Thân thiện môi trường (environmentally friendly, eco-friendly, earth-friendly) là khái niệm mới phổ biến mấy mươi năm gần đây, nay đã nhanh chóng trở thành vấn đề toàn cầu. Để có thể có một nội thất thân thiện với môi trường chủ nhà nên biết cách giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe và sự tiện nghi của mình.
Các mục tiêu cơ bản của “thân thiện môi trường” là giảm tiêu thụ tài nguyên không thể tái tạo, giảm thiểu chất thải và tạo ra môi trường lành mạnh, hiệu quả. Thân thiện môi trường bao gồm giảm chi phí xây dựng, giảm vật liệu hao tốn, giảm rác thải, giảm năng lượng sử dụng, giảm nước sạch và nước thải… Chúng tôi tập hợp tư liệu thành bài viết ngắn dưới đây, hy vọng có ích cho bạn đọc.
[1]
Tăng hiệu quả sử dụng không gian nội thất
Việc bố trí hiệu quả không gian nội thất làm gia tăng tiện ích sử dụng trên một diện tích có hạn. Công việc này phải được bắt đầu ngay từ khâu thiết kế và có thể được điều chỉnh ngay cả khi căn nhà đã được đưa vào sử dụng. Thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian nội thất, bạn đã góp phần sử dụng hợp lý lượng nguyên vật liệu hao tốn, tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ… góp phần giảm tiêu hao tài nguyên trái đất. Và theo trào lưu mới thì ít vật dụng hơn có nghĩa là ít cần được sản xuất hơn, điều đó giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
[2]
Nội thất tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Nhà thiết kế có thể dùng cửa sổ và giếng trời để tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày và giảm thiểu ánh sáng nhân tạo. Với khí hậu nhiệt đới, nhà ở Việt Nam cũng rất cần quan tâm tới vấn đề nhiệt độ và thông thoáng tự nhiên trong nhà. Các cửa kính có kích thước lớn và cố định tạo nên những nội thất bắt buộc phải dùng hệ thống điều hòa không khí suốt ngày là thiếu hợp lý. Hiệu ứng nhà kính và hệ thống giải nhiệt của máy điều hòa không khí làm mức độ ô nhiễm môi trường gia tăng đáng kể. Giảm được lượng điện cho chiếu sáng và điều hòa không khí cũng là một tiêu chí hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường.
[3]
Sử dụng nguyên vật liệu một cách có ý thức
Nên sử dụng nguyên vật liệu, đồ nội thất và sản phẩm trang trí từ các nhà sản xuất có quy trình sản xuất minh bạch và từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm môi trường, có thể tái tạo nhanh chóng. Đây là vấn đề khó với thị trường Việt Nam khi các tiêu chuẩn và các dấu hiệu chứng nhận thân thiện môi trường chưa phổ biến.
Một vấn đề lớn với người Việt Nam là tập quán yêu thích gỗ rừng tự nhiên nguyên khối. Điều này góp phần làm tận diệt những khu rừng già tự nhiên. Người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường là người chỉ dùng gỗ từ rừng trồng có xuất xứ hợp pháp hoặc các loại ván gỗ công nghiệp.
[4]
Giảm thiểu chất thải, cải tiến việc thi công
Hầu hết các nhà thiết kế Việt Nam không để ý tới việc sử dụng nguyên vật liệu khi thiết kế. Các xưởng sản xuất nhỏ cũng không quan tâm tới việc tối ưu hóa khâu sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu. Vật tư thải bỏ sẽ được tính trong giá thành. Thay đổi nhận thức này sẽ là có trách nhiệm hơn với môi trường.
Ở Việt Nam vẫn có tập quán xây dựng nhà từ những vật liệu cơ bản là xi măng, cát, đá và gạch nung. Các vật liệu này gây ô nhiễm rất lớn ngay từ khâu chế biến tới vận chuyển, xây dựng và cả tới khâu thải bỏ. Các căn hộ ở đô thị Việt Nam, hầu như toàn bộ, được ngăn chia phòng bằng tường xây. Khâu xây dựng – cải tạo luôn dơ bẩn, ồn ào, đông đúc công nhân. Khâu vận chuyển vật liệu rất khó khăn, nhất là khi phải cải tạo lúc đã có dân cư sinh sống. Các nhà thiết kế nội thất cần thay đổi tập quán này bằng các vật liệu hiện đại hơn như tấm thạch cao, tấm gỗ nhân tạo, khung kim loại, khung gỗ… Các cấu kiện có thể lắp ráp một phần tại xưởng và tiếp tục lắp ghép tại công trường để giảm tiếng ồn, thời gian thi công, rác thải…
[5]
Gia tăng tuổi thọ của sản phẩm, sản xuất sản phẩm từ vật liệu đã qua sử dụng
Một khuynh hướng lớn của thế giới hiện nay là tăng thời gian sử dụng cho đồ nội thất. Nó có thể được sử dụng lại, cải tạo hoặc tân trang nhằm cho chúng một sức sống mới. Đối với vật liệu cũng vậy, nhiều món đồ nội thất đã được làm từ thanh gỗ hay mảnh kim loại cũ, từ nhựa hay giấy tái chế… Đối với những nước có công nghệ phát triển thì gạch, thảm, vải, thậm chí cả bồn rửa và mặt quầy có thể được làm từ vật liệu tái chế.
[6]
Sử dụng các sản phẩm không độc hại và không gây ô nhiễm môi trường
Thị trường Việt Nam có nhiều hạn chế trong việc thông tin về thành phần hóa chất trong sản phẩm. Chủ nhà cũng như nhà thiết kế, nhà thầu cũng ít quan tâm tìm hiểu. Các bạn đọc nên quan tâm đến những tem dán chứng nhận quốc tế về an toàn cho sức khỏe và môi trường.
Chứng nhận bảo vệ rừng của Hội đồng quản lý rừng (Forest Stewardship Council).
Tiêu chuẩn được ban hành bởi Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu và Kiểm nghiệm trong Lĩnh vực Dệt may và Da thuộc Sinh thái.
Energy Star là một trong những tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng áp dụng cho các thiết bị điện tử và đồ điện gia dụng.
Greenguard là chứng chỉ dành cho các sản phẩm đáp ứng một số tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mức độ khí thải hóa học, giúp giảm ô nhiễm không khí trong nhà và nguy cơ tiếp xúc với hóa chất.
BÓNG ĐÈN LED TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG
Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, bóng đèn LED sử dụng ít năng lượng hơn 75% so với bóng đèn sợi đốt và tuổi thọ cao hơn 25 lần. Việc lắp đặt các bóng đèn LED vào đèn chiếu sáng ngôi nhà sẽ cung cấp ánh sáng với chi phí năng lượng chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí năng lượng của đèn cũ.