Theo con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sau hơn một giờ rời khỏi Hà Nội chúng tôi có mặt ở làng cổ Hùng Lô thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Núi Hùng sông Lô, riêng cái tên làng đã nói lên địa thế lý tưởng của những thôn xóm cổ kính, lâu đời ở đây.Làng Hùng Lô cách đền Hùng chừng mươi cây số và có bề dày lịch sử, văn hóa gắn liền với các truyền thuyết về vua Hùng.
Nằm bên bờ sông Lô, xung quanh có đồng lúa bao bọc, tuy nhiên Hùng Lô có bề ngoài khang trang, sạch sẽ của một làng nghề tiểu thủ công nghiệp chứ không phải làng nông nghiệp. Dân làng nhiều thế kỷ nay vẫn thuộc hàng khá giả trong vùng nhờ nghề làm bún, miến, phở. Làng còn khoảng 50 ngôi nhà cổ tuổi đời từ 100 đến gần 200 năm, trong đó có nhiều nhà được gia chủ tự trùng tu, bảo tồn khá tốt. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà có tuổi thọ hơn 100 năm của ông Nguyễn Hoàng Phúc. Qua thời gian, một số chi tiết trong ngôi nhà đã xuống cấp, gia đình ông thường xuyên tiến hành duy tu, bảo dưỡng đảm bảo giữ nguyên kiến trúc ngôi nhà cổ. Dù có ba thế hệ cùng sinh sống nhưng gia đình ông Phúc chỉ xây thêm một căn nhà ở phần đất bên cạnh, chứ ngôi nhà tổ tiên để lại thì hoàn toàn được giữ nguyên như là kỷ vật.
Tên cũ của làng Hùng Lô là Khả Lãm Trang. Theo tích xưa, vào một ngày trời đẹp vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng ngược triền sông Lô đi tuần thú. Khi qua Khả Lãm Trang, vua thấy nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp lại có khí thiêng bèn dừng lại xem, sau đó khuyên bảo dân chúng đến khẩn hoang vỡ đất xây dựng xóm làng. Nhớ ơn vua Hùng, từ xưa đến nay vào mỗi dịp giỗ Tổ 10-3, làng lại tổ chức lễ hội rước kiệu Đền Hùng với quy mô lớn bậc nhất cả vùng. Dịp này, du khách vẫn đổ về thăm đình Hùng Lô để được chứng kiến lễ rước kiệu của hơn 200 thanh niên, đi đến đâu náo nhiệt đến đó. Lễ vật dâng vua Hùng gồm xôi, gà, bánh chưng, bánh giầy và các đặc sản của địa phương được trưng bày trên năm bộ kiệu sơn son thiếp vàng. Đoàn rước kiệu được tổ chức rất trang nghiêm. Mọi người mặc đồng phục thống nhất, nai nịt gọn gàng từ đầu đến chân. Mỗi người mang theo vũ khí thời cổ xưa được phóng tác to bằng gỗ như: Đại đao, lưỡi tầm sét, chùy đồng, phủ việt, chấp kích, đinh ba – bát biểu… Cuộc rước đi từ đình làng đến Đền Hùng.Sau khi đoàn rước lễ từ Đền Hùng trở về, sẽ tổ chức tế lễ tại đình làng, sau đó về nhà Yến Lão thụ lễ. Đây là đoàn rước có truyền thống, trang nghiêm hiếm có vẫn được người dân giữ gìn đến ngày nay.
Nếu không đi đúng các dịp lễ, đình Hùng Lô vẫn rất đáng để du khách đến chiêm ngưỡng. Di tích lịch sử quốc gia này là quần thể kiến trúc nổi bật ở Phú Thọ, niên đại khoảng 350 năm. Đình gồm có ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ Phật, bệ thờ Thần Nông, nhà Văn Chỉ và nhà Yến Lão. Tất cả đều còn khá nguyên vẹn. Tòa đại đình là một công trình kiến trúc trọng yếu với đường nét kiến trúc cổ thời Lê với bốn mái rộng cao, bốn góc đao cong vút như bốn cánh hoa xòe nở, hàng gạch hộp rỗng hoa chanh chạy theo bờ mái và những con kìm, con số gắn trên đầu nóc. Những khúc quanh trên nóc mái được gắn những tác phẩm đồ gốm quý, chầu nguyệt…
Với những đoàn đông và đặt lịch thăm làng từ trước, du khách sẽ còn được thưởng thức hát Xoan ngay tại cửa đình. Hát Xoan thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa… Nguồn gốc của hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại vua Hùng dựng nước.