Cách trung tâm thành phố Hải Phòng chưa đầy 40 cây số, làng Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) tuy nằm giữa vùng đồng chua nước mặn nhưng hàng ngàn năm qua luôn nổi tiếng là quê hương của nhiều danh nhân chí sĩ. Được mệnh danh “đất học”, ngày nay làng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, lịch thiệp và nhịp sống thong thả, yên bình.
Đặt chân đến đầu làng, khung cảnh đậm nét thôn quê Bắc bộ xưa khiến du khách phải ngẩn người. Nét rêu phong trên tường gạch cổ tô điểm cho ngôi nhà có lối kiến trúc thời Minh Mạng, tán cây lâu năm lá lòa xòa phủ lớp ngói mũi hài…
Đường làng lát gạch đỏ chạy hun hút giữa những nếp nhà ẩn hiện dưới bóng cau. Nhiều đoạn gạch đã mòn vẹt lên nước bóng ngời. Sách sử ghi lại, thời Hai Bà Trưng, Cổ Am là một căn cứ luyện tập nghĩa quân của nữ tướng Lê Chân. Gần hai ngàn năm trôi qua, quy hoạch làng không mấy thay đổi.
Sự thân thiện, chân tình vẫn còn như xưa. Người trong thôn này, thôn nọ, tất cả đều biết nhau. Chỉ cần nói tên gia chủ ở xóm nào là ai trong làng cũng có thể chỉ đường đến tận nhà.
Dọc con đường làng chính, những ngõ ngách chạy giữa hàng dãy nhà mái ngói như mở ra không gian của thế kỷ trước. Ở đó, căn nhà của ông Đỗ Trung Lự, xóm 3 có tuổi thọ tới gần 200 năm; nhà của cụ Vũ Thế Long đã 170 năm; nhà họ Đỗ hơn 100 năm, nhà gần một trăm năm tuổi thì còn vài chục cái.
Ngoài nhà cổ nguyên bản, nhà cửa còn lại hầu hết đều được sửa sang hoặc xây theo kiến trúc cũ. Nhiều người dân Cổ Am vẫn thích xây nhà theo phong cách cột kèo gỗ, nhà ba gian, năm gian lợp ngói mũi hài… Từ cửa sổ, cửa chính, tất cả đều toát lên nét xưa với then cài bằng gỗ mộc mạc. Cả cánh cổng ra vào sân cũng được làm như cổng ngày xưa bằng phiến gỗ lớn, có vòng sắt thay cho tay nắm.
Theo các thư tịch cổ và văn bia để lại thì ngay từ buổi sơ khai, những người lập nên Cổ Am đều có học thức sâu rộng. Đó là những vị quan lui về ở ẩn, những nhà nho thích cuộc đời thanh đạm… Nền học vấn ở Cổ Am nổi tiếng là cha truyền chữ nghĩa lại cho con chứ không phải thuê thầy về nhà dạy học như ở các làng khác.
Vì có đến gần 30 dòng họ nên Cổ Am cũng có nhiều ngôi nhà từ đường lâu năm bề thế. Chúng tôi được vào thăm từ đường của một chi trong dòng họ Đào Trọng xây từ cuối thế kỷ XIX. Kiến trúc còn nguyên vẹn vẻ đẹp bề thế vì cột, kèo, bậu cửa… đều được làm từ gỗ lim và gỗ vàng tâm. Hầu hết đồ đạc trong khu từ đường đều có tuổi thọ gần 170 năm.
Nước gỗ trải qua hàng trăm năm ngày càng đen bóng. Những bức tranh chân dung dòng họ Đào Trọng qua các thế hệ vẫn được giữ gìn. Cách từ đường không xa là nhà thờ dòng họ Đào Đăng Mạnh Trọng. Hơn 200 năm tuổi, song nhà thờ họ này vẫn còn nguyên vẹn những cột đá chạm trổ hình rồng phượng, xà ngang bằng gỗ lim.
Cùng với nhà cổ, đình chùa trong làng cũng được giữ gìn cẩn thận. Trong bốn ngôi đình ở Cổ Am thì đình Phần là đẹp nhất. Những con giống đắp trên nóc đình vẫn còn sắc sảo qua hàng trăm năm. Gần đó, chùa Bến ở bến sông đang được trùng tu từng phần.
Đứng ở bến sông nhìn về làng mới thấy Cổ Am yên ả mà đầy sức sống: những bờ rào dâm bụt hoa nở đỏ chói chang cả một khoảnh vườn, những đống rơm vun cao như ngọn đồi nhỏ, mấy con đường lát gạch đang mùa phơi thuốc lào tỏa mùi ngai ngái… Dừng chân ở quán cóc bên đường, uống ly trà xanh, mua vài quả chuối tiêu trổ trứng cuốc lốm đốm hay quả táo xoan trong chiếc rổ tre mộc mạc, du khách thấy cuộc sống ngày xưa sao mà thi vị quá chừng.