Đọc tiêu đề, nhiều người tưởng chuyện “Những người thích đùa”. Thủ phủ du lịch miền Tây là Cần Thơ; Đồng Tháp chỉ dạng em út, thua xa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau… Giỏi lắm là hơn Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Du lịch Đồng Tháp ở miền Tây cũng tương tự du lịch Việt Nam ở ASEAN vậy, thậm chí còn khó hơn. Cả thành phố Cao Lãnh có hai khách sạn ba sao, còn thành phố Sa Đéc chỉ có khách sạn hai sao. Riêng chuyện lưu trú đã thua xa các tỉnh.
Tiềm năng du lịch – ăn đứt các tỉnh
Dù không thích kiểu tỉnh nào cũng tự hào về tài nguyên du lịch chung chung, phải thừa nhận Đồng Tháp hiện đang có đủ“Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Nằm giữa sông Tiền (Mekông) và sông Hậu (Bassac), cả đường thủy lẫn đường bộở Đồng Tháp đều thuận lợi nối các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và cả Campuchia. Chỉ 50km biên giới với Campuchia nhưng có hai cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà, Thường Phước; hai cửa khẩu quốc gia là Thông Bình, Mỹ Cân. Từ cửa khẩu lên Phnom Penh chỉ 105km, xe chạy mất 90 phút.
Tiềm năng du lịch Đồng Tháp rất đa dạng, nhiều thứ không “đụng hàng”. Du lịch sinh thái có vườn quốc gia Tràm Chim (vương quốc tràm và chim), khu du lịch Gáo Giồng (Đồng Tháp Mười thu nhỏ), mùa nước nổi, vườn cò Tháp Mười và rất nhiều ao sen, ruộng ấu. Du lịch văn hóa – lịch sử có Xẻo Quít (thủy đạo chiến đấu giữa rừng tràm), khu di tích Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (có cây sộp trên 700 tuổi và ổi ô rô), di tích Gò Tháp (di chỉ Óc Eo và đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều), nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (bối cảnh phim Người Tình)… Đặc biệt là làng hoa Tân Qui Đông.
Ẩm thực Đồng Tháp cực kỳ phong phú, nhiều món lừng danh cả trăm năm như bánh phồng Sa Giang, hủ tíu Sa Đéc, bánh tầm Cao Lãnh, bột gạo lứt Bích Chi với câu chuyện xuất xứ rất cảm động, nem Lai Vung… Hàng trăm món ngon và lạ như chả giò hến, chả giò ấu, chảốc, bì mắm, lẩu mận, lẩu riêu cua đồng, tắc kè xào lăn, canh gà ớt, gạo huyết rồng, cơm gói lá sen, cơm tôm trộn sen, vịt nấu ấu, xúp hương đồng nội, cá lóc nướng trui cuốn bẹn sen (lá sen non, thay bánh tráng), cá lóc một nắng trộn sầu đâu, khô cá lóc (hấp rồi mới phơi), bánh ít trần Mekông, bánh lá mít, bánh lá sen…
Đồng Tháp còn có dàn lãnh đạo trẻ, năng động, cầu thị và xác định du lịch là trọng tâm phát triển kinh tế, có những nhà tư vấn thực tiễn và sự phối hợp đồng bộ của các ngành, sự đồng lòng của người dân. Đó là những điều kiện để du lịch Đồng Tháp tăng tốc.
Những việc cần làm ngay
Việc đầu tiên là thay đổi tư duy du lịch lâu nay trì trệ bằng những suy nghĩ và hành động thực tế. Người Đồng Tháp phải yêu sản phẩm du lịch quê mình mạnh mẽ thì mới kéo khách đến được. Làm sao để có sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Xác định thế mạnh nhất của du lịch Đồng Tháp là hoa để có chiến lược hoạch định phù hợp. Làng hoa Tân Qui Đông hiện nay, rộng hơn 300ha, có trên 2.000 loại hoa. Thiên hạ trồng hoa trong nhà kính, hoặc chỉ trồng hoa cắm hay hoa kiểng, quy mô nhỏ hơn nhiều. Sa Đéc trồng hoa đủ loại, trong điều kiện tự nhiên, kể cả mùa nước nổi. Nét độc đáo này không đâu có.
Các khách sạn và cả điểm đến được nâng cấp dịch vụ, từ việc đón khách đến thái độ phục vụ chu đáo. Quy hoạch và mở rộng làng hoa Tân Qui Đông. Sa Đéc phải là thành phố hoa, bắt đầu từ các văn phòng, cơ quan nhà nước, các hội đoàn, các công ty đến từng hộ dân. Hoa trong khuôn viên, hàng rào từng ngôi nhà cho đến từng con đường và cả sông rạch. Thành phố hoa với hàng trăm nhà nghỉ giữa bốn bề hoa độc đáo, chân quê, mà chất lượng là điểm nhấn của du lịch Đồng Tháp. Người trồng hoa dùng thuốc trừ sâu sinh học thay thế thuốc trừ sâu công nghiệp độc hại. Các dịch vụ du lịch xoay quanh chủ thể hoa được phát triển hài hòa. Từ tên đường, tên hẻm; cho đến khu phố, được đặt theo từng loài hoa đặc trưng. Hình thành chợ nổi hoa và ẩm thực ven sông.
Tiến hành sưu tập và biên soạn tự điển mini “Món ngon Đồng Tháp”, trong đó có “Những món phải ăn trước khi chết”. Thực hiện việc đặt tên các món ăn và đăng ký bản quyền, tiên phong đưa các món ngon đường phố vào khách sạn và nhà hàng cao cấp. Từng phần việc, có địa chỉ trách nhiệm cụ thể và giám sát minh bạch, vận động mọi người dân cùng tham gia góp sức cho ngành du lịch theo khả năng của mình. Du lịch Đồng Tháp lấy người dân làm chủ thể để đón và phục vụ khách, tận dụng tiềm năng địa phương, từ vật chất đến văn hóa, tạo bản sắc riêng, không trùng lặp với nhiều nơi khác.
Festival Đồng Tháp
Festival Đồng Tháp là bước đột phá: Không có diễn văn dài dòng, báo cáo lê thê. Cũng không có sân khấu hóa hoành tráng và thập cẩm ca nhạc, hội chợ, triển lãm… Khác với những lễ hội tốn kém và kém hiệu quả, festival Đồng Tháp là ngày hội trải nghiệm của người dân lẫn du khách. Sau tuyên bố khai mạc ngắn gọn, lãnh đạo sẽ cùng người dân và du khách tham gia các hoạt động. Có đấu xảo hoa, thi cắm hoa, thi trang trí vườn hoa (nhà riêng, cơ quan, trụ sở công ty…), chợ nổi ẩm thực, chợ nổi hoa, trò chơi dân gian, thi sáng tác ảnh… Dĩ nhiên không thiếu hội chợ, triển lãm và đờn ca tài tử. Mọi hoạt động đều đề cao chủ thể là du khách, cộng hưởng với người dân.
Ngoài các cơ sở lưu trú hiện có Đồng Tháp hoàn toàn có thể tận dụng nhà dân (có tiêu chuẩn tối thiểu) để phục vụ du khách. Festival Đồng Tháp từ đầu năm Dương lịch, kết thúc trước rằm tháng Chạp Âm lịch. Cũng là mùa cao điểm kéo dài qua tết. Có thể nói đây là cuộc cách mạng về lễ hội. Rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực và góp sức của cộng đồng, từ lãnh đạo đến nhân viên và tận từng người dân. Khát vọng của Đồng Tháp là chẳng bao lâu nữa, Sa Đéc – thành phố hoa, sẽ có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Khó, rất khó nhưng mọi việc đều có thể, nếu tất cả đồng lòng.
- Ảnh Dương Minh Bình