Đứa bạn thân của tôi mỗi khi nhắc tới chuyện quê cũ yêu thương cũng không quên vòng vô câu: “Đi mô tau cũng không quên được tô bún quán mụ Xuân ở chợ Đại Lược quê mình!”. Có lần cùng về quê với nhau, tôi chứng kiến hắn ăn liền hai tô bún quán mụ Xuân, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon: “Ăn ri là mập nhưng ngon quá tau phá lệ!”.
Tôi chưa nghe kể chợ Đại Lược của quê tôi được ra đời từ năm nào nhưng trong lịch sử tồn tại và phát triển của ngôi chợ quê tăm tiếng nhất vùng quê này đã có hơn chục hộ gia đình người Minh Hương về đây sinh sống và buôn bán. Có lẽ chợ Đại Lược trở thành một chợ nông thôn nổi tiếng nhất vùng ven biển phía bắc Thừa Thiên – Huế cũng nhờ vào tài buôn bán của những người Minh Hương đã ngụ cư một thời. Nghe đâu từ những năm 1950, chợ Đại Lược đã có người mở quán bán cà phê buổi sáng và khá là đông khách… Thời gian và những biến cố thời cuộc đã khiến những người Minh Hương lần lượt bỏ chợ mà đi. Người Minh Hương cuối cùng rời chợ Đại Lược lại là một thầy giáo, thầy Hàn Chánh Toàn. Thầy cũng là con rể của làng tôi, nên phải đến những năm đầu thập niên 1980 ông mới đưa vợ con dứt áo ra đi khi mà việc buôn bán trở nên quá khó khăn…
Bây giờ chợ Đại Lược đã được xây dựng ở một vị trí mới ngay bên cạnh con đường dẫn từ cầu Hòa Xuân bắc qua sông Ô Lâu. Vị trí đó cũng khá hợp lý để phát triển chợ. Khu chợ ngày xưa trở thành khu dân cư, dấu tích còn lại là ngôi đình chợ rêu phong tồn tại hàng trăm năm và mấy cây vông đồng sần sùi vết tích thời gian. Cũng may là quán bún mụ Xuân vẫn còn đó ở ngay đầu chợ cũ và mỗi sáng đều đông khách đến ăn…
Bến đò xóm Chợ là một bãi cát rộng chứ không phải là một bến đò được xây dựng với mấy bậc tam cấp bằng đá “trên bến dưới thuyền” gì cả. Tầm chín giờ sáng, khi chợ Đại Lược đã vãn, mấy o, mấy mệ bắt đầu gánh những sản phẩm từ chợ, rau củ cá tôm… ra bến đò. Đường từ chợ ra đến bến đò chừng hơn một cây số và là đường cát nên chỉ có gánh gồng chứ không thể dùng xe vận chuyển được. Tôi nhớ có những người làm nghề gánh thuê, nhớ nhất là ông Câm, một người đàn ông khiếm thính khỏe hơn người, gánh cả tạ mà vẫn chạy băng băng. Khách đi đò cũng đông, bởi chuyến đò Huế – Đại Lược là chuyến đò chung của các làng bên dòng Ô Lâu từ Thanh Hương, Vĩnh Xương, Kế Môn và Đại Lược làng tôi… Tất nhiên, trước khi lên đò, khách phải ghé chợ Đại Lược ăn tô bún quán mụ Xuân, tô cháo lòng hàng o Gái hay mấy dĩa bánh đúc gánh mụ Xích lót bụng bởi đò đến Huế cũng tầm ba giờ chiều… Có khi đò còn chở thêm cả chục con heo bị trói ngược bốn cẳng cho nằm dưới khoang đò. Thời còn ngăn sông cấm chợ, chủ đò và mấy người buôn heo cũng cực theo heo khi ngang qua bến đò chợ Biện bị du kích xã kêu vô phạt, ngang qua ngã ba Sình bị thuế vụ kêu vô phạt… Nhưng buôn heo hồi đó một vốn bốn lời nên đến chỗ ba toa đường Huỳnh Thúc Kháng – Huế thấy mấy người buôn heo vẫn cười toe toét đếm tiền.
Những chuyến đò thường được gọi theo tên chủ đò là đò ông Lan, đò mụ Thuận, đò ông Quyệt, đò ông Hồng. Tôi vẫn thích đi đò ông Hồng nhất bởi ông là người làng và mấy đứa con gái của ông ai cũng dễ thương… Cách đây mấy tháng, ngồi cà phê với bé Hiền – cô con gái xinh nhất của ông Hồng từ Mỹ về Huế chơi và nhắc lại chuyện đi đò năm nao. “Chiếc đò là tài sản lớn nhất của gia đình em. Cái bến đò Đồng Dạ đã đón những bước chân của em từ ngày còn nhỏ xíu. Khi đò cập bến Đông Ba là em ba chân bốn cẳng chạy vô chợ ăn hàng. Chao ơi từ bún, bánh lọc, bánh ít, bánh canh… giờ thỉnh thoảng em vẫn nằm mơ những món ăn ở chợ…”.
Cây vông đồng đứng tỏa bóng ở giữa làng, ngay đầu ngã ba xóm Đình giữa làng tôi. Nó đứng đó từ khi nào thì cũng chẳng ai biết. Chỉ biết là khi nhắc đến làng tôi thì người ta nhớ đến chợ, đến bến đò và cây vông đồng này…
Về làng, ngang qua xóm cây vông đồng tự nhiên hơi sững lại khi thấy thân cây già giờ đứng gần như ở giữa đường đi. Tất nhiên không ai dám và cũng không ai nỡ đốn hạ một “cụ cây” như thế, nên đường phải nắn cong một chút. Và cũng hơi buồn khi thấy cây vông đồng đã già thiệt rồi khi lá và cành đã trơ trụi hẳn chứ không còn sum suê tỏa bóng mát như trước. Xóm cây vông đồng có tên là xóm Đình vì ở đó có đàn âm hồn làng cúng tế xuân thu nhị kỳ. Xóm Đình cũng là xóm dân cư đông đúc, lại có nhiều gia đình giàu có. Thằng Quang học cùng lớp, mồ côi cha nhà nghèo nhất xóm Đình. Nó nghèo nhưng nhà lại ở gần mấy nhà giàu có nên nó thường lên lớp kể mấy chuyện mà nó nói là đã nghe, đã thấy. Như chuyện một ông nhà giàu hàng xóm có một đàn heo bằng vàng, gồm một con heo mạ (mẹ) và mười con heo con. Nó thấy được là vì thỉnh thoảng ông đem đàn heo vàng ra giếng tắm. Lũ con nít lớp tôi nghe bán tín bán nghi bởi vì hồi đó thấy ai mang chiếc nhẫn vàng trên tay cũng đã là “quý tộc làng” rồi huống chi là cả một bầy heo vàng… Ngay dưới gốc cây vông đồng có quán hớt tóc của chú Giai. Thỉnh thoảng ba tôi vẫn dắt mấy anh em xuống quán chú Giai cắt tóc. Chú Giai một tay bị tật từ nhỏ nhưng vẫn là thợ cắt tóc giỏi, lại hiền lành, kể chuyện có duyên nên cũng khá nhiều khách. Sau này, quanh cây vông còn có quán bán hàng xén, quán sửa xe đạp và là nơi nghỉ chân của mấy bác nông dân, mấy o hàng xáo…
Lại nhớ mỗi lần đi đò dọc từ Huế về làng, khi đò đi vào cửa sông Ô Lâu đã thấy bóng cây vông đồng, là biết đã về tới bến đò xóm Chợ để đi bộ về nhà. Chuyến đò dọc hằng ngày trên sông giờ đã không còn khi hệ thống đường bộ đã hoàn thiện nên bến đò xưa bây giờ đã được thay thế thành một cánh đồng sen nở thật đẹp. Chợ Đại Lược mới cũng đã được xây dựng khang trang chứ không còn những hàng quán tranh tre lẹp xẹp mà gần gũi như trước. Mới ngày nào cây vông đồng là cả một vòm xanh cao để bao người vọng về quê, giờ cũng đã già nua trơ cành, trụi lá thiệt rồi…
– Ảnh Quốc Huy