…
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải thấu hiểu bản thân, từ đó thiết lập các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, chẳng hạn như một sự động viên, một người bạn đồng hành, tự tạo động lực hay tham gia vào các hội nhóm lành mạnh. Thực tế, một số người thay đổi vì yêu thương bản thân, số khác có khuynh hướng thay đổi vì những người xung quanh. Vì vậy, việc thấu hiểu bản thân để tìm thấy động lực là khởi đầu cực kỳ quan trọng trong việc cải thiện năng lực vượt khó.
Hãy bắt đầu với những bước nhỏ và quyết không bỏ cuộc ở những bước này. Nếu từ đầu, chúng ta chọn năm vận động và cố gắng duy trì thì sẽ khó đạt được so với việc chỉ chọn hai hành động ưu tiên. Rồi bạn sẽ nhận ra rằng, chỉ cần cố gắng duy trì các thói quen nhỏ mỗi ngày, kết quả lớn sẽ đến vào một ngày không xa. Và sự cải thiện đáng kể chỉ số AQ nhờ thói quen vận động hằng ngày là “trái ngọt” hoàn toàn xứng đáng với công sức và thời gian bạn đã đầu tư.
- Master yoga Khuê Nguyễn
Xem thêm:
- Thể thao cho tôi những bài học về cuộc sống
- Ai cũng có thể dành thời gian và động lực cho thể thao
- Lan tỏa cảm hứng thể thao đến những người xung quanh