Tại đất nước Mặt trời mọc có sự hòa quyện độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Những ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo và nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên có từ thời xa xưa tồn tại cùng những công trình đô thị hiện đại luôn có sức thu hút đặc biệt đối với mọi du khách. Cách đây hai tháng, chúng tôi đến Tokyo công tác khi tiết trời khá mát mẻ, dễ chịu – đó cũng là thời điểm người dân Nhật rủ nhau đi ngắm lá đỏ và tham dự một lễ hội nông nghiệp độc đáo mang tên Tori no Ichi.
Ngao du núi Takao ngắm lá đỏ
Nằm cách trung tâm Tokyo khoảng một giờ đi tàu điện hoặc xe bus, núi Takao cao khoảng 600m, là một phần của công viên quốc gia Meiji no Mori Takao Quasi, đồng thời cũng là ngọn núi lớn thứ hai ở Nhật Bản (sau Phú Sĩ). Takao là ngọn núi linh thiêng được thờ cúng hơn ngàn năm qua. Nơi đây còn tồn tại nhiều khu rừng nguyên sinh và các loại động, thực vật quý hiếm, nhiều loại nở hoa theo mùa. Vào mùa thu, thật tuyệt vời được ngắm rừng phong đỏ rực như cả ngọn núi Takao đang bốc cháy. Từ núi này có thể thấy rõ khung cảnh tuyệt đẹp của ngọn Phú Sĩ, nhất là khi chiều tà chiêm ngưỡng cảnh Mặt trời lặn dần và mất hẳn phía sau đỉnh núi, vô cùng thơ mộng và lãng mạn.
Du khách thường mất khoảng hơn một giờ để đi bộ từ dưới chân núi lên tới đỉnh theo nhiều lối và cách đi khác nhau. Mỗi con đường có một cảnh quan riêng. Theo đường này, du khách có thể đi qua một cây cầu nhưng ở một con đường khác, họ có thể gặp một thác nước đang tung bọt trắng xóa. Con đường đi bộ số 1 thường được nhiều du khách lựa chọn do rộng rãi, được lát gạch và có nhiều điểm tham quan. Ngoài ra, du khách cũng có thể sử dụng cáp treo hoặc thang máy lên đến lưng núi. Nghe nói cáp treo tại đây có độ dốc cao nhất Nhật Bản. Gần điểm dừng của cáp treo có một điểm quan sát, giúp du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh thủ đô Tokyo.
Dù đi theo lối nào, du khách đều thưởng thức được phong cảnh tuyệt vời. Trên đường lên đỉnh Takao, thỉnh thoảng lại xuất hiện những trụ đá có khắc chữ hay những ngôi miếu nhỏ khói hương nghi ngút, những cửa hàng bán bánh, đồ lưu niệm. Tengu là một loại bánh nổi tiếng của vùng núi Takao. Trước khi lên núi, mọi người đều ăn một chiếc bánh, ngụ ý mong được thần núi bảo vệ. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, Tengu là thần núi – một sinh vật nửa người nửa chim với chiếc mỏ lớn, có khả năng làm cầu nối giữa con người với thế giới thần linh.
Bức tượng Tengu được dựng ở khắp nơi trong đền Yakuo-in và đã tạo nên nét riêng cho đền. Được một tu sĩ Phật giáo thời kỳ Nara xây dựng vào năm 744, đền Yakuo-in là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nhật Bản. Hằng năm, đền thường tổ chức nghi thức chào đón bình minh dịp năm mới rất long trọng, thu hút nhiều người tham gia. Dù cuộc sống rất hiện đại và ngày tết cũng như các lễ hội được điều chỉnh theo Dương lịch nhưng người dân Nhật vẫn giữ được một số phong tục truyền thống, trong đó có tục chào đón bình minh của năm mới tại đền Yakuo-in rất được coi trọng. Đến đền Yakuo-in cầu nguyện là một trong những việc làm không thể thiếu đối với mỗi du khách khi tham quan núi Takao. Vào tuần thứ hai của tháng 3 hằng năm, các vị hòa thượng đền Yakuo-in tiến hành nghi thức cầu nguyện tại chánh điện, chúc cho người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Trên những con đường uốn lượn lên núi, hai bên là các hàng cây cổ thụ phủ đầy lá đỏ tạo nên một khung cảnh vô cùng ngoạn mục. Đặc biệt, các cây tuyết tùng có gốc rất to, những cái rễ khổng lồ của nó trườn dài trên mặt đất như vòi bạch tuộc nên người dân địa phương gọi là cây bạch tuộc. Dù đã gần 500 năm tuổi nhưng đến nay, những cây bạch tuộc này vẫn xanh tươi, thân vươn thẳng lên trời xanh. Theo nhân viên bảo vệ núi Takao, những cây lớn có đường kính gần năm mét, cao khoảng 45 mét. Xem cây bạch tuộc là cây thần, người dân địa phương đặt một tượng bạch tuộc nhỏ bằng đá nằm gần cây cổ thụ to lớn nhất. Theo họ, chỉ cần chạm tay vào tượng bạch tuộc thì sẽ gặp nhiều may mắn.
Ngắm nhìn các bầy khỉ là một trong những điều thú vị không thể bỏ qua khi du ngoạn núi Takao. Khỉ làm đủ trò vui nhộn khiến mọi người quên bớt những ưu tư, bộn bề của cuộc sống thường nhật và thoải mái hòa mình vào thiên nhiên. Dưới chân núi, gần ga Takaosanguichi là một suối nước nóng. Tắm ở suối ấy, du khách sẽ hết mệt mỏi, lấy lại sự sảng khoái sau một ngày leo núi mệt nhọc.
Độc đáo lễ hội Tori no Ichi
Tori no Ichi gắn liền với hình ảnh của chú gà trống, vật nuôi gắn bó với đời sống nông nghiệp và tâm linh của con người, thường diễn ra vào ngày Dậu của tháng 11 hằng năm. Tương truyền rằng tổ tiên của người Nhật – nữ thần Mặt trời Amaterasu vì tức giận trước hành động ngang ngược của em trai là thần Bão Susano nên đã lánh trong hang động, khiến thế giới chìm trong bóng tối. Các vị thần đã tạo ra những con gà trống khỏe khoắn đậu trên những cây sào với hy vọng nữ thần nghe tiếng gà gáy mà xuất hiện. Quả nhiên, thần Mặt trời đã ra khỏi hang và mang lại nắng ấm cho mọi người, giúp cây cối phát triển, mùa màng bội thu. Vì thế, gà trống trở thành một biểu tượng linh thiêng, mang đến sự thịnh vượng cho người dân Nhật. Thanh sào mà gà trống đậu lên là nguồn gốc của cổng Torii – biểu tượng ngăn cách giữa thần linh và phàm tục. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, gà trống còn có khả năng cảnh báo thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn. Trên thực tế, vào những tháng cuối năm, tiết trời trở nên lạnh hơn khiến nhu cầu sử dụng lửa tăng lên, khả năng xảy ra hỏa hoạn rất cao. Do đó, tiếng gà gáy trong những ngày này như một thông điệp của thần linh nhắc nhở con người phải cẩn thận với lửa. Người ta tin rằng năm nào có ba ngày Dậu trong tháng 11 thì năm ấy dễ có hỏa hoạn hơn.
Ban đầu, lễ hội như một nghi lễ nông nghiệp với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho nhà nông một mùa bội thu. Trong dịp này, nông dân dùng gà trống như vật tế cảm tạ thần linh. Ngày nay, đền Otori ở quận Taito-Asakusa, đền Hanazono ở Shinjuku, đền Kitano ở Nakano và đền Ebara ở Shinagawa… là những nơi tổ chức Tori no Ichi được nhiều người biết đến. Đặc biệt, Tori no Ichi được tổ chức tại đền Hanazono ở Shinjuku của thủ đô Tokyo còn mang ý nghĩa tưởng niệm vị anh hùng thời cổ đại Yamato Takeru. Theo sử sách, trên đường đi trấn giữ biên giới phía Đông, ông đã dừng chân tại Hanazono để cầu thắng trận. Sau khi thắng trận, ông đã tạ ơn vào một ngày Dậu của tháng 11 và sau khi chết, ông biến thành một con chim lớn màu trắng. Để nhớ kỷ niệm này, các ngày Dậu trong tháng 11 cũng được chọn làm ngày tưởng nhớ đến ông.
Năm 2016, Tori no Ichi diễn ra trong hai ngày 11 và 23-11, kéo dài từ rạng sáng đến tận nửa đêm. Gắn liền với lễ hội là những cây cào kumade – một công cụ không thể thiếu của nhà nông và là biểu tượng của sự bình an và sung túc. Do đó, khi đến với Tori no Ichi, người Nhật thường mua cây cào làm bằng tre mang về trưng bày trong nhà hoặc trong công ty với niềm tin trong năm tiếp theo sẽ gặt hái được nhiều tài lộc. Trên mỗi cây kumade thường được gắn nhiều vật trang trí, nổi bật nhất là mặt nạ otafuku – biểu tượng của niềm vui và may mắn, chú mèo thần tài maneki neko, chim hạc tsuru và rùa kame – biểu tượng của sự trường thọ, thuyền châu báu takurabune… cùng nhiều thẻ bài ghi những câu chúc tụng tài lộc. Kumade nhỏ có giá trên 1.000 yen, còn cây to thì giá tới 200.000 yen, loại đặc biệt được định giá 500.000 yen. Hằng năm, mọi người đều mua cây kumade. Nếu mua cây nhỏ hơn cây năm trước thì may mắn sẽ ít hơn, vì vậy việc chi tiền mua cây kumade to hơn là điều hiển nhiên.
Hàng trăm quán ăn, cửa hàng bán đồ lưu niệm mọc lên xung quanh đền. Nhờ thế, du khách đến đây còn có dịp thưởng thức những món ăn lạ miệng tốt cho sức khỏe như món mochi kogane, khoai yatsugashira… Nếu có dịp sang Tokyo vào tháng 11, ngoài việc thưởng thức khung cảnh mùa thu tuyệt đẹp, bạn đừng quên hòa mình trong bầu không khí vui tươi và phấn chấn của lễ hội Tori no Ichi để trải nghiệm thêm một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nước bạn.
Xem thêm: