Nửa đầu năm 2025, Việt Nam đón gần 11 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng tới 21% so với cùng kỳ. Không còn là con số trên báo cáo, lượng khách này đang định hình lại bản đồ du lịch và cả cách chúng ta kể câu chuyện về chính mình.
Nhưng điều gì khiến du khách cứ đổ về dải đất hình chữ S? Và đâu là những cái tên đang thực sự “gây thương nhớ” với bạn bè quốc tế?
Sự tăng trưởng này không đến từ may mắn. Trong mắt bạn bè quốc tế – đặc biệt là du khách Hàn Quốc và Trung Quốc – Việt Nam đang trở thành điểm đến cân bằng: vừa gần gũi, vừa mới mẻ, vừa truyền thống lại vừa hiện đại.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, theo sau là Trung Quốc – quốc gia có cú bứt phá ngoạn mục từ hạng 4 năm ngoái lên hạng 2 năm nay. Thú vị hơn, Thái Lan lần đầu tiên lọt Top 5, một dấu hiệu rõ rệt cho thấy sự kết nối Đông Nam Á đang trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết.
Dữ liệu từ Agoda tiết lộ 5 điểm đến được tìm kiếm và yêu thích nhất vẫn là: Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang, Hà Nội – và bất ngờ gọi tên Phú Quốc, khi hòn đảo này lần đầu soán ngôi của Hội An trong danh sách top 5.
Không khó để hiểu lý do: cảnh sắc Phú Quốc thì đã quá “Instagrammable”, nay lại được tiếp sức bằng các đường bay thẳng từ Seoul, khiến hòn đảo này như một resort khổng lồ dành riêng cho du khách Hàn.
Hãy tưởng tượng một cặp đôi Hàn Quốc chọn Nha Trang để nghỉ tuần trăng mật, dành cả ngày ngắm hoàng hôn từ hồ bơi vô cực và tối về thưởng thức hải sản ở bến thuyền. Đó không phải là mơ – mà là lựa chọn phổ biến trong hàng nghìn booking trên Agoda.
Ngược lại, một nhóm khách Trung Quốc sẽ lên lịch trình khám phá TP.HCM sôi động, rồi ra Hà Nội dạo quanh hồ Gươm, trước khi “trốn” ra Phú Quốc thư giãn vài đêm. Họ yêu thích sự kết hợp giữa đô thị náo nhiệt và thiên nhiên nghỉ dưỡng – và Việt Nam cho họ được cả hai.
Từ số liệu đến cảm nhận, có thể thấy Việt Nam không còn chỉ là điểm đến “ngon – bổ – rẻ”. Thay vào đó, ta đang dần trở thành một “trải nghiệm có gu” – nơi du khách có thể sống chậm, khám phá, tận hưởng hoặc “sống ảo” tuỳ cách họ chọn.
Bài toán bây giờ không chỉ là hút thêm khách, mà là giữ được cảm tình đó lâu dài.
Phải chăng, đã đến lúc ngành du lịch Việt cần chuyển từ tư duy “hút khách” sang tạo dựng một hệ sinh thái trải nghiệm tinh tế, xứng đáng với cái nhìn mà thế giới đang dành cho ta?