Suối nào chẳng có cá. Nhưng cá dày đặc, chen chúc thì chỉ ở Thanh Hóa, có ba suối cá như vậy.
Suối thứ nhất là Cẩm Lương ở bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách Thanh Hóa 80km, phía bắc sông Mã. Suối thứ hai là Cẩm Liên ở thôn Rùng, Cẩm Thủy, phía tây sông Mã. Suối thứ ba là Văn Nho, ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Tất cả đều là suối ngầm dưới chân núi đá vôi, có hang động kỳ thú, phát lộ và chảy ra sông Mã. Nước suối trong, mát lạnh, uốn lượn giữa khung cảnh nên thơ và dân cư mộc mạc, đồng ruộng tốt tươi với hàng ngàn con cá. Suối sâu độ 30 – 40cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống vuốt ve và đùa giỡn với cá thoải mái. Cá chỉ chơi đùa quanh cửa hang chừng vài trăm mét độ lại, không ra ngoài. Hình như cá cũng biết chọn giang sơn để gắn bó.
Cá nhiều và lớn nhất là ở Cẩm Lương, nặng từ 2kg đến 8kg. Nhỏ nhất là ở Văn Nho, chỉ nặng từ 500gr đến 5kg. Cá suối đa phần là cá dốc, có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Cá có phần giống cá chép, hao hao cá trắm nhưng màu sắc phong phú. Nhiều con khoe sắc đỏ trên thân, căng tròn phần giữa, lưng hơi sẫm, môi phớt hồng, vây và đuôi chấm đỏ. Khi bơi, thân cá phát sáng nhiều màu, lấp lánh ngũ sắc. Ngoài ra còn một ít cá chài, cá mại.
Cá dày đặc nhưng nước không tanh do nguồn suối sạch và chảy mạnh. Người dân vẫn thường nấu ăn bằng nước suối. Suối cá gắn liền với bao huyền tích nên người dân gọi là cá Thần linh thiêng. Theo tín ngưỡng dân gian, sự sung túc của đàn cá suối sẽ đem bình yên no ấm cho cuộc sống. Bao đời nay người dân luôn gìn giữ nuôi nấng. Chọc phá hay ăn thịt cá suối là xúc phạm đến thần linh; chẳng những gây ra tai họa cho mình mà còn cả cộng đồng. Lạ nhất là gần như chưa ai thấy cá chết?
Có năm mưa lũ, nước tràn suối nhưng cá vẫn không đi. Có năm lũ lớn, cuốn trôi mọi thứ nhưng chỉ vài ngày, nước rút là cá quay lại. Nhiều người tin rằng cá chỉ ra suối vào ban ngày, tối vào hang nghỉ ngơi. Theo ông Trương Hùng Dũng (65 tuổi) đang trông coi đền Rắn và đền Cá ở suối Ngọc thì chỉ có cá lớn trên 4kg mới vào hang, cá nhỏ hơn vẫn ở ngoài. Không có chuyện thấy cá chúa nặng 30kg, vì đã chết từ thế kỷ XIII nên dân mới lập đền thờ. Hiện chỉ còn chắt chít thôi là mấy con màu đen tuyền. Cạnh dòng suối là đền thờ Thần Rắn với Thanh Xà – Bạch Xà và đền thờ Thần Cá gọi là Thủy Phủ Long Vương. Từ năm 2008, trong Thủy Phủ Long Vương có thêm Tam Tòa Thánh Mẫu. Người dân tin rằng ai giết cá là bị thần trừng phạt. Chưa ai dám trộm cá tại các suối. Đó là đạo trời đất, cá giúp dân làm du lịch, ăn thịt cá là ăn thịt chính mình.
Cá dày đặc mà không chen lấn, dạn dĩ, thân thiết với con người, dù quen hay lạ. Ngắm đàn cá vô tư đùa giỡn và tung tăng, ai cũng bỏ lại phía sau mọi xô bồ tính toán và nghe lòng thanh thản. Đường vào suối cá Cẩm Lương cầu yếu (cầu lớn đang thi công). Xe 25 chỗ trở lên phải trung chuyển bằng xe 16 chỗ hoặc xe gắn máy, giá 50.000 đồng mỗi người, bao luôn bến bãi, vé tham quan (10.000 đồng/vé). Có dịch vụ ăn uống bình dân. Đường vào suối cá, có nhiều quầy lưu niệm. Thích nhất là quầy bán thuốc Nam với nhiều dược liệu quý. Ốc núi béo ngậy chỉ 50.000kg. So với cá da trơn xám xịt trên sông Chao Praya (Bangkok, Thái Lan), nước cũng xám xịt, mà lúc nào tàu bè cũng nhộn nhịp tham quan thì các suối cá ở Thanh Hóa mấy lần ăn đứt.
Chỉ tiếc là dịch vụ quá đơn điệu, vận chuyển khó khăn. Đi chừng trăm người là rối vì chỉ có hai xe 16 chỗ trung chuyển. Nếu được quy hoạch, nâng cấp dịch vụ, sắp xếp lại các quầy hàng, có chỗ lưu trú qua đêm kiểu Homestay Made in VN bình dân mà sạch đẹp nhưở Mai Hịch (Hòa Bình) hoặc cao cấp hơn như Pù Luông Retreat (Bá Thước, Thanh Hóa) thì các suối cá sẽ là điểm tham quan hấp dẫn.
Cạnh suối Ngọc là hang động Cây Đăng. Không hoành tráng như Thiên Đường, Phong Nha nhưng cũng rất đáng xem với nhiều thạch nhũ lạ mắt. Đi sâu hơn sẽ rẽ vào động tình yêu. Ai muốn giữ được tình yêu của mình bền vững thì lấy hai tay ôm lấy cột. Bước lên trên, có hai dải lụa đá. Dải vàng tượng trưng con gái, màu nâu con trai. Muốn sinh con gái thì vuốt dải vàng, muốn sinh con trai thì vuốt dải nâu…
- Ảnh Dương Minh Bình