Có thể nói, sự tăng điểm của VN-Index tuần qua không phản ánh đúng diễn biến của thị trường. Sắc xanh có được chủ yếu đến từ việc các cổ phiếu dẫn dắt tăng điểm, trong đó GAS đóng vai trò chủ yếu. Đà tăng của GAS có được phần nhiều do thông tin PetroVietnam thông báo phát hiện được mỏ khí lớn nhất Việt Nam ở vùng biển miền Trung. GAS tăng mạnh không chỉảnh hưởng tích cực đến hai chỉ số mà còn giúp nhóm cổ phiếu dầu khí tăng điểm trở lại trước khi bị “dập” vào phiên cuối tuần. Trong hầu hết các phiên, số mã giảm giá cao hơn số mã tăng giá, dù rằng với ba phiên tăng và chỉ hai phiên giảm điểm, VN-Index đã tăng được 6,17 điểm trong tuần, tương đương tăng 1,02%, dừng ở mức 617,72 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì tương đương tuần trước, khi khối lượng giao dịch bình quân (170,56 triệu đơn vị/phiên) tăng 2,16% nhưng tổng giá trị giao dịch bình quân (2.952,92 tỉ đồng) lại giảm 4,08%. Cũng có diễn biến tương tự là sàn HNX, khi chỉ số HNX-Index cũng có ba phiên tăng và hai phiên giảm.
Trong từng phiên giao dịch, sự kiên định của nhà đầu tư được thử thách khi đa số cổ phiếu đều rất khó khăn để tăng giá trong khi đến cuối phiên lại dễ dàng quay đầu giảm điểm sau phiên giao dịch ATC. Lệnh bán mạnh trong đợt giao dịch cuối ngày khiến đa số các cổ phiếu kết thúc phiên ở mức thấp hơn giá khớp lệnh liên tục trước đó. Vẫn biết các lệnh mua bán thời điểm này thường do các nhà đầu tư lớn đưa ra và việc một mức giá thấp được xác lập vào cuối ngày, cũng là giá tham chiếu cho phiên giao dịch sau, sẽ giúp cho các cổ phiếu trở nên rẻ hơn, có lợi cho người mua. Dù vậy, nếu “điệp khúc” này diễn ra thường xuyên, có thể sẽ gây nên sự bất an và kéo theo sự bán tháo từ phía các nhà đầu tư thận trọng. Cũng cần nói thêm rằng khi thị trường đang trên đà hưng phấn, các quyết định mua bán cuối phiên thường giúp giá đóng cửa đứng ở mức cao, nhưng khi thị trường đang bất ổn như hiện nay thì các quyết định bán mạnh lại làm thị trường giảm sâu về cuối phiên. Điều này tạo ra những hiệu ứng tiêu cực tới các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt khi các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VIC có những phiên tăng giảm điểm khá thất thường. Chẳng hạn, phiên tăng điểm bất ngờ của GAS và một số cổ phiếu lớn trong họ dầu khí giúp VN-Index tăng điểm khá trong ngày 9-10 đã được tiếp nối bởi một phiên giảm mạnh ngay sau đó của chính nhóm cổ phiếu này.
Ngoài ra, giao dịch của khối các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần làm tâm lý thị trường thêm căng thẳng. Cụ thể, khối ngoại tiếp tục xu thế bán ròng trên cả hai sàn. Tính chung cả tuần họ đã bán ròng 5,02 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng là 212,45 tỉ đồng. Các nhà đầu tư cá nhân lo ngại bởi có thể đấy không chỉ là xu thế ngắn hạn. Xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán của khối ngoại đã diễn ra tại châu Á suốt nhiều ngày qua, do lo ngại tình hình bất ổn tại Hongkong. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm 1,6%, xuống 136,47 điểm, mức điểm thấp nhất trong hơn sáu tháng qua và là tuần thứ năm liên tiếp chỉ số này giảm điểm. Nếu xu hướng bán ròng của khối ngoại còn tiếp diễn, dòng tiền trên thị trường có thể suy yếu và nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ bị dao động.
Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng thị trường vẫn đang được vận hành một cách hiệu quả, không còn bịảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn như trước – các cổ phiếu tốt cũng như xấu đều tăng giảm đồng loạt khi thị trường hưng phấn hoặc bi quan. Hiện thị trường đã có sự phân hóa nhất định, với các cổ phiếu cơ bản, có thông tin tốt hỗ trợ sẽ tăng giá kể cả khi thị trường đang giảm điểm mạnh, còn các cổ phiếu thuộc dạng đầu cơ, không có yếu tố cơ bản hỗ trợ sẽ nhanh chóng giảm về giá trị thực kể cả khi thị trường đang tăng điểm.
Đầu tuần mới, dù có thông tin hỗ trợ là giá xăng dầu chính thức giảm lần thứ bảy liên tiếp kể từ 12g ngày 13-10, VN-Index vẫn tiếp tục một phiên điều chỉnh. Dù số cổ phiếu tăng và giảm điểm trên HoSE là như nhau (cùng 104 mã) nhưng kết thúc phiên VN-Index vẫn giảm 3,5 điểm, về mốc 614,22 điểm, do các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS và PVD cùng giảm giá. Thanh khoản suy giảm khi chỉ có 119,91 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị 2.255,32 tỉ đồng. Trong những ngày tới, thị trường có thể tiếp tục xu thế tích lũy, dòng tiền sẽ dịch chuyển từ những ngành đã tăng quá mạnh trong thời gian qua như dầu khí, bất động sản, chứng khoán sang các ngành còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là đổ vào các doanh nghiệp sẽ có báo cáo kết quả kinh doanh quý III tốt. Triển vọng thị trường trong trung và dài hạn vẫn đang được đánh giá tích cực dựa trên những số liệu khả quan về tình hình kinh tế vĩ mô và những chuyển biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thành Huân