IPO (Initial Public Offering) là lần chào bán chứng khoán đầu tiên ra công chúng và những sự kiện IPO của các doanh nghiệp tên tuổi luôn được nhà đầu tư chứng khoán mong đợi. Có thể kể đến những phiên IPO đình đám như của SASCO – Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, VOCARIMEX – Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam hay gần đây nhất, ngày 7-3-2016 là VISSAN – Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản.
Tuy nhiên, trái ngược với sức nóng và độ kỳ vọng của thị trường từ những phiên IPO, trong một lần chia sẻ với những cổ đông của Berkshire Hathaway – công ty đầu tư do Warren Buffett điều hành, huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng nhận định: “IPO thường là một quyết định đầu tư tồi, bởi giá trị của những cổ phiếu IPO thường bị đánh giá dựa vào kỳ vọng chứ không phải dựa vào giá trị thật của nó”. Quan điểm này khá trùng hợp với Benjamin Graham – cha đẻ của học thuyết đầu tư giá trị, thầy của chính Warren Buffett, rằng “trong hầu hết trường hợp, những nhà đầu tư đang tự thiêu mình trong những phiên IPO”.
Mới đây, trên trang web cá nhân của mình, Safal Niveshak, đồng sáng lập và hiện là CEO của Sage One – công ty chuyên cung cấp giải pháp kế toán và phần mềm trực tuyến, đã dựa vào kinh nghiệm đầu tư theo phương pháp giá trị hơn 11 năm ở hai thị trường Mỹ và Ấn Độ của mình để đưa ra những phân tích cụ thể hơn về những rủi ro nhà đầu tư phải đối mặt khi quyết định tham gia những phiên IPO.
Rủi ro từ việc định giá những điều mới
Trong quyển Phi lý trí của Dan Ariely, ông đã chỉ ra một cái bẫy tâm lý về giá mà hầu hết chúng ta đều mắc phải, đó là việc tất cả thực sự không biết đâu là giá trị chính xác của một sản phẩm. Nếu không có một sản phẩm tương tự, một trải nghiệm gần giống hay những cơ sở căn bản để so sánh, chúng ta dễ dàng đưa ra giá “hớ” cho những sản phẩm được cho là mới. Việc định giá sai sẽ khiến chúng ta không có một điểm tựa tâm lý vững chắc, không hiểu được giá trị thực sự của một sản phẩm và hệ quả tiếp theo là sẽ sập cái bẫy từ tâm lý đám đông. Trong đầu tư, những quyết định được đưa ra dựa trên cảm xúc như vậy luôn mang đến cho nhà đầu tư rủi ro rất lớn.
Sự thật về mức giá ban đầu
Với kinh nghiệm từng làm việc trong những công ty định giá hàng đầu thế giới như PwC, Deloitte, Ernst & Young, Safal Niveshak chỉ ra rằng, sau khi đi qua một quy trình thẩm định và những phương pháp định giá khác nhau, giá bán ban đầu của những cổ phiếu trong phiên IPO đã tăng lên nhiều hơn so với giá trị thực tại của nó. Nhà đầu tư không mua được cổ phiếu ở giá “ban đầu” như họ lầm tưởng, mà là giá đã được thống nhất bởi những chuyên gia thẩm định, chuyên viên ngân hàng, chuyên viên tại sàn chứng khoán và bộ máy quản trị của đơn vị phát hành cổ phiếu… Theo Safal Niveshak, chính việc chuẩn bị kỹ cho phiên IPO từ những đơn vị phát hành đã khiến nhà đầu tư phải đối mặt với những rủi ro từ “kịch bản giá” mà họ không mong muốn.
Kỹ năng bán hàng
Sau khi được chào bán, những cổ phiếu tiếp tục trải qua ba hoặc bốn vòng mua bán qua lại do các đối tượng như nhà sáng lập, cổ đông, nhân viên kỳ cựu, ngân hàng bảo lãnh, các quỹ mạo hiểm, nhà môi giới… qua đó được gắn thêm hàng loạt thông tin không chính thống về kỳ vọng tương lai như “khả năng sinh lợi”, “triển vọng lâu dài”, “cơn sốt lợi nhuận”, “chính sách mới”, “xu thế”… cộng với những tác động tâm lý đã đề cập ở trên, giá những cổ phiếu IPO sẽ ngày càng biến động với quy mô khó dự đoán hơn nữa.
Trong phiên IPO ngày 18-5-2012 của Facebook, tờNew York Times từng công bố một thông tin rằng mức giá mà những nhà đầu tư châu Á sẵn sàng trả có thời điểm gấp 25 lần giá chính thức mà Facebook mở bán (38 USD/cổ phiếu). Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, khi cổ phiếu Facebook sụt giảm giá trị, chính James Gorman, Chủ tịch của Ngân hàng Morgan Stanley – ngân hàng ấn định mức giá IPO của Facebook thừa nhận, hầu hết những nhà đầu tư đã quá “ngây thơ” khi nghĩ rằng giá của Facebook sẽ tăng lên trong tương lai, cùng với đó là những vụ kiện chính Facebook về việc che giấu thông tin nội bộ cũng như sự thiếu minh bạch khi hơn một nửa số cổ phiếu Facebook được lưu thông trên thị trường (khoảng 57%) là do những nhân viên cũng như cổ đông hiện hữu của Facebook bán ra (thông thường, để đảm bảo sự minh bạch, những cổ đông hiện hữu hay nhân viên chỉ được bán cổ phiếu sau một thời gian nhất định, ít nhất là sáu tháng)… Những điều này khiến cho phiên IPO của Facebook trở thành một sự kiện đáng quên của Phố Wall.
Thay lời kết luận, Safal Niveshak cho rằng, nếu bạn là nhà đầu tư theo trường phái giá trị, hãy cân nhắc thật kỹ những rủi ro thực sự sẽ phải đối mặt trước khi đưa quyết định có tham gia vào một phiên IPO tưởng như vô cùng hấp dẫn hay không.
Tuấn Thành (DNSGCT)