Đến hẹn lại lên, hè đến là mùa pháo đất tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đi từ đầu làng tới cuối làng, đâu đâu cũng nghe tiếng pháo diễn tập “nổ” rất vui tai. Những người con xa xứ dịp này tranh thủ ngày nghỉ về làng để tìm lại tuổi thơ một thời…
Người Ninh Giang chọn kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 làm ngày tổ chức hội vì được nghỉ dài ngày, khả năng con cháu về quê tham dự đông hơn. Hội tổ chức ở từng thôn, có chấm điểm, chọn ra đội thắng đi thi cấp xã. Phần thưởng dành cho đội thắng chỉ là một chiếc cờ lưu niệm với đôi ba trăm ngàn. Thế thôi nhưng hội rất đông vui, nhộn nhịp, vui là chính mà!
Ở xã Tân Phong, chưa tới cuối tháng 4, dân làng đã rục rịch chuẩn bị hội pháo. Ít người như làng Xổ thì có hai đội thi, mỗi đội tròn mười người. Còn làng Chuông đông hơn hẳn thì có cả đồng phục cho pháo thủ. Người đến xem chật như nêm. Chen vào rồi muốn len ra cũng khó.
Những ngày cuối tháng 4 – đầu tháng 5 nắng gắt, thanh niên dựng rạp ở đình làng. Các cụ lớn tuổi cắt đặt công việc cho từng thành viên. Người lo tổ chức, kẻ lo hậu cần. Khắp làng trên xóm dưới, dọc con đường lát gạch đỏ gồ ghề, thỉnh thoảng lại có tiếng pháo nổ rền cùng hò reo.
Chiều 30-4, các xóm trong làng Xổ thuộc Tân Phong bắt đầu đánh pháo như làng Chuông, làng Xá… Việc dựng rạp, lấy đất, đăng ký thi… đã được chuẩn bị từ mấy ngày trước. Sáng hôm thi, các pháo thủ cắt cử người đi lấy đất. Đất đánh pháo phải là thứ gan gà, gan trâu, có màu phơn phớt hồng, khi nhào với nước trở nên cực dẻo. Lấy đất về, phải dùng liềm hoặc dây thép cắt đất đã nhào với nước thành từng mảnh rất nhỏ, sau đó trộn lại, dùng chân hoặc tay nhào, tiếp tục cắt rồi lại nhào… Công đoạn chuẩn bị đất cứ tiếp diễn cho tới khi đất thật dẻo, thật nhuyễn. Mỗi quả pháo để chơi được cần đến… 30kg đất, có khi lên tới 50kg. Mỗi làng ít ra cũng phải chuẩn bị 20 quả.
Khi bắt đầu tạo hình cho quả pháo, người ta rắc tro xuống nền (như áo bột để nhào cho khỏi dính) rồi đập đất, cắt đất, vần vò, nắn nót, tỉa tót cho ra quả pháo hình bầu dục. Mõm pháo nhỏ hơn gáy pháo, phần giữa dày hơn hai bên. Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước rồi vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm manh pháo cho đều, gọi là lên manh. Manh bấm xong, pháo thủ dùng dao hoặc một thanh tre nhọn khía sâu vào rãnh của manh cho đứt hẳn. Sau đó, bấm một lần đất phủ kín chỗ đã khía để làm liền manh. Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối rồi chuẩn bị gieo pháo.
Một quả pháo đạt chuẩn phải có độ to vừa đủ (so với số lượng đất dùng), phần manh vừa vặn, tròn trịa, phần ức (tâm pháo) hơi nhô lên, rãnh phân chia giữa ức và manh pháo phải mịn. Người làm pháo giỏi là người tạo hình pháo đẹp và có thể gieo pháo chuẩn xác. Nguyên tắc gieo pháo là vững và cân. Khi chuẩn bị gieo, chỉ có một pháo thủ đỡ pháo. Chân pháo thủ đứng vuông với hai vai, khuỷu tay tỳ vào bụng, hai bàn tay xòe ra đỡ lấy bụng pháo và giữ pháo cân bằng. Khi gieo, pháo thủ nín thở rồi thả pháo vào bàn. Gieo mạnh quá, nhẹ quá, quăng mạnh tay quá… đều khiến quả pháo bịịp, tức là pháo xịt, không nổ, hoặc vành đai không văng ra. Pháo được tính điểm là quả pháo khi rơi xuống đất mà phần thân còn nguyên vẹn, còn hai vành đai pháo văng ra hai bên nhưng không đứt lìa khỏi thân pháo. Độ dài điểm đầu và điểm cuối của hai bên vành đai sẽ quyết định số điểm mà đội pháo nhận được. Nhìn các pháo thủ làm có vẻ rất dễ, nhưng kỳ thực đòi hỏi một sự khéo léo, vững vàng tuyệt đối.
Vào ngày hội, già trẻ lớn bé trong làng lũ lượt kéo nhau đến vây vòng trong vòng ngoài xem pháo. Mỗi đội thi có khoảng mười pháo thủ tham gia. Nguyên tắc tính điểm cho một lượt thi là bên nào có tổng chiều dài tính từ điểm đầu đến điểm cuối đai pháo dài hơn thì thắng. Các đội chơi năm lượt, bên nào thắng nhiều lần hơn sẽ giành chiến thắng chung cuộc.
Năm nào hội cũng được tổ chức chỉ để con em trong làng có chỗ vui chơi, giao lưu, học hỏi. Theo bác Phạm Văn Tiến, một cựu chiến binh người làng Xổ thì hội pháo đất đã có từ đời hai bà Trưng với mục đích giải trí và rèn luyện sự khéo tay. Tuy nhiên tới nay không còn mấy nơi thường xuyên tổ chức hội nữa. Mặt khác, quá trình đô thị hóa ngày một thu hẹp đất tự nhiên, kiếm thứ đất gan gà, gan trâu để làm pháo không còn là chuyện dễ.
Mỗi lần một quả pháo sắp được gieo là mọi người khác dù đang nặn pháo hay ngồi vòng ngoài xem đều xúm cả vào để tận mắt chứng kiến. Những tiếng hô vang lên “Gieo đi!”, “Cố lên!” hay “Ịp đê, ịp đê!” rộn rã khắp cả sân đình. Pháo chạm đất, một tiếng nổ “Bộp” tròn trịa vang lên và hai đai pháo bật tung ra, duỗi dài. Những bác giám khảo vốn cao niên nhanh chóng chạy lại đo chiều dài đai pháo để tính điểm. Người lớn cũng lăng xăng, hô hào phấn khởi chẳng khác trẻ em. Mấy đứa trẻ xin được ít đất thừa, kéo nhau ra một góc, cũng hăm hở nhào nhào, nặn nặn. Vài năm nữa thôi, chính chúng sẽ lại là những pháo thủ mới.
Tôi cảm thấy trân trọng lời tâm sự của một bác cao niên: “Năm nào xã cũng tổ chức, không đánh to thì đánh nhỏ để giữ gìn truyền thống. Con cháu trong làng đi làm ăn xa, đến chức giám đốc vẫn còn về xắn quần nhào đất đấy”.