Tôi đã nhiều lần đi xuyên Việt – những chuyến đi có động lực chính là sức hấp dẫn, sự hối thúc từ hành trình xuôi về phương Nam của cha ông. Và khi kiên trì men theo véc-tơ này của lịch sử, tôi bất ngờ nhận thấy nhiều tuyến đường mòn, ngõ nhỏ hay lối rẽ đến các resort – những nơi mà tôi tạm gọi là “làng biển”. Một hướng di cư, dịch chuyển khá âm thầm hướng đến định vị những thang giá trị mới khá lạ lùng của văn hóa Làng Việt.
Kể từ khi đầu tiên ra đời ở Phan Thiết năm 1997, ở cả ba miền đã nhanh chóng hình thành một chuỗi, tổ hợp resort. Có một số dừng lại trên núi cao hoặc lui ra ngoại ô. Phần lớn thì hướng về phía đông, đi ra gần biển và tập trung nhiều ở miền Trung. Vươn ra đảo, bán đảo là các dự án gắn với các thương hiệu mạnh, chủ đầu tư lớn.
Bài viết này không đề cập đến việc phát triển không quy hoạch, thiếu kiểm soát, các nhóm lợi ích lấy resort ngụy trang cho các thương vụ kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư có tầm nhìn hạn hẹp, các sản phẩm du lịch ngày càng trở nên nghèo nàn… Đã có không ít bài học cay đắng ở Tuần Châu, Nha Trang, Phú Quốc… Ở nhiều nơi, thiên nhiên bị tàn phá, môi trường ô nhiễm, kinh doanh ngưng trệ, resort chỉ còn là những phòng ngủ trọ có nhiều bóng cây và mặt nước.
Tạm gạt bỏ những bất cập trên, phải nhìn nhận resort có những điểm ưu việt. Đó là mô hình đầu tư, kinh doanh mới đầy cơ hội, tiềm năng. Nếu định hướng phát triển một cách đồng bộ các khu nghỉ, hướng tới những sản phẩm du lịch đa dạng, chúng ta đã có thể sở hữu những lựa chọn thông minh cho phát triển kinh tế bền vững.
Resort mời gọi và hướng con người trở về với thiên nhiên. Đó là giải pháp giúp con người giải tỏa những áp lực của cuộc sống, tái tạo sức lao động, hướng tới sự cân bằng giữa làm việc và hưởng thụ. Nó góp phần hình thành, phát triển văn hóa nghỉ dưỡng với một bộ phận không nhỏ người Việt vốn chỉ biết gắn cuộc đời mình với những khái niệm chăm chỉ, chịu khó. Chất lượng resort góp phần thay đổi chất lượng sống của một bộ phận không nhỏ thuộc giới trung lưu, tầng lớp đặc biệt quan trọng trong xã hội hiện đại.
Không gian này lại có khả năng hiếm hoi là kết nối, kế thừa và phát huy các di sản văn hóa. Nhiều resort đang có cơ hội trở thành đại sứ văn hóa. Với nhiều du khách, tên gọi của khu nghỉ được đồng nghĩa với địa phương, quốc gia. Và hơn thế, resort còn là một trong những bước tiến ra biển ngoạn mục để giúp người Việt dần dần thoát bỏ trạng thái tâm lý “trọng sông, sợ biển”.
Cũng không quá khó để tìm các dữ liệu chứng minh cho nhận định trên. Là một người yêu thích văn hóa phương Đông, đôi khi chỉ cần dừng lại một chút bên một ô cửa hình chữ Thọ trên du thuyền Bhaya, bạn cũng được gợi mở một cách nhìn sâu lắng về cách mà con người đối thoại với thiên nhiên.
Là nhà đầu tư khôn ngoan, bạn hãy tìm đến Vạn Chài, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Chủ đầu tư ở đây không thiếu tiền, thế nên việc tận dụng vật liệu rẻ tiền không chỉ nhằm… “đo lọ nước mắm, ngắm củ dưa hành” hay tiết kiệm chi phí, mà còn thể hiện một triết lý kinh doanh. Triết lý đó là không thể và không nên đầu tư một khu nghỉ sang trọng trên một bãi biển… bình dân và chỉ có thể “sống” trong vài tháng hè.
May mắn cho Sun Spa (Đồng Hới) là có bãi biển Bảo Ninh tuyệt đẹp, đủ gần với hệ thống hang động lừng danh thế giới (Phong Nha) và không quá xa Hà Nội. Mặt tiền của Life Hội An không gắn liền với một cái cổng. Phố cổ như nối dài, đi sâu và tan vào bên trong khu nghỉ. Những chiếc lu gốm và trò chơi tắm mưa của con trẻ ở Nam Hải (Hội An) như dẫn chúng ta trở về với làng gốm xưa cùng bao ký ức tuổi thơ. Chỉ có cơ vận hanh thông, sự phù trợ của văn hóa tâm linh Chăm hay việc tái hiện hình bóng thân thương nhất của những làng chài cổ… mới giúp cho Ana Mandara định vị và tạo nên một di sản mới cho Nha Trang.
Sixsen Ninh Vân không chỉ có chỗ ngồi gợi nhớ tích bảy người hiền trong rừng trúc. Hơn hẳn Vinpearl ở chỗ họ tôn vinh giá trị sáng tạo của những thương hiệu lớn trên thế giới chứ không thuê người nước ngoài về làm theo ý mình. Những không gian vuông – tròn, sự kết nối đá – cát – mặt nước ở I resort, Nha Trang giống như một mô tả chính xác về nguyên lý cân bằng của sự phát triển.
Life Quy Nhơn kể một câu chuyện thú vị nhất về biểu tượng phồn sinh trong văn hóa Chăm. Thành công nhất ở Sài Gòn là các khu Bình Quới, Thanh Đa. Những dự án mang dấu ấn “phong cách Cao Lập” – một nhà điều hành tuy thiếu lý thuyết và phương pháp luận nhưng có thừa kinh nghiệm, nhiệt huyết cũng như niềm kiêu hãnh. Mango resort ở Phú Quốc là nơi duy nhất sử dụng kiến trúc trình tường đất… Các ví dụ trên là chưa đầy đủ nhưng nó phác thảo phần nào hình hài, gương mặt tươi trẻ, đầy sức sống của văn hóa resort.
Nổi bật nhất là những dấu ấn của các tác phẩm kiến trúc. Có đủ giao thoa, ảnh hưởng văn hóa Đông – Tây, Việt – Trung – Nhật, Việt – Chăm – Khmer đồng hiện, hiển hiện ở khắp các không gian nội, ngoại thất. Hầu hết các “ngôi làng” đều chọn lựa được những vị trí đắc địa, cảnh quan giàu chất sinh thái. Các yếu tố văn hóa bản địa đã trở thành dấu ấn hấp dẫn và không thể thiếu. Những tinh túy trong tập quán, tâm lý, thói quen, ứng xử đến các vật dụng của người Việt cổ đều có cơ hội được tái hiện, thể hiện. Giống như nhà triển lãm hay bảo tàng, nhiều resort có những bộ sưu tập đa dạng các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Sẽ không quá lời nếu nói I resort, Sixsen Ninh Vân, Ana Mandara… đang sở hữu “mã nguồn” – những thông điệp, triết lý của kiến trúc Việt đương đại. Những kiến trúc này không phô khoe hoành tráng, mà có quy mô khiêm tốn, nép tựa vào thiên nhiên, sử dụng vật liệu tự nhiên của địa phương; sáng và thoáng, tiện nghi mà giản dị, từng chi tiết được chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng là hướng đến cái mộc mạc; cái bản sắc, sự khác biệt đã được làm sáng rõ trong khi tích hợp các giá trị văn hóa khác của khu vực và thế giới…