Chỉ sau hơn một tháng đánh mất, VN-Index đã “tái chiếm” thành công đỉnh cũ (732,87 điểm ngày 12-4) vào phiên cuối tuần ngày 19-5, với 733,82 điểm, rồi lần lượt thiết lập các mốc điểm cao mới. Đây cũng là tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp của VN-Index. Thanh khoản của thị trường tiếp tục ở mức cao, những phiên giao dịch có tổng giá trị trên 4.000 tỉ, 5.000 tỉ đồng dần trở nên bình thường, kỷ lục mới về phiên giao dịch có khối lượng khớp lệnh cao nhất trong lịch sử giao dịch của VN-Index cũng đã xuất hiện, với hơn 283,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị giao dịch hơn 6.290 tỉ đồng (ngày 16-5).
Những phiên giao dịch sôi động và dòng tiền đầu tư trong nước vẫn đang tăng đều đặn trong khoảng một tháng trở lại đây đã giúp các chỉ số chính tiếp tục đi lên trước áp lực chốt lời ngày càng lớn. Chính vì áp lực này mà nhóm cổ phiếu “nóng” đã nguội đi đáng kể. Đây là nhóm cổ phiếu bất động sản được “bơm lên” từ một vài tháng trước, khởi đầu là một số cổ phiếu như DXG, VPH, PDR,… có nền tăng khá tốt và câu chuyện đi kèm như kết quả kinh doanh quý I tốt, có kế hoạch tái cấu trúc, trả nợ…, sau đó lan tỏa sang các cổ phiếu khác có nền tảng cơ bản yếu hơn hoặc không có thông tin hỗ trợ. Dù vậy, nhóm cổ phiếu bluechip đã làm rất tốt nhiệm vụ dẫn dắt khi thay phiên nhau tăng điểm, “kéo” VN-Index chinh phục các mục tiêu mới. Và như thường lệ, khối ngoại vẫn là “khách quen” của các bluechip và trụ cột, với sức mua ròng hàng trăm tỉ đồng mỗi tuần.
Dường như nỗi lo về một sự điều chỉnh đã không còn, nhà đầu tư hào hứng mua – bán và những phiên giảm điểm không còn là sự đe dọa mà là cơ hội để những ai còn nhiều tiền mặt “săn” cổ phiếu giá rẻ. Mà thực ra, với chỉ số đang ở mức cao như hiện nay, đa số cổ phiếu không còn rẻ nữa, nên nhà đầu tư chỉ đang cố gắng “tìm mua cổ phiếu tốt với giá hợp lý” mà thôi. Từ vài tháng qua, những cổ phiếu được đánh giá cao thường giảm giá chút ít rồi lại bật tăng mạnh hơn trước. Đây là những cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trong quý I vừa qua, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành như VNM, GAS, VCB, MWG, HPG…
Dưới góc độ kỹ thuật, việc VN-Index có sự tăng trưởng bốn tuần liên tiếp với mức tăng tuần sau cao hơn tuần trước đồng thời thanh khoản tăng dần và duy trì ở mức cao như hiện nay là dấu hiệu cho thấy xu hướng của thị trường chung đang rất tích cực. Ngoài ra, việc dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi các cổ phiếu đầu cơ và quay lại nhóm cổ phiếu dẫn dắt (VNM, GAS, VCB…) hay cơ bản (GMD, REE, SSI,…) cũng là tiền đề cho việc gia tăng của các chỉ số trong tương lai. Nhiều dự đoán lạc quan đã cho rằng sự tăng trưởng của những cổ phiếu này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho VN-Index nhanh chóng tiến đến vùng 750-760 điểm. Việc điều chỉnh sâu sẽ khó xảy ra, dù vẫn sẽ có một số nhịp điều chỉnh ngắn khi nhu cầu chốt lời xuất hiện, gây áp lực lên đà tăng của VN-Index sau giai đoạn tăng điểm mạnh và kéo dài.
Hai quỹ ETF (FTSE và VNM) chốt dữ liệu cho đợt tái cơ cấu danh mục kỳ 2 năm 2017 sẽ diễn ra cuối tuần này. Dù vậy, với việc nhà đầu tư trong nước đã quen với hoạt động mua bán của các quỹ trong kỳ tái cơ cấu danh mục, cùng bối cảnh dòng tiền đang hoạt động tốt như hiện nay, tác động của hoạt động này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá các cổ phiếu liên quan cũng như VN-Index. Chiến lược đầu tư thích hợp trong thời gian tới, vì vậy, vẫn là duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng tốt.
- Ngọc Khang