Mấy năm gần đây, theo đà giảm dần của trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước ấn định, tùy vào tình hình kinh doanh thực tế của mình, các ngân hàng thương mại đã ngày càng giảm dần mức lãi suất huy động. Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường hiện tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng ngắn hạn chỉ trong khoảng 4 – 5%/năm. Ở các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện trong khoảng 6 – 7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 – 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7 – 9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngoài ra, còn có những gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm thêm 1%/năm so với mức kể trên mà các ngân hàng thương mại nhà nước dành cho doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại đã thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 01/CT-NHNN (ban hành ngày 27-1-2015) của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1% – 1,5%/năm.
Tuy nhiên, phải đánh giá một cách khách quan rằng những mức lãi suất cho vay ưu đãi kia chỉ mang tính điển hình, chứ chưa đại diện cho mặt bằng chung của lãi suất cho vay trung và dài hạn tại nước ta hiện nay. Và kể cả mức lãi suất 10 – 11%/năm cũng là quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn chưa vượt qua hết khó khăn sau thời kỳ kinh tế suy thoái do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới. Những đợt tăng giá xăng dầu, điện và sự điều chỉnh của tỷ giá từ đầu năm đến nay càng khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực. Doanh nghiệp nào đang phải trả lãi vay ngân hàng, đặc biệt là lãi vay trung và dài hạn, thì sự khó khăn ấy càng lớn.
Kể từ khi lãi suất huy động và cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm, có thể thấy chỉ có lãi suất huy động là được giảm ngay, đồng loạt, giảm mạnh, hiện chỉ bằng khoảng 30 – 40% thời điểm cao nhất. Lãi suất cho vay chỉ giảm một cách dè dặt, không đồng bộ. Đến thời điểm hiện nay, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm vẫn còn khá lớn. Không cần phải là chuyên gia tài chính – ngân hàng, cũng có thể thấy rằng với mức lạm phát dự báo trong khoảng 3 – 4% cho năm nay và lãi suất huy động trung bình 5 – 6%/năm (tính chung cho cả nguồn vốn ngắn và dài hạn), việc các doanh nghiệp phải trả lãi vay vốn trung – dài hạn trên 11%/năm là quá cao.
Các ngân hàng cho rằng lãi suất cho vay hiện không còn là vấn đề đối với doanh nghiệp, đồng thời cũng đang ở mức phù hợp, thậm chí… thấp so với tình hình thực tế. Vấn đề nên quan tâm hiện nay là làm sao để tổng cầu của xã hội tăng lên, từ đó doanh nghiệp bán được sản phẩm, dịch vụ để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi kinh tế tăng trưởng nóng (như trước đây) thì lãi suất vay lên đến trên 20%/năm người ta vẫn tích cực vay vốn, có nghĩa là lãi suất cao hay thấp không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Lập luận này đúng nhưng chưa đủ, vì dù sao lãi suất cũng là một phần quan trọng cấu thành nên giá sản phẩm, bên cạnh chi phí con người, công nghệ,… nên nếu giảm xuống được ngang bằng với mức mà các đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp trong khu vực hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng thì sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao được sức cạnh tranh. Cuối năm nay, chúng ta tham gia Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Doanh nghiệp cần nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, đổi mới công nghệ và đó vẫn là vấn đề không dễ giải quyết.
Minh Hằng (DNSGCT)