Một trong những sự kiện quan trọng nhất năm của thể thao Việt Nam là SEA Games 28 vừa diễn ra tại Singapore. Với vị trí thứ ba toàn đoàn cùng thành tích 73 HCV – 53 HCB – 60 HCĐ, có thể nói đoàn thể thao Việt Nam đã “vượt kế hoạch”, bởi nhiệm vụ đặt ra trước lúc lên đường chỉ là giành từ 56 tới 65 HCV. Không những thế, mục tiêu chuyên môn của chúng ta là đứng trong nhóm đầu ở những môn thể thao Olympic cũng đã đạt được. Đáng nói hơn, chúng ta tham dự với chỉ 392 VĐV (ít hơn những lần tham sự SEA Games gần đây), ít hơn nhiều so với số VĐV các đoàn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…
Với 11 HCV của điền kinh, 10 HCV của bơi lội, 9 HCV của thể dục dụng cụ, 8 HCV của đấu kiếm, 8 HCV của rowing…, có thể nói thành tích của các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic tại SEA Games 28 là xuất sắc. Đó là kết quả của quá trình chuyển hướng đầu tư của ngành thể thao nước nhà, lấy các môn thể thao Olympic làm trọng điểm, hướng tới các đấu trường châu lục và thế giới. Từ chỗ chỉ hài lòng với mục tiêu giành HCV ở các môn thể thao Olympic khi tham dự SEA Games, thể thao Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cao hơn như phá kỷ lục SEA Games, đạt chuẩn tham dự Olympic và tranh chấp huy chương ở Asian Games và Olympic.
Tuy nhiên, điều này là rất khó, kể cả khi chúng ta đã đầu tư trọng điểm vào các môn thế mạnh. Từ hai năm trước, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 27 tại Myanmar, ngành thể thao đã chia các môn thể thao thành sáu nhóm, mỗi nhóm tập trung cho một mục tiêu khác nhau. Nhóm S-A-O (viết tắt của ba cụm từ SEA Games, Asian Games, Olympic) được đầu tư đặc biệt, gồm bốn môn là bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, Taekwondo. Bắn súng và thể dục dụng cụ chúng ta có những VĐV ở tầm thế giới như Hoàng Xuân Vinh, Phan Thị Hà Thanh. Còn Taekwondo và cử tạ chính là hai môn đem về hai chiếc huy chương Olympic duy nhất cho đến lúc này của nước ta kể từ sau năm 1975 (HCB của võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 và HCB của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008).
Ngoài ra, còn có các nhóm khác như: S-A-Q để chuẩn bị cho SEA Games, Asian Games và đạt chuẩn Olympic với các môn điền kinh, bơi lội, boxing, rowing, judo… Nhóm S-A làm nhiệm vụ SEA Games và Asian Games gồm Karatedo, wushu, cầu mây; S-P-O là nhóm môn có tiềm năng Olympic như đấu kiếm, nhảy cầu, thuyền buồm, bắn cung…
Bên cạnh trường hợp đặc biệt Ánh Viên được đầu tư dài hạn ở Mỹ, từ năm 2015, ngành thể thao tiếp tục đầu tư sâu cho 14 môn tham dự các vòng loại Olympic 2016, trong đó số môn được ưu tiên đầu tư trọng điểm đã thay đổi, đó là điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ (Taekwondo không còn được ưu tiên). Tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,6 triệu USD trong năm 2015 với các chuyến thi đấu, tập huấn dài hạn tại nước ngoài, riêng nhóm năm môn trọng điểm được dành 1 triệu USD.
Với chiến lược đầu tư mới của ngành thể thao như vậy, có lẽ trước mắt chúng ta hướng tới các suất tham dự Olympic. Mục tiêu giành huy chương Olympic còn cả một hành trình dài. Đấu trường Olympic là vô cùng khốc liệt, độ cạnh tranh rất cao. Như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, dù liên tiếp phá sâu các kỷ lục của SEA Games, đạt chuẩn A dự Olympic, thì thành tích của cô vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với thành tích giành HCĐ tại Olympic gần nhất (London 2012). Tiệm cận nhất là cự ly 200m tự do nữ, thành tích của Ánh Viên là 1 phút 59 giây 27, trong khi thành tích của người giành HCĐ tại Olympic London 2012 là 1 phút 55 giây 81. Hơn ba giây trong cự ly ngắn là một khoảng cách rất khó san lấp. Chưa kể, theo thời gian, thành tích của các đối thủ còn được cải thiện. Tất nhiên, chúng ta cũng kỳ vọng vào sự cải thiện thành tích của các VĐV Việt Nam trong thời gian tới.
Dù gì thì nước ta cũng mới chỉ đầu tư cho các môn Olympic trong thời gian ngắn. Nếu duy trì đầu tư một cách bền vững, chúng ta hoàn toàn có thể mơ về một tấm huy chương Olympic, chứ không còn hài lòng với một vị trí trong top đầu và phá các kỷ lục khi tham dự đấu trường SEA Games.
- Địch Vân