Chỉ trong vòng năm năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của ngành công nghiệp thời trang và sắp tới đây, thời trang sẽ thay đổi một cách ngoạn mục để có thể tồn tại cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội.
Nhu cầu mặc đẹp cũng giống như nhu cầu được ăn ngon, là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của bất cứ ai. Sự ra đời của nhiều thương hiệu mới, bao gồm phân khúc cao cấp lẫn bình dân khiến cho thị trường thời trang càng ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn khi bài toán lợi nhuận luôn được đặt ra mỗi mùa. Có thể nói, ở thời điểm này, nếu bạn càng chậm chân thì cơ hội bán được quần áo càng thấp.
Trước kia, người ta phải chờ đến năm tháng để có thể mua được một bộ trang phục được trình diễn trước đó. Người tiêu dùng thời trang của ngày nay ai cũng muốn là người đầu tiên được mặc chúng. Chưa kể sự khác biệt về thời tiết hoặc nhu cầu du lịch đến những vùng có thời tiết khác nhau khiến khoảng cách về mùa của thời trang không còn là vấn đề lớn. Từ những nhu cầu đó, các BST giữa mùa được ra đời.
Nếu coi thời trang là một trò chơi thì Burberry đóng vai trò là người thay đổi luật chơi. Thông thường, một hãng thời trang có ít nhất hai BST gồm nam và nữ được trình diễn mỗi mùa vào khoảng tháng 2-3 và 9-10 và mất tối đa năm tháng để có mặt tại tất cả các cửa hàng trên thế giới. Mới đây, hãng thời trang Anh quốc Burberry thông báo sẽ không còn những BST theo mùa nữa mà thay vào đó là những BST được đặt tên theo tháng trình diễn và được bán ngay lập tức sau buổi ra mắt tại fashion week. Chưa hết, hãng còn quyết định kết hợp chung hai BST của nam và nữ lại thành một.
Sự thay đổi này nhanh chóng gây sự chú ý của báo giới lẫn người tiêu dùng bởi đây là một quyết định khá liều lĩnh bởi nó sẽ phải đối mặt với những khó khăn về thời gian cho các nhân công của hãng, đồng thời là các tạp chí trong công việc sắp xếp giới thiệu các thiết kế lên mặt giấy. Ngược lại, nó cũng giải quyết được hai bài toán khó: 1. Lợi nhuận. Các món thời trang sẽ được khách hàng mua ngay khi họ vừa được xem, thay vì phải đợi vài tháng và cảm thấy không còn hứng thú; 2.Giảm thiểu tối đa vấn nạn bị sao chép thiết kế từ các thương hiệu bình dân.
Ngay sau khi Burberry tuyên bố thách thức guồng quay thời trang, cả hai NTK khác là Tom Ford và Paul Smith cũng đồng loạt quyết định thay đổi lịch trình thời trang của mình.Trên thực tế, Burberry không phải là thương hiệu đầu tiên làm việc này. Huyền thoại thời trang Azzedine Alaia đã trình diễn BST riêng cho khách hàng của mình theo mùa từ nhiều năm nay, và thương hiệu Celine cũng giới thiệu các BST “pre” trễ hơn rất nhiều so với các thương hiệu khác nhằm ngăn chặn việc đạo nhái.
Tuần lễ thời trang New York vừa kết thúc nhưng dấu hiệu khả quan đã được thấy rõ. Nhiều hãng thời trang đã tiến hành cách thức mua ngay sau khi trình diễn, trong đó có Michael Kors đạt được lợi nhuận cao hơn 42% so với tháng trước, và cổ phiếu của Burberry tăng 11% kể từ quyết định thay đổi lịch trình kể trên.
Trong thời buổi hiện nay, cạnh tranh thời trang không chỉ tồn tại giữa các thương hiệu có cùng đẳng cấp mà còn với cả những thương hiệu cấp thấp hơn. Để có thể tồn tại và phát triển, không cách nào khác ngoài thay đổi để phù hợp với thời cuộc, sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới của thời trang.
Hoàng Lê (DNSGCT)