Trần Thanh Phương là nhà báo. Có lẽ báo là thứ xuất hiện nhiều nhất trong căn nhà nhỏ của ông. Gia chủ tận dụng mọi khoảng trống trong nhà để trữ báo, từ gậm bàn, gậm giường, gậm tủ, trên gác xép…
Tính theo khối lượng, báo trong nhà ông nặng khoảng hai tấn. Tuy nhiên, ông không trữ báo tờ, mà lọc ra từng bài, phân loại theo chủ đề, sự kiện rồi đóng thành tập. Giữa phòng khách là bộ sách Đất nước tôi, tập hợp khoảng hơn 10.000 bài báo được cắt ra từ báo chí xuất bản trong nước giai đoạn 1975-2007, chia theo bốn chủ đề thuần Việt là Danh lam thắng cảnh – Di tích lịch sử văn hóa, Phong tục – Lễ hội, Ẩm thực và Trang phục. Bộ sách có kích thước 1,2m x 0,8m, dày gần 1.000 trang, nặng 87kg, phần giá đỡ nặng 125kg. Tất cả đều làm thủ công. Về Trần Thanh Phương, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Trên đời tôi quý nhất hai loại người. Loại thứ nhất là có tài. Loại thứ hai là có tài liệu. Tôi chưa biết tài năng của anh Phương như thế nào, nhưng anh Phương có tài liệu”.
Mùa Vu lan, Sài Gòn mưa rỉ rả. Nước từ trên mái bếp giột rỏ tong tong xuống đám xô chậu xếp lỏng chỏng dưới sàn. Khi ông Phương giới thiệu về kho tư liệu của mình thì vợ ông ngồi cắt những bài báo. Từ nhiều năm nay, bà là trợ thủ đắc lực của ông trong công tác sưu tầm.
____
Nhìn vào gia tài của ông, hẳn rằng đó không phải là công việc một sớm một chiều?
Tôi sưu tầm báo trước hết là để phục vụ công việc của mình. Năm 1967, tôi được báo Nhân Dân xin về làm phóng viên ban miền Nam, còn gọi là Ban Thống nhất ngay khi tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
____
Ông đón nhận quyết định này với tâm trạng như thế nào?
Chuyện này tôi đã ghi lại trong tập hồi ký của mình. Khi hay tin, tôi mừng ít mà ngạc nhiên thì nhiều. Tôi không hiểu tại sao một tờ báo lớn như vậy lại tuyển tôi về làm việc. Tôi hoàn toàn chưa được đào tạo nghiệp vụ về báo chí. Bao nhiêu câu hỏi xáo trộn trong đầu khiến tôi hoang mang. Một lần, tôi đem nỗi băn khoăn của mình tâm sự với một người viết văn, viết báo tự do, anh ấy nói tỉnh queo: “Chỉ sợ cậu không có năng khiếu thôi, chứ làm báo, làm văn không có gì khó lắm, miễn là đừng sai quan điểm, lập trường. Cái quan trọng là ở đó. Phải luôn ghi nhớ câu này: “Ta thắng, địch thua, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn, thế giới ủng hộ ta”. Cứ như vậy, cậu viết. Không ai dám gạt bài cậu”. Tôi lại càng hoang mang. Không lẽ cuộc sống luôn luôn chỉ có như vậy?
Nhiệm vụ của Ban Thống nhất là viết về cuộc chiến đấu ở miền Nam. Tài liệu là những cán bộ cách mạng ở trong Nam ra. Mặc dù là người Cà Mau nhưng vốn sống của tôi về phong tục tập quán đời sống xã hội ở miền Nam khá hạn hẹp do sống ở nông thôn, lại đi tập kết khá sớm, từ năm 14 tuổi. Để bù đắp khoảng trống tri thức đó, tôi phải đọc khá nhiều báo chí xuất bản ở Sài Gòn, chuyển ra Hà Nội theo ngả đường Phnom Penh. Gặp những bài nói về văn hóa và con người Nam bộ, tôi cắt ra, làm tư liệu. Làm riết rồi thành quen.
Chưa được đào tạo nghiệp vụ về báo chí khiến tôi hoang mang. Đem nỗi băn khoăn của mình tâm sự với một người viết văn, viết báo tự do, anh ấy nói tỉnh queo: “Chỉ sợ cậu không có năng khiếu thôi, chứ làm báo, làm văn không có gì khó lắm, miễn là đừng sai quan điểm, lập trường”.
____
Một thói quen tốt đấy chứ…
Đúng vậy. Tôi thường xuyên nghe đài nước ngoài một phần vì họ làm tư liệu rất kỹ. Chẳng hạn, khi bà Nguyễn Thị Bình qua Pháp dự Hội nghị Paris bốn bên về Việt Nam, báo chí phương Tây nói liền: “Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại nhà chí sĩ Phan Châu Trinh”. Chắc chắn nhiều người ở Việt Nam, trong đó có tôi, không biết thông tin này. Báo chí là thông tin, càng nhiều thông tin càng tốt.
____
Mua báo để cắt dán có tốn kém lắm không, thưa ông?
Mỗi tháng tốn khoảng năm, bảy trăm ngàn đồng tiền báo. Lớn thì không lớn, nhưng đối với hai vợ chồng về hưu như chúng tôi thì cũng không phải nhỏ. Công việc sưu tầm những bài báo cũng đơn giản. Nguồn thứ nhất là mua báo mới và báo cũ được bán cân. Buổi sáng ra sạp, lật qua nhiều đầu báo, liếc qua nội dung rồi mới quyết định mua nên nhiều khi người bán cảm thấy phiền phức.
Báo cân thì dễ, lục lạo thoải mái. Cũng có khi cắt bài từ báo mới, phần đầu thừa đuôi thẹo mình đem đổi cho mấy bà ve chai. Nguồn thứ hai là từ bạn bè. Nói chung việc này khá rị mọ, mất thì giờ. Cũng may là bà xã tôi ủng hộ công việc của mình. Năm bảy năm nay, vợ tôi tự cắt ra rồi để búa xua. Khoảng vài ba tuần mới phân loại theo chủ đề. Sắp xếp tư liệu vô hình trung là một hình thức nạp thêm tri thức, thông tin. Nhờ thường xuyên “cắt dán” mà vợ tôi đã viết được hơn 200 bài báo.
____
Khi chưa có internet, công việc của ông đúng là rất cần thiết. Còn hiện nay, báo mạng ngày càng trở nên phổ thông. Nhiều tờ báo đã có website riêng. Có nhất thiết phải rị mọ như vậy không?
Đúng là bây giờ ngồi máy tính, gõ một cái là đầy nhóc. Nhưng thực ra vẫn còn nhiều tờ báo chưa có website. Với chúng tôi, công việc sưu tầm mang lại cho chúng tôi cảm giác rất “đã”. Sang năm kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, có thể chúng tôi sẽ tuyển lựa những bài báo cũ để xuất bản một tập. Hiện nay đang làm về Ngô Bảo Châu. Có thể chúng tôi chẳng bao giờ sử dụng đến những thông tin về chủ nhân giải thưởng Fields, nhưng biết đâu, một vài năm nữa, lại có người cần đến.
Việc sinh viên nhiều trường đến nhà tôi tìm tài liệu để làm luận văn khá nhiều, chứng tỏ kho tư liệu vẫn còn có ích đối với một số người. Điều đó khiến chúng tôi được an ủi phần nào. Hôm 25-8 vừa qua là sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nghĩ hai tờ Nhân dân và Quân đội Nhân dân chắc chắn sẽ có nhiều bài viết về Đại tướng. Vậy mà “quần nát” các sạp báo mà vẫn không tìm được một tờ nào. Chạy đến văn phòng đại diện phía Nam của hai tờ báo này hỏi mua người ta cũng không bán.
Công việc sưu tầm mang lại cho chúng tôi cảm giác rất “đã”.
____
Có vẻ như ông sưu tầm toàn những người nổi tiếng?
Không đúng. Bên cạnh những người nổi tiếng còn có những nhân vật tai tiếng như Năm Cam, hay những sự kiện thu hút sự chú ý của công luận như vụ án Epco-Minh Phụng, Tân Trường Sanh, sập cầu Cần Thơ, cho đến con tôm, con cá basa. Tập tư liệu về loài cá này dày dặn, thực hiện từ lúc nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long còn chưa biết nó như thế nào. Bây giờ, cá basa đã được người dân đồng bằng tri ân bằng cách tạc tượng, đặt ở An Giang.
____
Đất nước tôi là bộ sách thủ công đồ sộ được ghi vào kỷ lục Guinness Việt Nam. Nhưng xem ra nó chiếm khá nhiều diện tích, chiếm khá nhiều không gian vốn cũng không rộng rãi của phòng khách, ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Ông có lường hết sự bất tiện này khi bắt tay vào thực hiện bộ sách?
Khi nảy ra ý tưởng thực hiện Đất nước tôi, hai vợ chồng bắt tay vào làm liền, không phân vân, tính toán. Có một cái khó là khá nhiều bài báo trong bộ sách này vốn thuộc những bộ sách khác, nhỏ hơn. Để gỡ chúng ra mà không bị rách, chúng tôi phải làm mềm lớp hồ dán bằng nước. Tiếp đó, dùng bàn ủi ủi cho khô từng tờ trước khi dán lại vào Đất nước tôi. Chúng tôi mất gần sáu tháng mới hoàn tất. Làm xong rồi không biết xử trí như thế nào. Nếu như ai đó đồng ý mua, chúng tôi chỉ lấy phần chi phí bỏ ra, còn dư sẽ ủng hộ cho những sinh viên báo chí khó khăn về tài chính. Chưa nhận được lời đề nghị nào nên tạm thời cứ để đó chơi.
____
Bây giờ ông còn khỏe, còn cắt dán được. Nhưng đến một lúc nào đó, khi không đủ sức khỏe, ông sẽ ứng xử với kho tư liệu này như thế nào?
Thực tình là tôi cũng chưa biết làm sao. Bà con hai bên nội ngoại đều không xúc động đối với công việc chúng tôi đang làm. Muốn tặng cho ai đó nhưng cũng không biết ai thực sự có tấm lòng. Trong cuộc sống, có những thứ mình rất quý nhưng với người khác thì nó không đáng giá bằng cục đất chọi chim. Mới đây, tôi đã xuất bản cuốn Nguyễn Quang Sáng với bạn bè, tập hợp những bài báo Nguyễn Quang Sáng viết về bạn bè và bạn bè viết về ông nhân dịp nhà văn bước sang tuổi 80. Nhuận bút được bảy triệu đồng. Chúng tôi cũng đang in cuốn Ngọn cờ vẻ vang, nói về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sang năm là kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có thể chúng tôi cũng in một tập.
____
Vậy còn tiền tác quyền cho những tác giả mà ông sử dụng để in sách thì sao, thưa ông?
Đây là vấn đề khá mệt mỏi. Đối với những người đã khuất thì không nói. Nhưng với những tác giả còn sống, phải điện thoại, viết thư xin phép được sử dụng tác phẩm của họ. Phần lớn đều không lấy nhuận bút, chỉ nhận sách biếu. Thậm chí, có những tác giả còn không nhớ bài báo họ đã viết, vì đã lâu quá rồi.
____
Ngoài những bài báo cũ, được biết ông còn sở hữu hơn 600 bức ảnh và bút tích của các nhà văn Việt Nam. Tập một gồm 250 chân dung đã được xuất bản. Làm cái này có vẻ ra tiền hơn?
Việc sưu tầm chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam đến với tôi cũng khá tình cờ. Năm 1976, tôi thường ghé tiệm thuốc cam Hàng Bạc ở chân Cầu Kiệu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh lấy thuốc. Không ngờ chủ tiệm là bà con của nhà thơ Phạm Huy Thông, tác giả Tiếng địch sông Ô. Qua nhiều lần trò chuyện, họ quý mình, nên cho một tấm ảnh chân dung và bút tích của nhà thơ. Kể từ đó, gặp ai thì xin, rồi để chơi vậy thôi.
Năm 2004, một nhóm làm phim của VTV3 đến tìm tôi, đề nghị ghi hình bộ sưu tập này. Sau khi chương trình phát sóng được chừng một tháng, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục đến đặt vấn đề xuất bản. Tuy nhiên, nhà xuất bản yêu cầu phải có thêm phần tiểu sử, một đoạn văn hoặc đoạn thơ mà tác giả tâm đắc và vài phần khác nữa. Việc này còn tốn nhiều thời gian hơn. Có những tác giả làm rất sơ sài, gửi đoạn trích nhưng không ghi xuất xứ, thí dụ đăng ở báo Văn nghệ, số mấy, ngày tháng năm nào.
Thành ra, phải điện thoại hỏi tới hỏi lui, rất mất thì giờ. Cực nhất là những người không có địa chỉ. Chẳng hạn như trường hợp nhà thơ Bàn Tài Đoàn. Một người bạn cho biết nhà thơ ở xã đó, huyện đó thuộc tỉnh Đắc Lắk, nhưng không địa chỉ cụ thể. Tôi cũng viết thư theo địa chỉ không rõ ràng này, rồi nhờ bưu điện chuyển giùm. Không ngờ thư đến thật. Vừa hay con trai nhà thơ ở Thái Nguyên vào thăm cha bị bệnh. Chính anh ấy đã đọc bức thư cho cụ nghe hai, ba lần.
Trong bức thư anh gửi cho chúng tôi kèm theo tư liệu, anh ấy nhắc lại lời cụ rằng “vậy là người ta còn nhớ đến tôi”. Một trường hợp khác là nhà văn Chu Thiên. Theo thông tin có được từ một bài báo, chúng tôi gửi thư về địa chỉ ở Nam Định. Tác giả Bóng nước Hồ Gươm đã qua đời. Nhà ở Nam Định cũng đã đổi chủ. Thế mà không hiểu sao bưu điện lại chuyển thư tới tận tay của con gái nhà văn ở Hà Nội. Chị ấy điện thoại cho chúng tôi xác minh, rồi nhanh chóng gửi vào những gì chúng tôi yêu cầu.
Một trường hợp nữa là nhà thơ Chính Hữu. Khi nhận được thư của chúng tôi thì ông đã bị tai biến. Bút tích của ông vẻn vẹn có sáu chữ, gồm câu thơ “Đầu súng trăng treo” trong bài Đồng chí và tên tác giả. Nhìn nét chữ run rẩy của tác giả, tôi vô cùng cảm động. Để cầm bút viết được sáu chữ đó, ông đã mất hằng giờ đồng hồ.
Một trường hợp nữa là nhà thơ Chính Hữu. Khi nhận được thư của chúng tôi thì ông đã bị tai biến. Nhìn nét chữ run rẩy của tác giả, tôi vô cùng cảm động. Để cầm bút viết được sáu chữ đó, ông đã mất hằng giờ đồng hồ.
____
Có vẻ như công việc này nhận được sự ủng hộ của các nhà văn?
Không phải lúc nào mình cũng nhận được sự đồng cảm của nhà văn. Ba người ủng hộ tôi nhiều nhất, giúp đỡ tôi nhiều nhất là nhà văn Thép Mới, nhà thơ Chế Lan Viên và Nông Quốc Chấn. Còn lại đều mất nhiều công phu. Có những người rất khó, thư biên ba bốn lá, điện thoại năm bảy lần nhưng vẫn không gửi cho tài liệu tôi cần.
____
Có thể vì họ chưa hiểu rõ mục đích của ông, hoặc cũng có thể vì lý do nào đó mà nghi ngại, không chừng họ băn khoăn giữa “bút tích” với “bút lục”?
Tôi cũng không hiểu. Có những nơi mình tưởng rằng rất khó nhưng thực ra lại rất nhẹ nhàng. Chẳng hạn như trường hợp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Biết tin Thủ tướng họp ở T78 (đường Lý Chính Thắng, quận 3), đến giờ nghỉ, tôi mò đến, gặp anh thư ký của Thủ tướng rồi trình bày mục đích. Anh mời tôi ngồi uống nước, chờ anh xin ý kiến. Vài phút sau, Thủ tướng đi ra, đưa cho tôi một miếng giấy, ghi: “Đồng chí Phương thân mến. Tôi gợi ý đồng chí đi tìm những người lao động quên mình ở nước ta. Đó là những chữ ký có giá trị”. Phía dưới ký tên.
____
Trong danh sách nhà văn ông sưu tầm chân dung và bút tích, có phải tất cả ông đều thích?
Tôi không đặt vấn đề thích hay không thích khi làm việc này. Làm sưu tầm thì phải dọn mình. Đó cũng là tinh thần của khoa học, không có chỗ cho yêu – ghét, thương – giận. Không có ai là toàn hảo. Có tài thì có tật. Điều tôi quan tâm là những đóng góp của nhà văn, nói cách khác là tác phẩm của họ chứ không phải con người họ. Về phần mình, tôi là người khá “mát tính”. Không thế, có lẽ tôi không đủ kiên nhẫn theo đuổi công việc này.
____
Trong làng văn nghệ nước mình, việc người này không thích người kia là chuyện bình thường. Có khi nào vì việc này mà nhà văn từ chối cung cấp thông tin?
Khi tôi đặt vấn đề, không ai hỏi là tôi sẽ chọn những ai. Nhưng khi tập 1 phát hành thì cũng có một số ý kiến đề nghị làm phải có chọn lọc. Sau khi xem sách, một vài người tỏ ra không hài lòng với đôi người mà họ không biết. Tôi có trả lời rằng họ là những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu hội làm kỷ yếu thì ai cũng có tên hết. Vậy thì tại sao không đứng chung được trong tập sách này. Nhưng có vẻ như lời giải thích của tôi không thuyết phục được ông ấy. Ông nói không nhận sách, nhưng vẫn ủng hộ số tiền bằng giá cuốn sách vì “sự nhiệt tình của ông Phương”. Đương nhiên, tôi không nhận.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này