Là bang nghèo nhất nước Mỹ, New Mexico tất nhiên không thu hút được nhiều du khách bằng những bang lân cận như Texas hay Arizona. Tuy nhiên trong một lần đến đây, chúng tôi đã có những ấn tượng không thể quên về các thắng cảnh độc nhất vô nhị của vùng đất biên giới này.
Kỳ vĩ thành phố Đá
Xe chúng tôi chạy với tốc độ hơn 100km/g để chinh phục độ cao của vùng núi sa mạc Faywood. Cuối tháng Ba, nắng dịu màu vàng mơ nhưng không khí vẫn lành lạnh với gió ngàn. Hai bên đường là đồng cỏ hoang mịt mùng chạy dài đến những ngọn núi xa xa.
Đường quốc lộ đen bóng dài như vô tận. Xe chúng tôi rẽ vào 61-N, một xa lộ chỉ hai làn xe bằng phẳng như dải lụa. Đoạn này xung quanh vẫn còn những cây khô màu úa vàng, màu của những cây chết trong mùa đông. Ai nấy thấy niềm háo hức khám phá thành phố Đá – City of Rock State Park hơi chùng xuống trước vẻ thưa thớt, nhạt màu của cỏ cây đồi núi vừa trải qua mùa giá lạnh.
Đi mãi mới thấy một túp lều hoang phế hay một con sóc núi đứng ngơ ngác bên bờ cỏ khô. Con đường đen bóng nổi bật giữa vùng hoang sơ cằn cỗi như một dòng suối đen dài, uốn khúc. Từ trên cao, đường bỗng oằn xuống, như khúc giữa của nhánh cây bị uốn cong, rồi vươn mình lên cao lại chạy dài tới điểm cuối chỗ hẹn của du khách. Tấm bảng chào mừng Welcome to City of Rock State Park hiện ra bên vệ đường đầy sỏi đá nhỏ cùng những bụi cây khô lá.
Mọi người trên xe vẫn chưa nhận thấy khung cảnh đang thay đổi vì cứ mải nhìn về phía tay phải nơi có dãy núi thấp, đỉnh bằng phẳng nằm trải dài dưới chân mây. Bỗng nhiên từ xa, trên độ cao 1.600 mét của vùng núi này, cả hàng ngàn cột đá thiên nhiên bất ngờ hiện ra, nhìn thoáng giống như đoàn người cùng mặc y phục một màu nâu đen.
Đoàn “người đá” sẫm màu nổi bật trên cả một góc trời, uy nghi đứng hàng ngang trên chóp núi chạy dài đến mấy dặm như đang đón chào du khách. Cả đoàn lặng đi trước vẻ khác biệt đột ngột của vùng núi non hoang vu, thật giống như vừa lọt vào một thành phố ma quái không cây cao bóng mát, không bóng người, không thú vật, chỉ có tượng đá và đồng hoang khô cháy chập chùng đến tận chân trời.
Trên một khoảng rộng 500 hécta của đỉnh núi vùng Deming, City of Rock State Park – thành phố của Đá vốn là sự hình thành của lớp tro do ngọn núi lửa phun cách đây gần 35 triệu năm. Mặt núi bằng phẳng, chỉ hơi có chút dốc cao thấp nên xe có thể lái qua toàn diện khu phố đá kỳ dị, khổng lồ.
Đúng như cái tên, nơi này gồm hằng hà sa số những con phố của một thành phố thiên hình vạn trạng với nhiều nhà cửa, nhiều hàng quán không tên nhưng chỉ từ một thứ vật liệu là đá. Hàng vạn nghìn tảng đá lớn nhỏ, cao thấp chen chúc, quây quần, rời nhau, đứng chung, riêng lẻ, ngẩng mặt nhìn trời cao, cúi nhìn nhân thế, hình người hay hình vật, nhân dáng yêu kiều hay quái dị…
Hầu hết những tảng đá đều lớn như những người đá khổng lồ đứng một mình, nhưng vây quanh nhau tạo nên những động lộ thiên. Đi từ tảng đá này sang tảng đá nọ, từ nhóm đá khổng lồ này sang cụm tượng đá khác, chúng tôi càng thấy được bàn tay tạo hóa quá tuyệt vời. Đi mãi, trèo mãi, thấm mệt tôi mới hiểu tại sao có nhiều người ở lại đây suốt cả tuần cùng Phố Đá chỉ để ngắm cho thỏa vẻ kỳ thú của tự nhiên.
Hoàng hôn buông dần, tia nắng núi cũng nhạt dần, những tảng đá lớn như những bóng người khổng lồ đen dần, đằng sau là bóng hoàng hôn chói lòa. Ráng chiều càng rực rỡ, huy hoàng, thành phố Đá nhìn càng u ẩn tráng lệ.
Mát rượi sa mạc thạch cao
Nằm giữa hai thành phố Alamogordo và Las Cruces, cách thành phố Đá ba giờ chạy xe, White Sand National Monument – sa mạc cát thạch cao rộng hơn 700 cây số vuông cũng là một kỳ quan hàng đầu của New Mexico.
Lúc xe chúng tôi gần tới nơi, nhìn xa xa một bên lại là dãy núi cao đen mờ, bên đối diện chỉ toàn những đồi cát chạy dài trắng xóa như tuyết, điểm xuyết những bụi cỏ hoang mọc lấm chấm xanh. Khu vực này nằm trong núi cao bao quanh bởi thung lũng và lưu vực sông Tularosa, gồm những cồn cát thạch cao trắng mịn nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt, cũng là vùng cát thạch cao lớn nhất thế giới.
Xe tham quan chạy quanh một vòng tròn dài 25km. Càng chạy sâu vào trung tâm sa mạc, những đồi cát càng cao và những bụi cây hoang gần như biến dần. Trước mắt mọi người là một biển cát trắng mịn óng ánh. Dù là một phần của sa mạc Chihuahua, White Sand National Monument vẫn khá mát mẻ trong mùa xuân.
Đặc biệt, do thạch cao không hấp thu nhiệt nên dù mùa hè hay giữa trưa nắng cháy, du khách đi chân trần vẫn thấy cát mát lạnh. Nhờ đặc tính này mà người ta tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí ở White Sand National Monument như đi xe đạp, cắm trại, dã ngoại, nhiếp ảnh, trượt tuyết, ngắm sao…
Đi được nửa vòng tour, không kềm được nỗi háo hức trước màu trắng muốt tinh khiết, chúng tôi dừng xe, bỏ giày lao xuống chạy nhảy trên cát. Cát mịn và mát rượi như phấn em bé nhưng vẫn có độ óng ánh thủy tinh dưới nắng vàng nhẹ. Tâm điểm của kỳ quan thật đông du khách. Người lớn và con nít vui cùng nằm lăn lộn trên cát.
Nhiều khách du lịch còn mua những tấm nhựa tròn để trượt từ trên đỉnh đồi xuống dưới. Từng đồi cát cao, thấp, rộng, hẹp trải dài, nhưng đều thoai thoải dễ leo. Bề mặt sa mạc toàn những lằn cong uốn khúc mềm mại như những đợt sóng nhỏ lăn tăn trên mặt biển.
Theo lời hướng dẫn viên, thạch cao rất hiếm khi được tìm thấy trong các lớp cát bởi vì tính chất hòa tan trong nước. Thông thường, mưa sẽ hòa tan thạch cao và mang chất này ra biển. Tuy nhiên, thạch cao hòa tan từ các dãy núi San Andres và Sacramento khi chảy xuống lưu vực sông Tularosa thì bị mắc kẹt lại do không có lối thoát ra biển.
Vì thế thạch cao chỉ có thể là thấm vào đất tạo thành mạch nước ngầm hay hình thành hồ cạn. Nước ở hồ cạn sau đó bốc hơi để lại thạch cao dưới dạng tinh thể được gọi là khoáng chất nằm trên bề mặt.
Trong thời kỳ băng hà, một hồ nước có tên là Otero che phủ phần lớn White Sand National Monument, khi nước trong hồ cạn khô đã để lại một khu vực rộng lớn bị lớp tinh thể khoáng dày cả mét bao phủ. Theo thời gian, lớp tinh thể này bị xói mòn rồi hòa lẫn vào cát.
Trải qua hàng thế kỷ, những cơn gió sa mạc đã giúp cho quá trình tích tụ, hình thành nên cồn cát thạch cao. Những cồn cát thay đổi hình dạng liên tục và từ từ di chuyển theo hướng gió.
Chẳng hạn như cồn hình mái vòm được tìm thấy dọc theo rìa phía tây nam của công viên, cồn ngang và cồn hình lưỡi liềm là những cồn chính yếu của khu vực, còn cồn hình nón cũng chiếm một tỷ lệ khá cao nằm dọc biên phía bắc và phía nam…
Du khách liên tục chụp hình, không thì cũng vẽ ngoằn ngoèo trên lớp cát nhuyễn như bột mì, nhiều người còn vùi cả thân mình vào cát lạnh. Ai nấy như đang lạc vào một mê hồn trận của thần Cát. Thời gian như ngừng lại khi con người mải vui với dải cát dài mênh mông, thanh thản trong cõi vô tận của thiên đường trắng xóa.