Họa sĩ Đinh Cường, cộng tác viên thân thiết của trang Hội họa – Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần vừa qua đời tại Burke, bang Virginia (Mỹ), để lại nhiều tiếc thương cho những người yêu mến ông và yêu mến tác phẩm của ông. Bài viết này thay nén nhang tưởng nhớ một nghệ sĩ tài hoa.
Cách đây hơn bốn mươi năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những dòng sau về người bạn thân thiết của mình: “Tôi là người khách vãng lai thường trực của atelier (xưởng vẽ) Ðinh Cường. Ðêm cũng như ngày. Thế giới tranh của Cường đối với tôi không có gì xa lạ, bởi vì chúng tôi đã cùng sống trong thế giới ấy từ những ngày lòng chưa hề vướng bận về một tiếng thở dài. Trên những phím đàn dương cầm yên tĩnh trong atelier của Cường, tôi vẫn nghe ra mỗi ngày những âm thanh xưa cũ bay la đà trên những núi đồi hoa lá, tháp chuông, trong những màu sắc nóng lạnh của những bức tranh tuy hôm nay mà cũng là của những ngày xưa nữa”.
______
Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), cựu học sinh Trường Pétrus Ký (Sài Gòn). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1963, năm 1964 tốt nghiệp khoa Sư phạm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Huy chương bạc triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Sài Gòn năm 1962, 1963; giải thưởng mỹ thuật quốc tế Sài Gòn năm 1962. Nguyên giáo sư hội họa Trường nữ trung học Đồng Khánh, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
______
Thế giới hội họa của Đinh Cường
Những núi đồi, hoa lá, những tháp chuông nhà thờ, những vầng trăng khuyết, những bóng câu và những cô gái xuân thì với dải khăn quàng thường xuyên có mặt trong tranh Đinh Cường ngay từ thuở ông mới bước chân vào thế giới hội họa cho tới những năm tháng gần đây, tất nhiên với những cách biểu đạt khác nhau theo từng giai đoạn của sự sáng tạo. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận định về mảng tranh này của bạn mình: “Đinh Cường đã vẽ khá nhiều về thiếu nữ, hoa, đồi và trăng. Những đề tài đó tuy rất quen thuộc nhưng nhờ bố cục mới mẻ, và nhất là tính chất âm u hư huyễn của màu sắc, bản chất lãng mạn của những tác phẩm Đinh Cường vượt lên cao hơn bình diện tình cảm của lãng mạn cũ, để diễn xuất một nhu cầu mới của tâm hồn con người thời đại này là nhu cầu thần thoại”. Không tự giới hạn mình trong ngôn ngữ biểu hình, Đinh Cường cũng đã đến rất sớm với hội họa trừu tượng và đã có được một bảng màu rất riêng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là màu và chất (matière) của đất đá: “Nghệ thuật trừu tượng Đinh Cường chứa đựng một hoài niệm về đất đá. Đó là phản ảnh tâm trạng xót xa của một tâm hồn đã đánh mất sự bình an và vì thế không còn hạnh phúc. Dĩ nhiên, đó là nỗi bất an chung của những người nghệ sĩ trước bản chất vô thường của cuộc đời, trước những phù phiếm của sự sống, và dĩ nhiên đó cũng là nỗi bất an của một lớp người tự thấy bất lực trước những đau khổ của mình và của xứ sở”.
Còn rất nhiều nhận định về hội họa của Đinh Cường từ nhiều bạn hữu của ông cũng như từ các nhà phê bình mỹ thuật. Bởi suốt cuộc đời mình ông đã vẽ rất nhiều tranh và đã triển lãm tranh rất nhiều lần (riêng và chung) tại quê nhà và ở Pháp, ở Mỹ – nơi ông và gia đình định cư từ năm 1989. Mặt khác, hội họa của ông – dù biểu hình hay trừu tượng, ngoài sức quyến rũ thị giác người xem, còn là những cảm xúc chân thật, là những bày tỏ, những nỗi niềm… đã gây được sự đồng cảm nơi người xem. Cách nào đó, tranh Đinh Cường như một con tàu đi vào cõi mênh mang của ký ức và kỷ niệm mà ở từng chặng hành trình, qua các sân ga người ta lại tìm thấy những mảnh quá khứ đã rơi rớt dần theo tháng năm của cuộc đời. Chính người nghệ sĩ cũng đi tìm những mảnh quá khứấy: “Mấy năm trở lại đây, mỗi phòng tranh của Đinh Cường là một dịp hồi hướng, ôn lại chuyện cũ, các chặng đường, lấp ló nét thành quách được bồi tiếp dày hơn, rúm ró hơn, dập lên dập xuống, từ đó nứt nẻ ra một dáng mai như đóng đinh vào thời gian, không trẻ lại nhưng không già thêm, để làm báu vật trong viện bảo tàng của ký ức mà sẽ không có ai, sẽ không có việc gì có thể tranh đoạt được của Đinh Cường” – nhà văn, dịch giả Bửu Ý, một người bạn từ thời trẻ của Đinh Cường đã viết như thế. Ông cũng cho rằng, những chặng sáng tác của bạn mình, dù là ở đâu chăng nữa, vào thời kỳ nào đi nữa thì “Huế hiển nhiên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời chàng họa sĩ. Đinh Cường đâu Huế đó”.
“Vòm khí hậu riêng biệt” của Đinh Cường
Trong studio và thư phòng tại ngôi nhà của gia đình họa sĩ ở quận Burke, bang Virginia có tranh chân dung của rất nhiều nhân vật trong giới văn nghệ sĩ là bằng hữu thân quen với Đinh Cường: Bùi Giáng, Quách Thoại, Ngô Kha, Bửu Ý, Mai Thảo, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Bửu Chỉ, Nguyễn Trọng Khôi… Nhiều nhất là chân dung Trịnh Công Sơn. Hẳn là không ai trong số bạn bè của Đinh Cường gần gũi và gắn bó với ông cho bằng tác giả của những Phôi pha, Diễm xưa, Hạ trắng, Nắng thủy tinh… – những ca khúc được Trịnh Công Sơn viết ở Huế vào thời kỳ họ mới thân nhau: “Đó là cái thời của những tuổi hai mươi tìm gặp nhau trong một mối đồng cảm về nghệ thuật. Cái tuổi của lãng mạn, trữ tình và đầy chất hào hoa phong nhã. Tôi đã gặp Đinh Cường vào thời điểm ấy. Trong những đêm mùa đông, băng qua khu vườn rộng ẩm ướt mưa ở Bao Vinh, trước khi gặp Cường bao giờ tôi cũng phải “diện kiến” với một con mắt đỏ lập lòe của ngọn đèn dầu trên am thờ. Đó chính là cái point riche (điểm tráng lệ) của đêm đen mà về sau này tôi vẫn thường bắt gặp trên tranh của Cường… Sức làm việc của Đinh Cường trong những năm ấy đã gây cảm hứng rất nhiều cho bạn bè làm văn nghệở quanh anh. Tuy đang ở trong những năm đầu của nghề nghiệp nhưng anh đã biết tạo cho mình một vòm khí hậu riêng biệt. Đó là cái khí hậu đầy lôi cuốn mà người ta thường tìm thấy trong thế giới của những nghệ sĩ đã trưởng thành trong tác phẩm cũng như trong lối sống. Ở đó người ta chỉ bắt gặp sự sáng tạo, nỗi đam mê không bờ bến và những giấc mơ kỳ diệu…”. (Trịnh Công Sơn)
Cái “vòm khí hậu riêng biệt” ấy được Đinh Cường tái tạo trong ngôi nhà ở Burke, nơi ông vẽ, làm thơ và viết nhiều bài báo về hội họa gần như cho tới những ngày cuối của đời mình. Hàng loạt chân dung các nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng của Việt Nam và thế giới do ông viết đã được đăng trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần những năm qua, trong đó một số bài được ông tập hợp lại in thành tập sách Đi vào cõi tạo hình xuất bản tại Mỹ trong năm 2015.
Trong bài thơ Trưa trên phố Clarendon được ông viết năm 2010 có những câu:
Rồi lại mùa thu vàng lá rụng
Em có buồn nhìn trời thu không
Ước chi về đi dưới trời mưa bụi
Ôi Huế rêu phong ủ kín trong lòng
Lỡ mai tôi đi về dưới suối
Vàng mơ một giấc ngủ êm đềm
Thì cứ như là mây với gió
Gió dạt xô về muôn tiếng chim
Đinh Cường đã từ giã cõi trần “đi về dưới suối”, tìm “một giấc ngủ êm đềm” bên những bè bạn thân yêu đã khuất. Vĩnh biệt ông!