Đó không phải là nỗi lo vì vừa quay trở lại đấu trường danh giá nhất châu Âu đã phải đụng độ nhà đương kim vô địch Real Madrid ngay tại vòng bảng, mà là nỗi lo mang tên Luật công bằng tài chính của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Luật công bằng tài chính quy định các CLB muốn được tham dự các cúp châu Âu mùa này phải đáp ứng được yêu cầu không được thua lỗ quá 45 triệu euro trong ba năm (từ 2011 đến 2014).
Champions League mùa bóng 2014-2015 đã khởi tranh các trận đấu vòng bảng từ trung tuần tháng 9. Từ khi ra đời theo thể thức mới (mùa bóng 1991-1992), không chỉ quy tụ những CLB vô địch quốc gia như của cúp C1, Champions League đã thay thế xuất sắc vị trí của cúp C1 và trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho UEFA và là đấu trường mà không CLB tên tuổi nào muốn làm kẻ ngoài cuộc.
Khoản tiền thưởng 8,6 triệu euro cho sự góp mặt ở vòng bảng, mỗi trận thắng nhận được 1 triệu euro và 500 ngàn euro cho mỗi trận hòa, CLB nào lại không muốn? Chưa kể nếu lọt vào vòng 16 đội, họ sẽ được nhận thêm 3,5 triệu euro. Giành vé vào tứ kết, mức thưởng tăng lên 3,9 triệu euro. Vào bán kết nhận 4,9 triệu euro, á quân tiếp tục nhận 6,5 triệu euro, còn mức thưởng dành cho đội bóng đăng quang ở Berlin (Đức) ngày 6-6-2015 tới sẽ là 10,5 triệu euro. Đó là chưa kể các CLB còn được hưởng lợi nhuận từ các hoạt động thương mại của Champions League, tiền thu được từ bán vé,… Vậy nên, chỉ cần được tham dự Champions League, một CLB coi như đã “đủ sở hụi” cho phần lớn kinh phí mua sắm ngôi sao của mùa bóng sau. CLB lớn nào có nguy cơ không được tham dự mùa thứ hai liên tiếp (như Manchester United đang lo lắng) thì phải vội vàng sắm sao, hy vọng có được một chỗ trong Top 4 giải Ngoại hạng Anh vào cuối mùa bóng, đồng nghĩa với suất tham dự Champions League mùa sau. CLB nào bị phạt do vi phạm Luật công bằng tài chính kèm theo lời đe dọa nếu không chấp hành sẽ bị cấm tham dự Champions League (như Manchester City, Paris Saint Germain…) thường nghiêm túc nộp phạt, dù số tiền phạt lên đến 75 triệu euro. CLB nào mới được tham dự Champions League sau nhiều năm (như Inter, Liverpool, Monaco) mà bị UEFA điều tra về việc vi phạm Luật công bằng tài chính thì cũng lo sốt vó, không biết mình sẽ bị phạt thế nào.
Như đã đề cập, CLB lừng danh nước Anh là Liverpool chân ướt chân ráo trở lại đấu trường Champions League sau năm năm ngay lập tức bị UEFA “sờ gáy” do đã lỗ 52,6 triệu euro trong mùa bóng 2011-2012 và lỗ 64 triệu euro trong mùa bóng 2012-13. Liverpool cho rằng mình có thể bị oan, vì UEFA chưa tính đến những hợp đồng thương mại mới của họ trong 18 tháng qua. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mức chi tiêu của đội bóng áo đỏ mùa này, thì rõ ràng họ còn nhiều việc phải làm để có một bản báo cáo tài chính “đẹp” nộp cho UEFA: Mùa chuyển nhượng vừa qua, CLB này chi ra gần 150 triệu euro để mua cầu thủ, trong khi chỉ thu về 106 triệu euro từ việc bán cầu thủ, trong đó có trường hợp bán siêu sao Luis Suarez cho Barcelona.
Thế nhưng, Liverpool cũng có quyền hy vọng: Mùa giải trước, có đến 76 CLB bị cho là có nguy cơ vi phạm Luật công bằng tài chính, nhưng cuối cùng chỉ có chín CLB bị UEFA phạt, trong đó có hai “ông lớn” Manchester City và Paris Saint Germain. Có điều, Lữ đoàn Đỏ cũng nên cẩn thận, bởi UEFA cũng rất biết cách khuyến khích các CLB cáo giác lẫn nhau: số tiền nộp phạt cho UEFA được chia đều cho các CLB có tham dự cúp châu Âu của quốc gia đó!
- Địch Vân