Hát sắc bùa là loại hình diễn xướng dân gian từng rất phổ biến ở Bến Tre, thường được hát vào dịp lễ, tết hoặc những buổi tiệc mừng quan trọng để cầu may cho gia chủ. Nhưng loại hình này gần như đã biến mất từ sau những năm 70 của thế kỷ XX. Đến cuối năm 2015, một đội hát sắc bùa xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với hơn 20 thành viên đã được thành lập với tâm huyết phục dựng lại nghệ thuật hát sắc bùa nhằm giữ gìn điệu hát độc đáo của quê hương.
Theo ông Lư Văn Hội, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre, trước đây, đội hát sắc bùa hát hòa cùng tiếng trống cơm, đàn cò, sanh tiền, sanh cái (các loại nhạc cụ cổ) là hình ảnh quen thuộc đối với người dân xứ dừa. Một đội hát sắc bùa thường có bốn nghệ nhân, nhiều nhất 12 người và mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Người hát chính đánh trống cơm gọi là “Cái kể”, những người còn lại hát bè theo gọi là “Con xô”. Mỗi buổi hát sắc bùa được chia ra thành hai phần là hát nghi lễ và hát giúp vui. Phần hát nghi lễ bắt đầu khi tiếng trống và tiếng hát vang lên từ phía cổng nhà: “Ngọ này là ngọ kén khách vãng lai/ Đằng trong lớp ngoài, then gài chốt đóng/ Xin ông mở ngõ cho chúng tôi vào/ Đầu xuân tôi mới bước vào/ Trước mừng mặt ông bà/ Sau xin hầu tổ tiên…”.
Hầu hết gia chủ khi thấy đội hát sắc bùa đến thì tiếp đón trang trọng, đưa đội hát đến trước bàn thờ tổ tiên để dán bùa trấn áp ma quỷ, đem đến sự an lành cho gia chủ. Nghi thức hát và dán bùa tuy không cầu kỳ nhưng diễn ra rất trang nghiêm: “Lá bùa dán tại nhà thầy/ Chớ cho thằng quỷ lộn tà vào đây/ Bùa tôi giấy trắng phây phây/ Dán vô đằng trước vậy thì ở an”.
Trong bài hát sắc bùa còn thể hiện ước vọng về cuộc sống bình an, no đủ: “Trấn bùa cửa trước/ Chủ rước làm giàu/ Trấn bùa cửa sau/ Chủ còn giàu nữa/ Tôi trấn bùa cửa giữa/ Cho trẻ ăn nằm/ Tôi trấn bùa mùng tằm/ Cho tằm ăn dâu/ Tôi trấn bùa chuồng trâu/ Trâu sanh con cái” hoặc: “Kể mười hai tháng có ngần/ Ông bà ngồi hưởng mười phần ung dung/ Già an cõi thọ chánh thung/ Gái trai gặp thuở đài xuân lâu dài/ Con trai ăn học có tài/ Văn chương cẩm tú hơn người thế gian/ Gái trai phú quý vinh hoa/ Ông bà ngồi hưởng tam đa lộc trời”.
Sau những bài hát mang tính nghi lễ, toàn đội ra sân ngồi để hát giúp vui, bao gồm các bài vè, lý có nội dung chúc tụng gia chủ và các thành viên trong gia đình năm mới làm ăn phát đạt, chúc nghề nghiệp cho khách đến vui xuân. Nhấp một ngụm rượu Phú Lễ, giọng hát của người hát chính dường như trong và vang hơn: “Lúa tốt đầy da/ Một bông bảy nhánh/ Hòa may triệu triệu/ Tuổi tác khoan khoan/ Dư muôn dư ngàn” (Chúc nghề làm ruộng). Với nghề trồng bông thì: “Hạt bông rắc xuống/ Bông lên cuồn cuộn/ Tựa thể mâm xôi/ Nay đã chín rồi/ Hái đem về nhà/ Lứa đặng năm quan”. Trong khi đó, với nghề đan lát, mơước ấy cụ thể hơn: “Đan lại làm giàu/ Người ta năng rước/ Bạc vô như nước/ Tiền chất đầy rương”.
Phần hát góp vui không chỉ tạo không khí vui vẻ mà còn gửi gắm tâm tư tình cảm của mình, như: “Ngãi nhân cậy bấy nhiêu lời/ Giàu thời giúp của khó thời giúp công/ Một mai nên điệu vợ chồng/ Dầu năm ba tháng đem lòng nhớ thương…”.
Tiến sĩ Văn hóa Nguyễn Nhã cho rằng trải qua quá trình phát triển, hát sắc bùa ở Phú Lễ đã để lại một số lượng đáng kể những sáng tác dân gian, những làn điệu dân ca có giá trị. Đây là nguồn tư liệu vô giá phản ánh cả một số mặt về văn hóa vật chất lẫn tinh thần của cư dân Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung. Cái hay của sắc bùa Phú Lễ là lời ca được sáng tạo từ những bài hò, lý, vè, nói thơ… của đất Bến Tre nhưng không phải tung tẩy, phóng khoáng như đờn ca tài tử. Người hát sắc bùa phải đam mê, kiên trì luyện tập mới hát đúng vì nếu không đúng hơi thì không ra hát sắc bùa.“Cái kể” thì phải giữ nhịp đôi liên tục còn “Con xô” thì không được hụt hơi, lạc nhịp.
Ngày xưa, hát sắc bùa chỉ diễn ra trong những ngày xuân, hát cho những gia đình có nhu cầu muốn ém quỷ trừ tà, cầu cho gia đạo bình yên và hát góp vui. Thời nay, hát sắc bùa cần được phục hồi, đáp ứng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống xã hội đồng thời trình diễn trên sân khấu để giới thiệu đến du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa. “Sẽ thật thiếu sót và đáng tiếc biết bao khi điệu sắc bùa Phú Lễ mãi mãi tắt đi cùng với những nỗ lực mà các nghệ nhân xưa đã gầy dựng lên cho vùng đất này một loại hình văn hóa đặc sắc đến vậy”, Tiến sĩ Nguyễn Nhã kết luận.