Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) từ lâu đã được biết đến như một nhà văn, một học giả, một nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm biên soạn và dịch thuật để đời có giá trị, thuộc đủ mọi lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký…
Thế hệ hậu bối còn noi gương và học tập được ở ông nhiều thứ: gương tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc, và nhất là nhân cách cao thượng của một người trí thức chân chính. Bản thân ông luôn khiêm tốn, giản dị, làm việc nhiều hưởng thụ ít, không thích ồn ào, nhưng tư tưởng, tâm hướng và tấm lòng thì rộng rãi, nồng nàn, cho nên lời văn của ông cũng giản dị, dễ hiểu, trung thực với ý mình.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa tái bản tác phẩm Nguyễn Hiến Lê – con người và tác phẩm, cuốn sách là tập hợp những bài viết về Nguyễn Hiến Lê của nhiều tác giả, sau 10 năm “tuyệt bản”.
Phần lớn những tác giả có bài in trong tập sách này đều trẻ hơn ông Nguyễn Hiến Lê. Có người có duyên quen biết, giao thiệp với ông; những người khác thì được ảnh hưởng tốt bởi những cuốn sách, bài báo do ông viết, thậm chí lập thân theo chí hướng do ông gợi ý qua các sách. Và họ đã ghi lại những cảm tưởng, suy nghĩ của mình một cách chân thật, sinh động về ông hoặc về tác phẩm của ông, dựa trên sự hiểu biết trực tiếp qua quen biết (như Quách Tấn, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Anh Dũng…), hoặc chỉ gián tiếp qua sách báo (như Nguyễn Hoàng Xanh, Nguyễn Hướng Dương, Lê Ký Thương…)
Trong lần tái bản này, sách cũng đã được bổ sung chút ít ở vài chỗ và tăng thêm ba bài mới: “Cánh hồng bay bổng đường mây tuyệt vời” của Nguyễn Chấn Hùng, “Nhớ Nguyễn Hiến Lê” của Đỗ Hồng Ngọc, và đặc biệt, bài “Chuyện của Luật” của tác giả Lê Anh Minh kể chuyện một bạn trẻ chuyển hướng cuộc đời sang một ngả rẽ hoàn toàn mới nhờ đọc sách Nguyễn Hiến Lê.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức buổi giao lưu và giới thiệu tác phẩm trên cùng Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cùng Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh.
_______