Núi Bokor đã từ lâu quen thuộc với người Việt qua tên gọi núi Tà Lơn gắn với nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại nằm trên địa phận tỉnh Kampot, cách trung tâm thành phố Kampot của Campuchia khoảng 10km về hướng Tây Nam. Bokor theo tiếng Khmer có nghĩa là cái gù của con bò bởi nhìn từ xa, ngọn núi này trông giống như thế. Trải qua nhiều biến động lịch sử khiến Bokor từng bị lãng quên, mãi một thời gian dài mới dần được đánh thức. Giờ đây, Bokor là điểm đến hàng đầu của du lịch Campuchia, mỗi ngày đều có vài ngàn lượt khách đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar…
Đầu những năm 1920, người Pháp khi đô hộ Campuchia đã phát hiện ra cao nguyên Bokor có địa thế và khí hậu rất lý tưởng nên đã tiến hành xây dựng tại đây khu nghỉ dưỡng cho binh sĩ và giới hoàng tộc. Hàng loạt các công trình phục vụ nhu cầu văn hóa, hệ thống giải trí phức hợp được ra đời như nhà thờ, bưu điện, trường học, khách sạn và casino…
Những năm 1950-1960 là thời gian vàng son của Bokor, nhưng rồi khi Pháp rút lui thì nơi này trở nên hoang phế, gần như đóng cửa hoàn toàn trong một thời gian dài. Năm 1993, nhà vua Norodom Sihanouk tiến hành xây dựng Công viên Quốc gia trên núi này, cùng với việc cho phép các doanh nhân tham gia đầu tư vào Bokor, biến vùng rừng núi hoang sơ thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên hấp dẫn.
Từ trên đỉnh Bokor, những hôm trời trong, phóng tầm mắt trên làn nước biển xanh biếc sẽ nhìn thấy toàn cảnh quần đảo Phú Quốc. Với nhiệt độ trung bình từ 16-22 độ nên khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, được ví như Đà Lạt của đất nước Chùa tháp. Ai đã đến Bokor sẽ biết thời tiết ở đây được ví như cô gái đỏng đảnh, thất thường. Buổi sớm mới bừng nắng trong chốc lát sương mù đã kéo về dày đặc, cả không gian chìm vào mờảo. Cung đường này mang vẻ đẹp hoang sơ, có sức quyến rũ đối với những người thích khám phá, trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Gần đây, con đường dài hơn 200km dẫn đến Bokor được một doanh nhân gốc Việt thường gọi là ông Sáu Cò xây dựng lại rất khang trang làm quang cảnh đường rừng bớt thâm u. Có thể nói ở Bokor nơi đâu cũng có những câu chuyện tâm linh huyền bí. Tại đỉnh đèo Peak Nil trên cung đường này có tượng nữ thần Veang Kh’mau rất đồ sộ, cao khoảng 20m ngồi hướng mặt ra biển, nơi người dân thường đến dâng lễ cúng cầu phúc, cầu an.
Nếu Veang Kh’mau là tượng nữ thần do người dân xây dựng để bày tỏ lòng tôn kính đối với người đã có công khai sáng, mở mang vùng đất này thì tượng Sơn thần (phiến đá lớn hình mặt người) là tác phẩm hoàn toàn do thiên nhiên tạo tác, cũng được người dân lẫn du khách trên đường đến Bokor dừng chân chiêm bái. Đặc biệt, thiên nhiên với hệ sinh vật đa dạng làm cho Bokor khác biệt hơn. Đó là ở vùng cánh đồng trăm mẫu có bạt ngàn cây nắp ấm sinh sôi.
Loài thực vật này tập trung nhiều ở đây cũng là một chuyện lạ làm du khách hiếu kỳ. Rừng đá (thạch lâm) với hàng trăm ngàn phiến đá đen đủ hình thù kỳ bí. Thác Povokvil gồm hai tầng là một công trình kỳ thú của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Bokor. Xung quanh thác là quang cảnh hoang sơ, trong lành, các dãy đá chất chồng lên nhau xen kẽ các loài thực vật xanh um tùm, từng nhóm du khách có thể dừng chân ngắm cảnh, nghỉ ngơi, chụp hình lưu niệm.
Dấu tích thời gian còn lại ở Bokor khá nhiều qua những công trình kiến trúc rất độc đáo. Có nơi hoang phế nhưng mang lại cho du khách nhiều cảm xúc, hồi tưởng lại một thời thịnh vượng của vùng đất này. Đó là nhà thờ cổ nhuốm màu rêu phong, đơn độc. Đặc biệt là màu rêu đỏ nổi bật giữa không gian mây núi huyền ảo.
Ngôi chùa cổ Wat Sampov Pram, còn gọi là chùa Năm Thuyền được xây dựng từ thời vua Monivong lúc nào cũng có khách thập phương cúng viếng. Rồi khu phức hợp khách sạn – casino cổ Bokor Palace Hotel mà người Pháp đã xây dựng dang dở trước khi rút khỏi Campuchia cũng được bảo tồn làm điểm tham quan cho du khách.
Công trình hiện đại nhất Bokor đã hoàn thành là Thansur Bokor Highland – một chuỗi giải trí phức hợp hiện đại gồm casino, nhà hàng và khách sạn. Sau một ngày rong ruổi khám phá Bokor cổ kính, du khách sẽ được tận hưởng các dịch vụ giải trí, ẩm thực, thư giãn tại đây.