“Thế rồi cuộc đời là, những cuộc tình chia xa…” Câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy chính là sự tóm gọn cho câu chuyện đầy cảm xúc trong La La Land. Vùng đất của những thiên thần có thể chắp cánh cho mọi người tìm đến ước mơ. Nhưng những kẻ mộng mơ làm sao biết được mình đang bay trên đôi cánh của Icarus. Càng gần mặt trời, đôi cánh sáp kia lại càng tan chảy. Mia và Seb, hai kẻ lãng mạn yêu nhau say đắm trong La La Land không chết như Icarus, nhưng họ vô tình đánh mất nhau vì mải miết đi theo giấc mơ của mỗi người.
Câu chuyện của La La Land không mới. Thành phố Los Angeles đã trở thành bối cảnh của biết bao chuyện tình. Và mối duyên tình giữa hai kẻ đang háo hức lập danh kia cũng không hề mới. Ngôn ngữ của câu chuyện – âm nhạc – cũng không gì xa lạ. Cú máy dài ở đầu phim, cảnh đôi tình nhân nhảy múa dưới ngọn đèn đều phảng phất đâu đó Singin’ in the Rain (1952), Top Hat (1935) hay 8 1/2 (1963). Nhưng một lần nữa, Damien Chazelle – biên kịch kiêm đạo diễn của phim – cho thấy cách kể chuyện quan trọng hơn chính câu chuyện ấy.
Đây mới là phim thứ ba trong sự nghiệp của Damien Chazelle. Nhưng cũng như hai phim trước của anh là Whiplash và Guy & Madeline on a Park Bench, bộ phim này cũng xoay quanh âm nhạc. Lần này, âm nhạc xuất hiện ngay trên tựa phim, bởi ba âm “la” trong La La Land được đặt cạnh nhau, như một âm giai dìu dặt. Và L.A chính là viết tắt của Los Angeles, thành phố của những thiên thần.
Hai “thiên thần” trong thành phố ấy, Mia và Seb, gặp nhau ngay đầu phim, trong một cuộc kẹt xe trên cầu. Nàng mơ ước làm diễn viên, mải mê đọc kịch bản mà quên cả chạy xe. Chàng đứng sau sốt ruột, sau khi bấm còi inh ỏi thì lách xe vượt lên, không quên ngó sang xem cô nàng cản địa là ai. Lần đầu chạm mặt, họ tặng nhau một “ngón tay giữa”.
Cuộc gặp mặt tình cờ ấy là khởi đầu cho một chuyện tình. Nếu nàng mơ ước làm diễn viên độc thoại, có cả sân khấu dõi theo mình thì chàng mơ trở thành nhạc công của một dàn nhạc jazz. Nhưng giấc mơ của họ có vẻ quá xa vời. Nàng thử vai nào rớt ngay vai đó, đành làm thuê ở quán cà phê để kiếm tiền sinh sống. Chàng phải đánh những bài phổ thông trong quán ăn bởi thứ nhạc jazz chân chính chẳng còn hợp thời. Hoài bão tuổi trẻ giúp họ xích lại gần nhau và mau chóng yêu nhau.
Tình cờ là mấu chốt của câu chuyện.
Mia và Seb gặp nhau tình cờ và tái ngộ tình cờ.
Mia: Lạ ghê, sao ta cứ đâm đầu vào nhau nhỉ.
Sebastian: Có khi có duyên phận chăng.
Mia: Tôi chả nghĩ thế.
Seb: Tôi cũng đâu nghĩ gì.
Sự ăn ý tuyệt vời của Ryan Gosling và Emma Stone cũng tình cờ. Bởi vai Mia vốn thuộc về một Emma khác, Emma Watson. Nhưng nữ diễn viên người Anh từ chối vai diễn vì bận lịch quay của Beauty and the Beast (2017), cũng là một bộ phim âm nhạc khác. Trong chiều ngược lại, chính Ryan Gosling cũng từ chối vai trong bộ phim vừa nêu để toàn tâm cho La La Land.
Người viết tự hỏi La La Land sẽ ra sao nếu cặp đôi đóng chính không phải là Ryan và Emma. Đây không phải là phim đầu tiên họ đóng cùng (trước đó đã có Crazy, Stupid, Love và Gangster Squad), nhưng chỉ đến La La Land, sự ăn ý trong diễn xuất của cả hai mới được đẩy lên một tầm cao mới. Có thể nói không quá lời, Seb và Mia là cặp đôi đẹp nhất của điện ảnh thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Ánh mắt họ nhìn nhau đã thay cho lời thoại.
Họ quả thực đã nói với nhau không nhiều. Diễn xuất và âm nhạc đã thay cho thoại. Ryan Gosling chưa từng chơi đàn và Emma Stone chưa từng thâu âm bài hát nào trước khi vào phim. Nhưng bài ca của Emma ở cuối phim đã làm khán giả phải tan chảy, chủ yếu nhờ vào biểu cảm gương mặt tài tình của nàng. Còn Ryan, anh từ chối diễn trên tiếng đàn của Randy Kerber như dự kiến. Thay vào đó, anh tập đánh đàn 2 giờ/ngày và 6 ngày/tuần trong suốt vài tháng trước khi bấm máy. John Legend, bạn diễn của Ryan trong phim, vốn là một nghệ sĩ piano có học hành bài bản, thừa nhận là mình đã ghen tỵ trước tốc độ học hỏi của Ryan.
Để rồi tiếng đàn của Ryan khi vào phim tuy không điêu luyện, nhưng đã hoàn toàn khớp với diễn xuất và gương mặt si tình của anh. Có thể nói: Ryan sinh ra là để vào vai si tình. Ánh mắt của anh, ngay những lúc vui nhất, đã đượm nét buồn. Các nhân vật của Ryan trên màn bạc si tình đến tội nghiệp, dù đó là mối tình khắc cốt minh tâm của Noah trong The Notebook hay mối tình câm lặng trong Drive.
Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến một nhân vật chính khác trong phim. Nhân vật này tuy không có thoại, nhưng lại là người dẫn chuyện xuyên suốt: thành phố Los Angeles. Có khi nó là đài thiên văn, là đại lộ lộng gió, là một cây cầu, là những ngọn đồi, là rạp chiếu bóng. Đấy không chỉ là bối cảnh cho tình yêu của Seb và Mia mà còn là chứng nhân. Thành phố của những thiên thần đã chứng kiến những giấc mơ thành hiện thực và biết bao giấc mơ lụi tàn, đã chứng kiến biết bao chuyện tình và những cuộc chia ly. Los Angeles vẫn ở đó, miệt mài lắng nghe như bài hát của Phạm Duy.
Con đường thảnh thơi nằm
Nghe chuyện tình quanh năm…
Ai trong chúng ta mà chưa một lần yêu, chưa một lần mơ mộng được cùng người yêu mình dạo trên những con dốc dài, nhìn xuống phố thị, dưới một ngọn đèn. Ai trong chúng ta chưa từng mơ được cùng người yêu xem một bộ phim trong rạp, trao nhau một nụ hôn, cầm tay nhau mà bay lên tận trời xanh, ra ngoài vũ trụ. Nhưng mấy ai trong chúng ta đi trọn con đường tình cùng nhau. Hiện thực phũ phàng luôn đưa mỗi chúng ta đến những lựa chọn. Và những lựa chọn ấy chưa bao giờ mang đến một sự vẹn toàn.
Seb và Mia cũng chỉ là hai kẻ mộng mơ, như hai vì sao trên bầu trời rộng lớn. Để có thể tỏa sáng trên con đường của mình, có khi chúng phải tách nhau ra. Điều cuối cùng đọng lại khi kết phim chẳng phải là ánh mắt buồn khi nhớ lại tuổi trẻ của mình nơi Mia hay những ngón đàn tái tê của Seb mà là nụ cười của họ. Sau cùng, tình yêu dù có buồn, nhưng vẫn đẹp như một bông hoa, đâm chồi, nở hoa và tàn đi theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông…
- Minh Trần