Học bổng VEF là chương trình trọng tâm của Quỹ Giáo dục Việt Nam ra đời năm 2000, nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục. Quỹ VEF mỗi năm tài trợ 5 triệu USD, tạo điều kiện cho từ 30 đến 40 nghiên cứu sinh Việt Nam có cơ hội sang học tập ở các trường hàng đầu của Mỹ. Quỹ VEF ngưng hoạt động sau đợt tuyển sinh cuối cùng vào tháng 7-2015 là một tổn thất không nhỏ đối với sinh viên Việt Nam. Chính vì vậy, cộng đồng cựu du học sinh đã xúc tiến thành lập Hội phát triển khoa học và công nghệ VEF để con đường du học của các nghiên cứu sinh Việt Nam không bị gián đoạn.
VEF là chương trình học bổng dành cho sinh viên các ngành khoa học và kỹ thuật là chủ yếu. Các nghiên cứu sinh được ưu tiên lựa chọn là những người có kết quả học tập phải xuất sắc đồng thời có kinh nghiệm nghiên cứu lẫn kinh nghiệm chuyên môn. Trong số hơn 600 người thụ hưởng chương trình này, khoảng 200 người hiện đang giảng dạy, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, khoa học của Việt Nam hoặc khởi dựng doanh nghiệp riêng. Các du học sinh cũng đã xây dựng một mạng lưới cựu sinh viên VEF tại Việt Nam và Mỹ, thường xuyên có những hoạt động rất tích cực, giúp đỡ lẫn nhau.
Ông Trần Đức Cảnh, Cố vấn Quỹ Giáo dục Việt Nam cho biết: “Sinh viên nước ta rất thông minh và chịu khó, chỉ cần có môi trường học thuật tốt là các bạn sẽ phát huy. Trong những năm qua, VEF đã làm tốt nhiệm vụ đưa sinh viên sang môi trường giáo dục Mỹ. Nhờ sự tuyển chọn gắt gao và khả năng học tập tốt của sinh viên tại rất nhiều ĐH Hoa Kỳ, tạo uy tín cho quỹ học bổng này, dần dần mở đường cho một số sinh viên sau này có cơ hội xin học bổng trực tiếp các trường mà không nhất thiết phải thông qua VEF”.
Cùng quan điểm với ông Trần Đức Cảnh, nhóm cựu du học sinh VEF đã quyết định duy trì nhiệm vụ đưa sinh viên sang học tập tại các trường hàng đầu ở Mỹ bằng cách xin học bổng trực tiếp. “Hầu hết giảng viên chuyên ngành kỹ thuật ở các trường hàng đầu đều cần sinh viên đến làm nghiên cứu như một startup. Số tiền được trả hằng tháng cũng tương đối đủ cho các nghiên cứu sinh trang trải cho việc học và sinh sống. Như vậy, nếu có thể kết nối với các giảng viên để đưa sinh viên sang vừa học vừa làm thì chúng ta không cần đến nguồn tài trợ từ VEF nữa”, Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà, cựu du học sinh VEF cho biết.
Nghĩ là làm, anh Nguyễn Thái Hà cùng nhóm cựu du học sinh VEF đã tổ chức đợt tuyển sinh đầu tiên với 200 hồ sơ. Sau các đợt xét tuyển nghiêm khắc thì chỉ còn 20 hồ sơ được chọn. Những hồ sơ này sẽ được các giáo sư người Mỹ phỏng vấn qua mạng internet hoặc phỏng vấn trực tiếp. Tiến sĩ Lê Tiến Dũng, cựu nghiên cứu sinh VEF khóa 2005, chia sẻ: “Khi phỏng vấn, các giáo sư sẽ xem xét ứng viên có tính toàn diện hay không để có thể hoàn tất khóa học, chịu đựng khó khăn và làm quen với các bạn đến từ những nền văn hóa khác”. Theo anh Nguyễn Thái Hà, thông thường, khi các bạn sinh viên tự làm hồ sơ thì sẽ tốn chi phí từ 50-100 USD mỗi hồ sơ. Có sự giúp đỡ của chúng tôi thì một sinh viên nộp nhiều hồ sơ mà không mất phí. Anh nói thêm: “Chúng tôi rất bất ngờ khi các giáo sư người Mỹ tỏ ra rất hào hứng trong việc phỏng vấn sinh viên Việt Nam. Nhiều bạn đã nhận được những lời khen chân thành từ các thầy, có bạn còn được so sánh trình độ tương đương với người có bằng thạc sĩ ở Mỹ. Có thầy còn tự nguyện viết ba lá thư giới thiệu một bạn sinh viên cho ba người bạn đồng môn của ông. Đây là những kết quả bất ngờ chúng tôi chưa nghĩ đến”. Những hồ sơ không đạt sẽ được hỗ trợ để có thể chuyển đến xin học bổng tại các trường khác ở Úc, Pháp, Nhật.
Theo kinh nghiệm của các cựu du học sinh VEF, hồ sơ thường gây được sự chú ý đối với những giáo sư giỏi là những sinh viên đã có kinh nghiệm viết báo cáo khoa học, làm công trình nghiên cứu ngay từ trên giảng đường đại học. Môi trường học tập và nghiên cứu ở Mỹ sẽ cho sinh viên học thêm kiến thức chuyên môn, giao lưu văn hóa, học cách vận hành xã hội khác và hình thành một tư duy khác.
Theo anh Nguyễn Thái Hà, hiện nay, chương trình rất cần một nguồn kinh phí từ 200-300 ngàn USD cho các buổi tổ chức các hội thảo hằng năm nhằm kết nối cộng đồng du học sinh tại Mỹ. Chương trình hứa hẹn sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực đào tạo từ nước ngoài. “Doanh nghiệp thường than thở là thiếu người giỏi và thiếu công nghệ trong nước. Chúng tôi sẽ mang đến lực lượng nhân công có đủ kiến thức, kỹ năng và kết nối với doanh nghiệp để đưa ra những nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp”, Nguyễn Thái Hà nói.
- Tường Lam