Những ngày sau tuần lễ Giáng sinh – năm mới, không khí các thành phố nhỏ miền Bắc nước Pháp bỗng thật ảm đạm trong mắt những kẻ ham vui. Cái tính ưa náo nhiệt lại đưa chúng tôi đến tận một thành phố nhỏ vùng Côte D’Azur với hy vọng nhìn thấy lễ hội và nắng vàng. Mà không chỉ có chúng tôi, hàng vạn người Pháp cũng đổ về Mandelieu – La Napoule để tham dự festival gắn với loài hoa có màu vàng rực rỡ như nắng xuân.
Mimosa, từ đâu em tới
Những ngày ở Mandelieu chúng tôi mới biết mimosa khiêm nhường ở Đà Lạt được yêu mến đến chừng nào tại các tỉnh miền Nam nước Pháp. Hằng năm vào tháng Hai, thành phố Mandelieu – La Napoule – nơi có cánh rừng mimosa rộng nhất châu Âu đều tổ chức Festival Mimosa cho cả vùng. Lễ hội kéo dài đến cả tuần với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn. Ngày đầu tiên, cả nhóm hơi thất vọng vì trời vẫn u ám và có cả mưa. Tuy nhiên không khí nô nức chuẩn bị của người dân địa phương cũng làm du khách thấy hồ hởi theo. Nhà nhà trang trí cửa sổ, hàng rào bằng hoa mimosa theo những cách thật sáng tạo (chưa kể 12 tấn hoa vàng rực sẽ phủ đầy những con phố lớn nhỏ trong suốt lễ hội). Dàn nhạc tập dợt rầm rộ đầy hứng khởi. Trên phố, các bộ trang phục truyền thống cầu kỳ nhiều màu sắc đã lấn át quần jeans áo pull…
Cả thành phố cổ kính thoang thoảng mùi hoa dịu dàng. Hoa mimosa ngoài thiên nhiên có hương thơm rất đặc trưng: Ngai ngái bâng khuâng gợi nhiều kỷ niệm, vì thế nó là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều hãng nước hoa nổi tiếng. Các loại bánh kẹo, coktail, champagne mang hương vị mimosa cũng được người Pháp ưa thích. Hằng năm Pháp xuất khẩu hàng triệu bó hoa mimosa từ cảng La Napoule, chưa kể một lượng tương đương được đưa tới các nhà máy chưng cất tinh dầu và làm nước hoa ở ngay trong vùng. Gần La Napoule có một địa danh trở nên nổi tiếng nhờ loại hoa này, đó là Bormes, một làng chài nghèo hẻo lánh cho đến giữa thế kỷ XIX. Từ khi những cây mimosa xuất hiện trong vùng, bộ mặt và cuộc sống của làng đã nhanh chóng thay đổi và ngày càng sung túc. Đến 1968, mimosa được Hội đồng tỉnh Var công nhận là biểu tượng hoa của Bormes thì làng Bormes cũng được đổi thành thị trấn Bormes Les Mimosa… Làng chài giờ đây trở thành điểm nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, đẹp nhất tất nhiên là khu biệt điện và dinh thự mùa hè của các đời tổng thống Pháp.
Buổi chiều trước ngày khai mạc lễ hội, chúng tôi đi thăm lâu đài La Napoule, kiến trúc lịch sử nổi bật trong vùng. Lâu đài thật đẹp, dù trời âm u nhưng khu vườn với những hàng cây xén mỹ thuật, bể nước phun, những bức tượng vẫn gây ấn tượng mạnh. Cả nhóm không được vào trong lâu đài do hết giờ nhưng được đi thăm hết khuôn viên vườn trước vườn sau, lên cả tháp canh cao nhất để ngắm cảng và bờ biển La Napoule giữa trời mưa nặng hạt và bắt đầu có tuyết. Đến 6 giờ tối tuyết rơi nhiều hơn, gió phần phật buốt lạnh, mọi người kéo nhau vào một quán ăn nổi tiếng nhờ có món pizza thịt vịt với phomat sữa dê. Tuy không quá ngon như trong sách giới thiệu nhưng ai nấy đều ăn hết suất vì lạ miệng!
Hoa mặt trời mùa đông
Người Pháp tự hào về hoa mimosa lắm, gọi hoa là mặt trời mùa đông. Trong ngôn ngữ loài hoa, mimosa tượng trưng cho tình yêu thầm lặng và sự tái hợp. Hằng năm cứ vào quãng tháng Một và tháng Hai, mimosa bừng nở biến cả vùng ngoại thành thành một biển vàng rực rỡ. Sáng hôm sau trời hơi hửng nắng, chúng tôi đi ra cầu tàu chụp ảnh từ biển vào phía bờ có lâu đài, cảnh sắc rất quyến rũ vì lúc này biển và trời đều xanh ngắt làm nổi bật tòa lâu đài đá, xong rồi tìm đường lên rừng mimosa. Cầm bản đồ, nhóm bắt đầu lên núi. Con đường này đẹp quá! Mimosa nở khắp nơi, nhìn được toàn cảnh thành phố dưới chân nữa, tiếc là hôm nay âm u nên không nhìn thấy biển và trời thì không xanh, nhưng hoa rực rỡ và thơm ngào ngạt. Vừa đi vừa chụp ảnh, một tiếng đã đến lối vào rừng rồi. Cả một thung lũng mấy chục cây số vuông giữa trập trùng đồi núi phủ toàn mimosa ra hoa vàng rực, mây trắng vẫn bay là là trên lưng chừng núi làm cảnh vật càng thêm thơ mộng. Chúng tôi đứng trên đỉnh núi chụp ảnh rồi theo đường mòn đi hẳn vào bên trong khu rừng um tùm đang nở hoa vàng rực ấy, tha hồ thưởng thức mùi hương và chụp ảnh. Được một lúc thì mưa nặng hạt, mọi người ra khỏi rừng và trở về La Napoule qua lối làng Les Termes – ngôi làng của những người trồng mimosa. Ngôi làng cũng nằm trên sườn dốc trải xuống chân núi và những ngôi nhà cũng nằm lọt thỏm giữa những cây mimosa cổ thụ đang nở hoa vàng. Con đường trên sườn núi giá trị thật, giá hôm nay nắng đẹp thì cảnh còn đẹp biết bao nhiêu!
Chúng tôi xuống đến La Napoule vào giữa trưa. Các hàng quán cũng trang trí hoa mimosa khắp từ trong ra ngoài, và có thực đơn đặc biệt chào mừng lễ hội. Cả nhóm vào một quán khá lớn ngay đầu đại lộ bờ biển, nơi sẽ bắt đầu cuộc diễu hành mimosa. Thực đơn lễ hội toàn món ngon đặc trưng La Napoule: khai vị salad tôm xốt rượu cognac, món chính là filet cá loup nấu váng sữa ăn với khoai tây nghiền và các loại rau. Các món không những ngon tuyệt mà còn được trang trí rất đẹp, đúng phong cách Pháp! Ăn xong thì đến giờ bắt đầu diễu hành. Mở đầu đoàn diễu hành, theo truyền thống là dàn nhạc với các nhạc công mặc lễ phục hải quân thế kỷ VIII, rồi xe hoa tạo hình biểu tượng đặc sắc của từng địa phương, tiếp theo là cỗ xe nữ hoàng Mimosa lộng lẫy… chạy trên đại lộ từ Mandelieu – La Napoule sang tận Cannes… Những chiếc xe chở mô hình các nhân vật cổ tích và mọi người ăn mặc hóa trang được trang trí toàn bằng hoa mimosa, các đoàn diễn viên múa, người hóa trang thành châu Phi, châu Á, châu Mỹ, ăn mặc vui mắt và ôm từng bó mimosa lớn tung sang hai bên đường cho người xem, ai càng nhận được nhiều càng may mắn. Khán giả reo hò vui vẻ, mỗi người ôm một bó hoa to. Cổ vũ nhiệt tình nhất phải kể đến rất đông các ông bà già đi thành đôi, trông họ vô cùng hạnh phúc và lãng mạn đúng kiểu Pháp. Sau nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn, festival này sẽ được kết thúc bằng “đêm pháo hoa mimosa”: Những đóa mimosa bằng ánh sáng lung linh huyền ảo trên nền trời đêm, soi bóng xuống Địa Trung Hải thơ mộng.
Mimosa biểu trưng cho những tình cảm chân thành và sự cảm thông, nó đã đến Đà Lạt ngay từ những ngày đầu xây dựng. Năm 1898, một đồng nghiệp Pháp ở Viện Pasteur Paris đã gửi cho bác sĩ Alexandre Yersin những giống mimosa từ quê nhà, để trên con đường khoa học gập ghềnh mà ông đã lựa chọn, ông sẽ luôn cảm thấy có những người bạn và cả nền y học Pháp ủng hộ mình. Từ đó mimosa xuất hiện trên khắp cao nguyên Lang Biang…
- Bích Hạnh